Thị trường địa ốc hồi hộp chờ 3 Luật có hiệu lực, chuyên gia bất ngờ dự báo kịch bản cuối năm 2024
Niềm tin của thị trường bất động sản đang chờ các cú hích tiếp theo đến từ chính sách rõ ràng hơn.
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), nếu Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ tháo gỡ được khó khăn về pháp lý cho nhiều dự án; thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư và tiếp sức cho thị trường bất động sản phục hồi vào cuối năm nay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thị trường bất động sản đang rất cần sự tiếp sức. Nhiều nhà đầu tư mong chờ thông qua 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội và Chính phủ. Các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan.
“Khi hệ thống pháp luật trên bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát sao sẽ nhanh chóng xử lý được vướng mắc của hầu hết các dự án. Từ đó, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư, khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong bộ phận cán bộ, công chức hiện nay”, ông Châu nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nếu được thông qua sớm, 3 Luật sẽ tháo gỡ nhanh chóng vướng mắc pháp lý, tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.
Trong chương trình Landshow mới đây, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết, thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã đi qua vùng đáy.
Vào năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Xây dựng và các bên liên quan giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản, trong đó có vấn đề về nguồn vốn để các nhà phát triển bất động sản có thể tiếp tục thực hiện các dự án.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, trong thời gian qua và bối cảnh của thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy có nhiều yếu tố khiến nguồn cung bị hạn chế.
Thứ nhất là về quỹ đất. Việc phát triển quỹ đất ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển khu đô thị luôn bài toán đau đầu của các nhà làm quy hoạch, các nhà làm chính sách và các nhà làm quản lý.
Thứ hai là những vấn đề về phê duyệt dự án hay thủ tục pháp lý để thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp bất động sản phải thẳng thắn với nhau rằng nguồn vốn luôn là huyết mạch của doanh nghiệp bất động sản. Bởi vì đầu tư một dự án bất động sản tốn rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính luôn đóng một vai trò rất quan trọng đối với nhà phát triển bất động sản.
“Điều mà chúng ta cần tính là đâu là nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản phát triển bền vững để có nguồn cung cho thị trường, để bảo đảm giá ổn định không bị quá nóng hoặc quá lạnh. Đây là câu chuyện mà chúng ta cần phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương nhấn mạnh.
Nhịp sống thị trường