Thị trường điện thoại di động dự báo tăng trưởng khiêm tốn, Digiworld (DGW) tìm kiếm cơ hội từ Xiaomi và Nokia
Digiworld có thể tận dụng mô hình kinh doanh độc đáo cùng chiến lược phân phối đa kênh hiệu quả, cộng với vị trí độc quyền để phân phối các sản phẩm của Xiaomi và Nokia tốt hơn thị trường chung.
Thị trường điện thoại di động sắp bão hòa, song vẫn còn cơ hội
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định thị trường điện thoại mặc dù đã bước vào giai đoạn ổn định tuy nhiên vẫn có cơ hội tăng trưởng tiếp nhờ:
(i) Tăng doanh số điện thoại thông minh (hiện chiếm 30%);
(ii) Nhu cầu nâng cấp điện thoại của tầng lớp trung lưu và giàu có.
Chi tiết, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm qua với tăng trưởng 11% về số lượng hàng bán và 21% về doanh số trong giai đoạn 2012-2017 khi điện thoại thông minh đang ngày càng phổ biến hơn. Trong tương lai, EuroMonitor dự báo thị trường điện thoại di động Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải trong giai đoạn 2017-2022 với mức CAGR là 0,5% về số lượng và 8,3% về giá trị.
Mặc dù vậy, quan điểm BVSC cho rằng thị trường dường như đã bước vào giai đoạn ổn định, nhưng vẫn có tiềm năng tăng trưởng để vượt qua mức dự báo khiêm tốn của EuroMonitor, trước hết dựa trên chuyển đổi mạnh hơn từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh.
EuroMonitor dự báo thị trường điện thoại di động Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải trong giai đoạn 2017-2022 với mức CAGR là 0,5% về số lượng và 8,3% về giá trị.
Phân tích sâu, sự thống trị của điện thoại thông minh tại thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng với tốc độ CAGR giai đoạn 2012-2017 là 44% về số lượng hàng bán và 34% về doanh số. Những con số này thực sự hàm nghĩa điều gì? BVSC cho rằng việc doanh số tăng trưởng chậm hơn số lượng hàng bán xuất phát từ áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất điện thoại di động, dẫn đến giá bán trung bình giảm.
Khi điện thoại thông minh đang ngày càng rẻ và nhiều chức năng hơn, xu hướng dịch chuyển sang điện thoại thông minh của người dùng Việt Nam càng rõ nét, thể hiện ở việc doanh số smartphone tăng từ 20% năm 2012 lên 80% thị phần. Tuy nhiên, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh trên tổng dân số của Việt Nam vẫn còn thấp (chỉ 30% vào tháng 5 năm 2018) so với các nước trong khu vực, nghĩa là sẽ có một sự chuyển đổi trên diện rộng sang điện thoại thông minh trong những năm tới.
Và như vậy, doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng nhu cầu thay mới điện thoại, BVSC kỳ vọng chu kỳ thay thế điện thoại thông minh tại Việt Nam, trung bình là trong vòng 2 năm, cùng với sự gia tăng thu nhập đầu người sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng thị trường điện thoại di động trong tương lai.
Tìm động lực tăng trưởng tại Xiaomi và Nokia
Riêng với Digiworld, BVSC kỳ vọng Công ty có thể tận dụng mô hình kinh doanh độc đáo cùng chiến lược phân phối đa kênh hiệu quả, cộng với vị trí độc quyền để phân phối các sản phẩm của Xiaomi và Nokia tốt hơn thị trường chung.
Thực tế, kết thúc quý 3/2018, trong khi nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực điện máy, điện tử giảm tốc, thì Digiworld lại tăng trưởng ấn tượng. Ghi nhận, nhờ hợp đồng phân phối độc quyền cho Xiaomi, ngành hàng điện thoại di động của Digiworld đã tăng vọt 294%, lên gần 1.800 tỷ đồng, đóng góp chính vào doanh thu 9 tháng của Công ty.
Cùng với đó, ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng đạt doanh thu 1.766 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% bất chấp doanh số thị trường này đang giảm 14% tính đến tháng 8, theo báo cáo của GfK.
Được biết, Digiworld là nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) tại Việt Nam, với mô hình và chiến lược phân phối đa kênh, Công ty tham gia kinh doanh các sản phẩm ICT (mảng chính) bao gồm: 1) máy tính xách tay và máy tính bảng, 2) điện thoại di động và 3) thiết bị văn phòng; và gần đây bắt đầu đầu tư vào hàng tiêu dùng và cung cấp 4) thực phẩm chức năng, và 5) hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Đặc biệt, ngành máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại di động được xem như "hai chân trụ" trong hoạt động kinh doanh của Digiworld. Trong đó, mảng kinh doanh chính ICT nhờ vào hai đối tác Xiaomi và Nokia đã mang đến sự phục hồi rõ nét trong mảng điện thoại.
Mảng kinh doanh chính ICT nhờ vào 2 đối tác Xiaomi và Nokia đã mang đến sự phục hồi rõ nét trong mảng điện thoại.
Về phía các nhà sản xuất, đơn vị chứng khoán cho rằng hệ số giá trên giá trị vượt trội của Xiaomi và Nokia, cùng với tham vọng của những nhãn hàng này tại thị trường Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh cốt lõi của Digiwỏlrd trong trung hạn. BVSC dự báo doanh thu thiết bị cầm tay sẽ đạt 2.408 tỷ đồng (tăng 220%) trong năm 2018 và 4.994 tỷ đồng (tăng 107%) trong năm 2019.
Liệu Xiaomi có đủ sức thay đổi cuộc chơi?
Song, thời gian qua, mảng điện thoại di động Công ty lại bị ảnh hưởng bởi Nokia, Nokia chiếm tới 90% doanh thu di động trong năm 2015, nên tăng trưởng doanh thu của mảng này giảm mạnh sau khi Microsoft mua lại Nokia (tăng trưởng doanh thu kép 2013-2017 là âm 6.3%). Kể từ đó, các đối tác điện thoại hàng đầu của Công ty bao gồm Freetel, Lenovo, Intex, Sharp và Xiaomi; đặc biệt việc cung cấp MES cho Xiaomi được kỳ vọng là một ẩn số tiềm năng.
Câu hỏi đặt ra là, "Liệu Xiaomi có đủ sức thay đổi cuộc chơi?". Thực tế, Digiworl đã cung cấp MES độc quyền cho Xiaomi từ năm 2017. Điều này có thể giúp thay đổi cuộc chơi trong phân khúc này, dựa trên 3 yếu tố:
(1) Tham vọng thâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng lớn của Xiaomi;
(2) Hệ số giá trên giá trị vượt trội của Xiaomi đang dần thay đổi nhận thức về hàng "Made in China";
(3) Kiến thức chuyên sâu về thị trường và mạng lưới phân phối rộng lớn của Digiworld trên toàn quốc.
Như đã đề cập, Xiaomi là một nhân tố tiềm ẩn cho tăng trưởng trong tương lai của Digiworld, chủ yếu dựa trên các yếu tố như: Hệ số giá trên giá trị ưu việt của Xiaomi và thành công bước đầu gần đây của sản phẩm điện thoại thông minh Mi8 cho thấy thương hiệu có thể xâm nhập vào các phân khúc có giá bán cao hơn và tập khách hàng rộng hơn, hay nhu cầu thay thế điện thoại thông minh lên điện thoại "thông minh hơn".
Đặc biệt, Xiaomi đã phát triển vượt ngoài lãnh thổ Trung Quốc sang các thị trường mới nổi, và gặt hái thành công ở Ấn Độ (21% thị phần trong năm 2017) và Indonesia (18% thị phần trong quý 1/2018). BVSC cũng không quên đề cập mối quan hệ đối tác của Xiaomi được tự động gia hạn hàng năm. Mặc dù không có sự đảm bảo rằng mối quan hệ hợp tác sẽ kéo dài bao lâu, nhưng BVSC không nghĩ rằng điều này có thể là mối đe dọa đối với Công ty, ít nhất là trong trung hạn.
Xiaomi đặt mục tiêu táo bạo là tăng thị phần lên tới 10% trong vòng 3 năm tại Việt Nam. Kể từ khi thâm nhập thị trường vào tháng 8/2017, thị phần của Xiaomi đã tăng lên đến 5% vào quý 2/2018.
Hơn nữa, Nokia cũng đã chuyển mình, khi nhanh chóng chiếm 25% thị phần điện thoại di động chỉ trong vòng 7 tháng kể từ khi quay trở lại thị trường Việt Nam.
Trở lại với Digiworld, theo ban giám đốc Công ty, động lực tăng trưởng của phân khúc này là số lượng thương hiệu điện thoại di động mà Công ty đang cung ứng và sức mạnh thương hiệu, giúp cải thiện tăng trưởng. Từ đó, tạo nên sự khác biệt của Digiworld so với thị trường điện thoại di động tổng thể ở Việt Nam.
Đặt chiến lược trong tương lai, Digiworld mục tiêu tiếp tục tập trung vào phân khúc thấp và trung cấp, thu hút nhu cầu từ giai cấp trung lưu đang ngày càng đông đảo đồng thời tìm kiếm thêm cơ hội MES độc quyền để phát triển thêm nhiều thương hiệu.
Nguồn: Tập đoàn tư vấn Boston.
Mặt khác, kiến thức tốt về lĩnh vực MES còn hỗ trợ Công ty trong việc chuyển đổi chiến lược sang phân khúc hàng tiêu dùng. Do việc tự thành lập mạng lưới, lực lượng bán hàng và tiếp thị tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc cũng như yêu cầu phải có kiến thức sâu rộng về thị trường, BVSC cho rằng độ phủ sóng của MES tại thị trường Việt Nam sẽ ngày càng tăng.
Trí Thức Trẻ