Thị trường giảm sâu bởi ảnh hưởng dịch Corona, VOF VinaCapital đẩy mạnh “gom” FPT trong tháng 1
VOF đã tận dụng cơ hội này để mua thêm FPT mà không phải chi trả khoản phí chênh lệch cho các cổ phiếu đã kín room ngoại.
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý vừa công bố báo cáo tháng 1 với NAV/Shares giảm 3,2% (theo đồng USD), kém tích cực hơn so với mức giảm 2,7% của chỉ số VN-Index.
Đẩy mạnh giải ngân FPT trong tháng 1, xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu
VOF cho rằng sự bùng phát của virus Corona đã tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt lĩnh vực liên quan đến hàng không, du lịch khi ngành du lịch chiếm 3,8% GDP và du khách Trung Quốc chiếm tới 32%. Một trong những khoản đầu tư lớn nhất của VOF là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ghi nhận mức giảm 14,5% trong tháng 1 dù KQKD năm 2019 tích cực với mức tăng trưởng lợi nhuận 25%.
Bên cạnh đó, VOF đánh giá tác động tiềm tàng của sự suy giảm kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến các mặt hàng như dầu khí, thép và khoản đầu tư lớn nhất của quỹ là Hòa Phát (HPG) cũng bị ảnh hưởng (giảm 7,4% kể từ khi TTCK mở cửa trở lại).
Dù vậy, VOF không tin rằng dịch bệnh có thể tác động trực tiếp đến hoạt động xây dựng tại Việt Nam và nhu cầu về thép vẫn tốt. Dù vậy, có rủi ro là giá thép Trung Quốc thấp hơn có thể dẫn đến tăng nhập khẩu. Hiện tại giá thép xây dựng trong nước vẫn thấp hơn 3% so với giá Trung Quốc.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực do tính chất ảnh hưởng lớn với nền kinh tế, nhưng cổ phiếu VOF nắm giữ là EIB (+0,3%) tăng tốt hơn mức trung bình ngành (-3,2%).
Cũng theo VOF, điều đáng ngạc nhiên là các cổ phiếu tiêu dùng dù không bị ảnh hưởng trực tiếp như VNM hay PNJ cũng giảm đáng kể. Một cổ phiếu khác cũng không bị ảnh hưởng trực tiếp là FPT cũng giảm mạnh và VOF đã tận dụng cơ hội này để mua thêm cổ phiếu mà không phải chi trả khoản phí chênh lệch cho các cổ phiếu đã kín room ngoại (khối ngoại thường mua thỏa thuận qua VSD với mức giá vượt xa thị giá cho các cổ phiếu đã kín room).
Tại thời điểm cuối tháng 1/2020, tỷ trọng cổ phiếu FPT trong danh mục VOF đã lên tới 2,2%, tăng so với mức 1,5% trong tháng trước.
"Diễn biến dịch Corona sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam không đáng kể trong cả năm và chúng tôi tin rằng chính phủ Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế tăng trưởng vào cuối năm, tương tự như Trung Quốc đang làm", trích báo cáo VOF.
Quỹ cũng cho biết có đủ tiền mặt và có thể giải ngân vào thị trường vốn nếu định giá đủ hấp dẫn sau khi xem xét rủi ro diễn biến dịch bệnh.
Đã đầu tư 177 triệu USD vào Private Equity
Tại thời điểm cuối tháng 1, tổng quy mô danh mục VOF lên tới 882,2 triệu USD, trong đó tỷ trọng cổ phiếu niêm yết là 59,2%, cổ phiếu UPCom là 16,1% và tỷ trọng đầu tư vào Công ty tư nhân (Private Equity) lên tới 19,7%. Trong những báo cáo gần đây, VOF cho biết quỹ đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các công ty PE để hạn chế rủi ro từ TTCK.
Đối với các khoản đầu tư vào công ty Private Equity như IDP (hàng tiêu dùng), Gỗ An Cường (vật liệu xây dựng), VOF cho rằng tác động của virus Corona không thể định lượng theo biến động của NAV và còn quá sớm để định lượng tác động tới doanh thu và lợi nhuận. Quỹ sẽ đánh giá tác động các khoản đầu tư khi tình hình dịch dịch bệnh kéo dài và sẽ cung cấp thông tin cập nhật khi thích hợp.
Tại ngày 31/1/2020, VOF đã đàm phán 8 khoản đầu tư trị giá 177 triệu USD vào các công ty tư nhân, vốn hóa các công ty này khoảng hơn 1 tỷ USD.
Nhìn vào 8 khoản đầu tư này, quỹ kỳ vọng:
+ Tăng trưởng 18% EBITDA (năm 2019 EBITDA đạt 108 triệu USD và dự báo 2020 EBIDTA đạt 127 triệu USD), ngoại trừ SSG, một công ty phát triển BĐS không báo cáo EBITDA.
+ Tăng trưởng 20% lợi nhuận (LNST năm 2019 đạt 88 triệu USD, dự báo 2020 đạt 105 triệu USD).
+ EV/ EBITDA và P/E các công ty này lần lượt là 6,9 và 9,6 lần.