MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường game Trung Quốc loay hoay với bài toán tăng trưởng

16-08-2018 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc chạy đua nhằm thu hút người chơi lại đẩy người dùng chuyển hướng sang xem video, mua sắm và đọc tin tức.

Đây sẽ là một cuộc chiến sinh tồn thú vị: một công ty phải giành được sự ủng hộ của các chính trị gia, đánh bật 3.000 đối thủ cũng đang tìm mọi cách để có được giấy phép, trong khi phải chiến đấu với các công ty khác để giành lấy thị phần ở thị trường lớn nhất thế giới này.

Với các công ty trò chơi trực tuyến và trên điện thoại đang hoạt động ở thị trường Trung Quốc, nơi người chơi đã chi ra 30 tỷ USD trong năm ngoái — chủ yếu là trò chơi trên điện thoại — một viễn cảnh không mong đợi đang dần trở thành sự thật.

Tốc độ tăng trưởng ở thị trường này, giống như các thị trường phụ thuộc vào người dùng trực tuyến khác, tương đối chậm. Việc cấp phép cho các trò chơi mới vừa bị ngừng lại vào tháng Ba. Cuộc cạnh tranh nhằm thu hút người chơi đang ngày càng khốc liệt, với việc người dùng dần chuyển hướng sang xem video trực tuyến, mua sắm và đọc tin tức.

Robert Hong Xiao, CEO Perfect World, công ty phát triển game lớn thứ ba Trung Quốc, bên thềm hội trợ triển lãm công nghiệp ChinaJoy, cho biết: "Toàn bộ thị trường cho thấy những tín hiệu không mấy tích cực. Ngành công nghiệp game đang bước vào thời kỳ chững lại và sẽ không còn bất kỳ sự tăng trưởng vượt bậc nào nữa."

Mối lo ngại đang lan rộng ra khắp các công ty về internet. Các nhà phân tích đã dành nhiều tuần liền chỉnh sửa những dự đoán của họ về Tencent, nhà sáng lập Honour of Kings, một trò chơi điện tử phổ biến toàn cầu trong năm ngoái. Và hôm qua, hãng công bố lợi nhuận quý II sụt giảm 23% so với quý trước - lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2005.

Thị trường game Trung Quốc loay hoay với bài toán tăng trưởng - Ảnh 1.

Theo tổ chức nghiên cứu CNG, sau nhiều năm tăng trưởng ở mức hai chữ số, mức chi tiêu dành cho game ở Trung Quốc chỉ tăng 5,2% trong nửa đầu năm 2018, đạt 22 tỷ USD.

Theo Thomas Chong, giám đốc Credit Suise ở Hong Kong, với 772 triệu người dùng internet, Trung Quốc có lẽ là thị trường lớn nhất thế giới nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường này đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Theo China Internet Network Information Centre, số người sử dụng internet chiếm 55,8% dân số Trung Quốc. Trong khi mức độ phổ cập internet ở những thành phố lớn xấp xỉ các thị trường đã phát triển, ông Choong cũng bổ sung thêm việc thu hút người dùng internet ở nông thôn "cần được thực hiện từng bước một".

Người dùng ngày càng có nhiều lựa chọn để phục vụ nhu cầu giải trí trong bốn tiếng họ hay dành ra để lướt mạng. Các video dạng ngắn về tất cả mọi thứ, từ dạy trang điểm đến loài mèo, trên các trang như Douyin, nổi tiếng đến mức các ông lớn internet của Trung Quốc, như Tencent và Alibaba, buộc phải tăng thêm nhiều dịch vụ khác.

Liu Huicheng, giám đốc công ty trò chơi điện thoại Ourpalm của Tencent, cho biết: "Đây là một năm khó khăn. Lượng người dùng đang giảm dần… nhiều người chọn các ứng dụng video ngắn để giết thời gian."

Các chính sách của Trung Quốc cũng không hỗ trợ những công ty này. Trong khi những trò chơi về sinh tồn hay chiến đấu, với mục tiêu là tìm cách sống sót trước các đối thủ trên một hòn đảo ảo, đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia — như ở Mỹ, nơi Fortnite thống trị thể loại này — các nhà phát triển game ở Trung Quốc có vẻ khá chậm chân trong việc bắt kịp xu hướng.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc Bắc Kinh đang tiến hành cải cách bộ máy chính phủ, dẫn đến sự tê liệt trong quá trình cấp phép. Mỗi công ty cần có hai giấy phép trước khi tung một trò chơi ra thị trường: một cho nội dung và một cho hoạt động kinh doanh.

Cho đến khi xin được tất cả các loại giấy phép, người chơi có thể truy cập game trên phiên bản phần mềm mới (beta launch) nhưng không thể tiêu tiền trong các trò chơi này. Theo Chenyu Cui, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc công ty tư vấn HIS: "Đây thật sự là một thách thức lớn với cả nền công nghiệp game ở thời điểm hiện tại. Ngay cả các nhà phát triển nhỏ cũng đang tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài."

Thị trường game Trung Quốc loay hoay với bài toán tăng trưởng - Ảnh 2.

Đối với Tencent, sự trì hoãn ngày càng trầm trọng hơn do những gián đoạn với Hàn Quốc trong năm ngoái về lá chắn phòng thủ tên lửa Thaad của Hoa Kỳ đã châm ngòi làn sóng tẩy chay các sản phẩm Hàn Quốc ở Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho trò PUBG Battle Royale của Tencent, một game sinh tồn nổi tiếng khác được công ty Bluehole của Hàn Quốc cấp phép.

Benjamin Wu, chuyên gia phân tích của Pacific Epoch, cho biết: "Chúng tôi không nghĩ rằng trò chơi di động PUBG sẽ được cấp phép trong năm nay do quyền sở hữu trí tuệ của nó ở Hàn Quốc."

Theo ông Chong, thuộc Credit Suisse, sự trì hoãn cấp phép cùng với việc các trò chơi điện tử đang dần chuyển sang loại game sinh tồn đồng nghĩa với việc "các trò chơi này đang từ mức Arpu (average revenues per user - doanh thu bình quân) cao trở thành không có Arpu".

Han Peishu là một minh chứng rõ nét cho xu hướng này. Nhân viên marketing 26 tuổi này đã dành toàn bộ buổi sáng — và 5.000 NDT — để chơi Honour of Kings vào tất cả các ngày cuối tuần trong năm ngoái. Giờ thì cô đang đổ gục trước những trò chơi như Battle Royale, mà không cần trả bất kỳ chi phí nào.

"Không cần phải mua bất kỳ vật phẩm nào trong [Battle Royale], chẳng hạn, có thể trao đổi quần áo với bạn bè, mà không cần đến tiền," cô bổ sung thêm: "Thời gian rảnh rỗi dành cho các trò chơi điện tử giờ được chuyển sang dùng Douyin."

Minh Trang

FT

Trở lên trên