Thị trường dầu mỏ thế giới sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2022
Nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng trở lại trong năm 2021 khi thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tổng tiêu thụ của toàn thế giới có thể lập kỷ lục cao mới trong năm 2022, bất chấp những nỗ lực trong việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để chống lại sự biến đổi khí hậu.
- 23-12-2021Triển vọng ngàng năng lượng, kim loại, nông sản ra sao trong năm 2022?
- 23-12-2021Thị trường ngày 23/12: Giá dầu tăng mạnh, kẽm và ngũ cốc đạt đỉnh nhiều tháng
- 22-12-2021Giá dầu hồi phục mạnh dù thị trường vẫn cảnh giác với biến chủng Omicron
Tiêu thụ xăng và dầu diesel năm nay tăng mạnh do người tiêu dùng khôi phục trở lại các hoạt động kinh doanh và du lịch.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong năm 2022, tiêu thụ dầu thô dự kiến sẽ đạt 99,53 triệu thùng/ngày, tăng so với 96,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Con số đó không khác mấy so với mức 99,55 triệu thùng/ngày của năm 2019 - trước khi xảy ra đại dịch. Điều đó sẽ gây áp lực lên cả OPEC (Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ Thế giới) và ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ trong việc đáp ứng nhu cầu – chỉ một năm khi các nhà sản xuất lớn cũng bị bất ngờ bởi hoạt các động khôi phục trở lại sau đại dịch mạnh mẽ đến nỗi lấn át nguồn cung, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiên liệu trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia OPEC đã phải chật vật để tăng thêm sản lượng, trong khi ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ phải đối phó với các yêu cầu của nhà đầu tư để giữ chi phí ở mức giới hạn.
Từ mức 52 USD/thùng đầu năm 2021, giá dầu thô Brent đã tăng lên mức 86 USD/thùng trong thời gian gần đây. Các nhà dự báo cho rằng giá có thể tiếp tục tăng hơn nữa trong năm 2022, trừ khi nguồn cung tăng nhiều hơn dự kiến. Các nhà nghiên cứu của Bank of America ước tính giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 85 USD/thùng vào năm 2022, do tồn kho thấp và thiếu công suất dự phòng.
Một yếu tố không chắc chắn cho thị trường dầu mới xuất hiện, đó là virus biến thể Omicron, với việc nhiều quốc gia đã áp dụng lại các biện pháp hạn chế du lịch, điều này có nguy cơ làm tổn hại đến ngành hàng không và tiêu dùng.
Damien Courvalin, người phụ trách bộ phận nghiên cứu năng lượng của Goldman Sachs cho biết: "Nếu đây là một làn sóng khác giống như những đợt chúng ta đã thấy trước đây thì điều đó sẽ gây tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2022. Nhưng nếu có sự phục hồi tiếp theo, nhu cầu dầu, vốn đã chạm mức trước Covis-19 chỉ trong thời gian ngắn vào đầu tháng 11, sẽ lập kỷ lục cao mới trong hầu hết năm 2022."
Sự phục hồi nhu cầu trong năm 2021 nằm ngoài dự kiến của các nhà cung cấp, làm gia tăng căng thẳng giữa các nước sản xuất chủ chốt và những nước tiêu dùng lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Với việc giá xăng tăng mạnh vào đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi OPEC và các đồng minh của tổ chức này, được gọi là OPEC +, tăng sản lượng tổng thể sau khi hạn chế nguồn cung trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, các quốc gia OPEC đã chật vật để tăng sản lượng do một thời gian khá dài không đầu tư đủ cho ngành khai thác dầu. Dữ liệu của Reuters cho thấy khối này đã tuân thủ quá mức các mục tiêu sản xuất trong tháng 11, với mức độ tuân thủ lên đến 117%, so với 116% của tháng trước đó, cho thấy sản lượng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã thống nhất. Trong đó, mức độ tuân thủ của các nước OPEC là 122% và của các nước ngoài OPEC là 107%.
Dữ liệu của OPEC + cho thấy các nhà sản xuất Tây Phi, Nigeria và Angola, tiếp tục trầy trật trong việc cố gắng đạt mục tiêu, khiến tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận của Angola lên tới gần 300% trong tháng 11, mức cao nhất năm nay, trong khi của Nigeria giảm 10 điểm phần trăm so với tháng trước xuống còn 239% nhờ sản lượng tăng nhẹ. Hai nước đã không đạt được mục tiêu sản xuất trong những năm gần đây do không đầu tư, thiếu bảo trì và sự di chuyển của các công ty năng lượng quốc tế.
Tương tự, ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ cũng gần như không có phản ứng bảo với hiện tượng giá dầu tăng, khác hẳn với trước đây, do áp lực hạn chế chi tiêu từ phía các nhà đầu tư. Tổng sản lượng dầu của Mỹ trung bình năm 2021 là 11,2 triệu thùng/ngày, so với mức cao kỷ lục gần 13 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019, thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết.
Phó chủ tịch phụ trách về phân tích cấp cao của Rystad Energy, Claudio Galimberti, cho biết Canada, Na Uy, Guyana và Brazil cần bổ sung nguồn cung trong năm tới. Theo EIA, sản lượng dầu của Mỹ dự kiến đạt trung bình 11,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Nhu cầu dầu thế giới tăng lên mức cao kỷ lục.
Điều đáng quan tâm lúc này là nhu cầu dầu tăng như thế nào trong bối cảnh virus biến thể Omicron lây lan nhanh chóng.
Với đặc điểm rất dễ lây lan, số ca nhiễm biến thể này đang không ngừng gia tăng, và các đợt bùng phát tiếp theo có thể làm chậm lại quá trình hồi phục ở các nền kinh tế lớn.
IEA và các tổ chức khác đã hạ một chút kỳ vọng vào triển vọng thị trường dầu sắp tới, theo đó IEA hạ dự báo nhu cầu trung bình năm 2021 và 2022, giảm khoảng 100.000 thùng/ngày, do hoạt động di chuyển bằng đường hàng không chậm lại.
Fereidun Fesharaki, chủ tịch công ty tư vấn FGE, cho biết: "Dù chỉ 5% dân số không được tiêm phòng cũng có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng", "Ý tưởng rằng bạn có thể tiêm chủng 70, 80 hoặc 90% và bình thường đang bị thách thức."
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy Omicron đã có tác động đáng kể đến nhu cầu. Tồn kho nhiên liệu tại trung tâm Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA), một địa điểm vận chuyển dầu khí quan trọng của châu Âu, đã giảm trong tuần gần đây nhất - một tín hiệu cho thấy tiêu thụ ổn định. Dữ liệu từ Fuel Watch của công ty dịch vụ ô tô RAC cho thấy giá nhiên liệu ở Anh vẫn đang cao kỷ lục.
Tại châu Á, tỷ suất lợi nhuận của nhà máy lọc dầu trong quá trình sản xuất xăng đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây do lo ngại về nhu cầu do sự lây lan của biến thể Omicron, nhưng kỳ vọng sẽ lấy lại đà hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022, với lợi nhuận tăng nhiều nhất là đối với các các sản phẩm chưng cất như dầu diesel.
Peter Lee, nhà phân tích dầu khí cấp cao của Fitch Solutions, cho biết các thị trường mới nổi ở châu Á như Indonesia và Thái Lan dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.
Theo Richard G Taxi, giám đốc điều hành của JBC Energy Asia, nhu cầu xăng tại châu Á dự kiến sẽ tăng 350.000 thùng/ngày vào năm 2022.
Ông nói: "Phần lớn nhu cầu tăng trưởng sẽ đến từ Ấn Độ, tiếp theo là Trung Quốc", "Và chúng ta thậm chí sẽ thấy nhu cầu ở Nhật Bản cũng sẽ tăng 30.000 thùng/ngày khi các hạn chế chống Covid-19 dần được dỡ bỏ."
Tham khảo: Reuters