Thị trường đường đang tạm “nghỉ” để lấy đà tăng tiếp
Sau khi liên tục leo dốc để đạt “đỉnh cao” 3,5 năm, giá đường đảo chiều lao dốc trong tuần qua. Các nhà kinh doanh mặt hàng này đang tìm manh mối để trả lời câu hỏi: Liệu giá có còn tăng tiếp?
- 22-12-2020Ngành mía đường: Mức thuế PVTM như thế nào là hợp lý?
- 10-12-2020Thái Lan đang làm gì để bảo hộ ngành mía đường?
Giá đường thế giới mấy phiên gần đây liên tiếp giảm. Phiên giao dịch gần đây nhất, ngày 22/1, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 có lúc xuống 15,80 US cent/lb – thấp nhất trong vòng 1 tuần; đường trắng cũng giảm 5,5 USD xuống 444,8 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đã mất gần 4%.
Các nhà kinh doanh đường cho biết, hoạt động bán tháo đang diễn ra sau đợt giá tăng mạnh gần đây, và các quỹ hàng hóa có vẻ đang điều chỉnh danh mục đầu tư.
Diễn biến này gây ngạc nhiên cho nhiều nhà kinh doanh đường và kể cả những nhà phân tích hàng hóa có uy tín.
Dự đoán về thị trường nông sản vốn dĩ không phải là việc dễ dàng. Trên thực tế, các nhà kinh doanh đường hàng đầu thế giới cũng đã sai lầm khi cách đây một năm dự đoán rằng thị trường đường năm 2020 sẽ kéo dài những chuỗi ngày giảm giá.
Dự đoán của các nhà phân tích và kinh doanh đường càng sai hơn khi mà giá đường chỉ thực sự tăng mạnh từ tháng 10/2020. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, thị trường đường đã lấy lại nhiều hơn những gì đã mất, để giá đường năm 2020 tăng mạnh khoảng 17%. Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York kết thúc năm 2020 ở mức 15,53 US cent/lb, trong khi đường trắng ở 420,9 USD/tấn, đều cao nhất trong vòng 4 tuần. So với đầu năm 2020, giá ở thời điểm cuối năm cao hơn 17,2%.
Đà tăng chưa dừng lại ở đó. Giữa tháng 1/2021, giá đường đã leo lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 4/2017 (3,5 năm). Theo đó, giá đường thô hôm 15/1 là 16,67 US cent/lb, trong khi đường trắng là 464,4 USD/tấn, do lo ngại thị trường bắt đầu chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt, sau khi Indonesia liên tiếp mua mạnh đường của Australia, Ấn Độ và Brazil, trong khi nguồn cung từ chính các nước xuất khẩu cũng có dấu hiệu khan hiếm.
Diễn biến giá đường thế giới
Bức tranh của thị trường đường đã thay đổi đáng kể so với giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, khi các nước đồng loạt đóng cửa và thực hiện giãn cách xã hội, từ Paris tới Los Angeles, ảnh hưởng đến doanh thu của mọi ngành, từ đồ uống cao cấp đến sôcôla.
Nhưng mọi người đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống thời đại dịch. Những gói cứu trợ khổng lồ của các chính phủ Mỹ, Brazil… đã giúp người tiêu dùng ở các quốc gia duy trì việc chi tiêu sinh hoạt. Song song với đó, các nước nhập khẩu đường ở Châu Á có xu hướng tăng cường dự trữ thực phẩm, trong đó có đường, để đảm bảo nguồn cung trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Ben Seed, nhà phân tích của Czarnikow Group, cho biết: "Chắc chắn có rất nhiều nhà hàng và quán cà phê vẫn đang mở cửa và kinh doanh thông qua phương thức mang hàng đi giao. "Mọi người hiện đã thích nghi tốt vì giờ không phải là đợt phong tỏa đầu tiên nữa".
Việc tính toán mức độ tiêu thụ đường luôn rất khó khăn, vì các nhà kinh doanh chỉ có thể nắm bắt được những gì đang thực sự diễn ra, có số liệu cụ thể rồi, nên thường có độ trễ. Nhà phân tích hàng hóa Green Pool cũng vậy. Trước đây, tổ chức này dự đoán là nhu cầu sẽ giảm 1 triệu tấn, nhưng nay đã điều chỉnh con số thành giảm 100.000 tấn. ED&F Man Holdings Ltd. trong báo cáo mới đây nhất cũng dự báo nhu cầu có thể giảm khoảng 1% (trước đây dự báo là giảm 2%).
Các nền kinh tế đã và đang mở cửa trở lại và các nước tiến hành tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đang giúp nhu cầu đường thế giới hồi phục, giữa bối cảnh sản xuất đường ở Brazil, Liên minh Châu Âu và Thái Lan gặp trục trặc. Những yếu tố đó đã đẩy giá đường tăng hơn 70% kể từ mức thấp nhất gần đây chạm tới hồi tháng 4/2020.
Czarnikow dự báo mức tiêu thụ sẽ tăng 2% sau khi giảm lần đầu tiên sau 40 năm, Citigroup dự báo mức tăng là 0,9%, trong khi JPMorgan Chase & Co. dự báo tăng 1%.
Nhà phân tích Ruhani Aggarwal của JPMorgan chi nhánh ở Ấn Độ cho biết, châu Á và châu Phi đang dẫn đầu về mức tăng trưởng nhu cầu đường, còn Mỹ và châu Âu hầu như không thay đổi. Indonesia và Trung Quốc đang làm kho dự trữ giữa lúc đại dịch làm co hẹp chuỗi cung ứng mà chính phủ các nước đều cần duy trì nguồn cung thực phẩm đầy đủ.
Các nhà máy tinh chế ở Indonesia, nhà nhập khẩu đường thô lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng nhập khẩu đường thô thêm 10% trong năm nay, theo Hiệp hội các nhà tinh chế đường quốc gia Indonesia. Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, thị trường này đã mua kỷ lục 5,3 triệu tấn đường năm 2020 sau khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát đối với những mặt hàng nhập khẩu vượt hạn ngạch thuế quan thấp.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn chưa kết thúc và nhiều quốc gia ở Châu Âu gần đây đã phải đóng cửa lần thứ 3. Tiêu dùng đường ở EU đã giảm trong nhiều năm liền do người tiêu dùng cố gắng giảm sử dụng đường để đảm bảo sức khỏe, trong khi ở khu vực này không có văn hóa mua hàng mang đi hay giao hàng cho khách hàng hay vừa lái xe vừa ăn uống như ở Mỹ.
Tuy nhiên, các biện pháp kích cầu đã thúc đẩy nhu cầu hồi phục và tăng lên. Tại Brazil, chương trình hỗ trợ của chính phủ đã giúp các nhà máy trong nước bán được lượng đường tăng 4,6% trong 11 tháng năm 2020 (so với cùng kỳ năm 2019), sau một thập kỷ tăng trưởng thấp, thậm chí giảm, theo số liệu của Unica (Hiệp hội Mía đường Brazil).
Nhà kinh doanh Ricardo Carvalho của BP Bunge Bioenergia, một trong những doanh nghiệp sản xuất đường lớn nhất Brazil, tiêu thụ đường vẫn có thể tăng nữa trong năm nay do kinh tế thế giới nhìn chung đang hồi phục, bù đắp cho việc các chính phủ sẽ giảm dần hoặc kết thúc các chương trình cứu trợ.
Top những thị trường tiêu thụ đường hàng đầu thế giới
Giám đốc điều hành Rahil Shaikh của công ty nông nghiệp Meir Commodities India Pvt (Ấn Độ) cũng cho rằng, tiêu thụ đường ở Ấn Độ sẽ hồi phục mạnh trong niên vụ này, thêm khoảng 1 triệu tấn.
Giám đốc hãng Sucres et Denrees SA ở Brazil, Jeremy Austin, cũng cho rằng: "Đường là một sản phẩm giàu năng lượng và trong giai đoạn đóng cửa mọi người sẽ tăng cường làm bánh và ăn uống ở nhà, sẽ sử dụng nhiều hơn những đồ uống có đường".
Tham khảo: Bloomberg