MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường Edtech liệu còn sôi động sau đại dịch?

22-05-2022 - 15:33 PM | Kinh tế số

Bùng nổ năm 2021 nhờ dịch bệnh, liệu Edtech còn phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ “bình thường mới”?

Bùng nổ năm 2021 nhờ dịch bệnh, liệu Edtech còn phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ “bình thường mới”?

Khi giai đoạn COVID-19 căng thẳng qua đi, các trường học đã mở cửa trở lại, câu hỏi đặt ra là, liệu “cuộc đua” đầu tư vào thị trường Edtech sẽ còn sôi động hay sẽ dần giảm nhiệt?

Trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, phần lớn trường học, cơ sở giáo dục đóng cửa giúp học trực tuyến “lên ngôi”. Thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) Việt Nam nhờ đó cũng trở nên “sốt nóng” hơn bao giờ hết với những khoản đầu tư trị giá hàng triệu đô.

Ước tính, tổng giá trị đầu tư vào thị trường Edtech Việt Nam trong năm 2021 đạt 158 triệu USD với 11 thương vụ.

Trong đó, đáng chú ý nhất là thương vụ đầu tư 100 triệu USD vào Tập đoàn Equest từ quỹ đầu tư KKR (Mỹ); 15 triệu USD vào Elsa Speak từ các quỹ đầu tư của Google, Clevai; và 3 triệu USD vào MindX từ quỹ đầu tư mạo hiểm Southeast Asian Wavemaker Partners.

Nếu so với năm 2020, chỉ vỏn vẹn 3 thương vụ với tổng giá trị đầu tư khoảng 20 triệu USD, số liệu đầu tư vào lĩnh vực Edtech của năm 2021 thực sự rất ấn tượng. Có thể xem 2021 là một năm bùng nổ của Edtech. Đáng chú ý khi nhiều “ông lớn” nước ngoài đã dành sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, trong giai đoạn “bình thường mới”, ngành giáo dục truyền thống đang dần lấy lại vị thế vốn có. Các công ty công nghệ giáo dục chắc chắn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là khi “sân chơi” này đang trở nên chật chội hơn, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Một chuyên gia nghiên cứu Edtech nhận định, thị trường Edtech tại Việt Nam và trên thế giới nhìn chung còn khá non trẻ, chưa thực sự phát triển nhưng lại tăng trưởng nóng trong thời gian qua nhờ tác động của dịch bệnh. Không thể phủ nhận có nhiều nền tảng học trực tuyến hữu ích, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều nền tảng sơ sài, chỉ có một hai chức năng thực sự nổi bật, trải nghiệm người dùng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, phần lớn các công ty Edtech đang tập trung vào dạy tiếng Anh vì đây là “miếng bánh béo bở”, đảm bảo yếu tố lợi nhuận khiến phân khúc này đang quá chật chội. Trong khi đó, các phân khúc khác như đào tạo cho người đi làm, đào tạo kỹ năng chuyên môn chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy không bị giới hạn về địa lý, quy mô, không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn, tiềm năng phát triển mạnh mẽ không chỉ gói gọn trong biên giới một quốc gia nào. Nhưng Edtech là một “cuộc đua” đường dài, các công ty Edtech phải liên tục duy trì và cải thiện chất lượng, tạo ra sự khác biệt của sản phẩm để giữ vững vị thế của thương hiệu. Nếu không có sự bền bỉ đó, dự án Edtech rất dễ đi đến thất bại.

Mặc dù sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, song các chuyên gia tin rằng, “bức tranh” Edtech trong thời gian tới sẽ có nhiều gam màu tươi sáng. Hiện nay, nhiều trường học tại Việt Nam và trên thế giới đang tích cực ứng dụng tiến bộ công nghệ để gia tăng hiệu quả và trải nghiệm học trực tuyến cho học sinh. Đào tạo trực tuyến trong doanh nghiệp cũng cho thấy những tín hiệu tích cực.

Thị trường Edtech liệu còn sôi động sau đại dịch? - Ảnh 1.

Thị trường Edtech Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2022

Các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng lạc quan vào triển vọng phát triển của thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam kể cả sau khi dịch bệnh chấm dứt, tất cả trường học, cơ sở giáo dục mở cửa trở lại.

Theo dự báo của Ken Research, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt con số 3 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) rơi vào khoảng 20,2%.

Còn theo dự báo của Edtech Agency, quy mô thị trường Edtech Việt Nam đến cuối năm 2022 thậm chí có thể cán mốc 5 tỷ USD.

Các xu hướng Edtech đáng quan tâm là ứng dụng công nghệ blockchain vào giáo dục trực tuyến, Mobile Learning, Blended Learning, Gamification e-learning,...

Theo Thắng Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên