Thị trường hàng hóa ngày 12/7: Dầu giảm mạnh nhất 2 năm, đậu tương rẻ nhất một thập kỷ
Thị trường hàng hóa thế giới đang trải qua giai đoạn biến động mạnh do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu xấu đi. Phiên vừa qua hàng loạt mặt hàng giảm giá sâu, trong đó đậu tương xuống thấp nhất gần 10 năm, dầu giảm mạnh nhất 2 năm, kim loại giảm mạnh nhất 1 năm…
- 11-07-2018Thị trường hàng hóa ngày 11/7: Giá dầu và nhựa tăng trong khi kim loại và nông sản giảm sâu
- 10-07-2018Thị trường hàng hóa ngày 10/7: Từ giá dầu, vàng, sắt thép, cao su cho đến sầu riêng đều tăng giá mạnh
- 07-07-2018Thị trường hàng hóa ngày 7/7: Vàng giảm, cao su phục hồi từ đáy 21 tháng, cà phê thoát đáy 4 năm rưỡi
Dầu Brent giảm mạnh nhất 2 năm
Giá dầu Brent – tham chiếu cho thị trường dầu thô toàn cầu – đã giảm mạnh trong phiên vừa qua do căng thẳng Mỹ - Trung leo thang nguy cơ ảnh hưởng tới nhu cầu dầu, và có tin Libya đã mở cửa trở lại các cảng (bị đóng từ cuối tháng 6) hứa hẹn nguồn cung sẽ tăng lên.
Dầu Brent kết thúc phiên giảm 5,46 USD (6,9%) xuống 73,40 USD/thùng. Đây là mức giảm nhiều chưa từng có kể từ ngày 9/2/2016. Dầu thô Mỹ cũng giảm 3,73 USD (5%) xuống 70,38 USD/thùng.
Hàng loạt các thông tin gây lo ngại nhu cầu dầu sẽ sụt giảm trong khi nguồn cung đang vẫn được đảm bảo.
Trung Quốc - khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Mỹ -tuyên bố sẽ đánh thuế dầu mỏ của Mỹ nếu căng thẳng giữa 2 nước gia tăng. Trong khi đó, Tổng công ty Dầu quốc gia Libya có trụ sở ở Tripoli vừa thông báo 4 cơ sở xuất khẩu dầu đã mở cửa trở lại sau khi các phe bờ đông bàn giao lại các cảng, kết thúc cuộc đình công khiến hầu hết sản xuất dầu tại Libya bị ngừng trệ. Kể từ cuối tháng 6 khi nhiều cảng bị đóng cửa, sản lượng của Libya đã giảm 527.000 thùng/ngày từ mức cao kỷ lục 1,28 triệu thùng/ngày hồi tháng 2. Lo ngại về nguồn cung giảm bớt khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây thông báo Washington có thể xem xét đề xuất của một số nước cho miến trừ trừng phạt đối với việc nhập khẩu dầu Iran, một biểu hiện thể hiện sự mềm mỏng hơn của chính quyền ông Donald Trump trong vấn đề này, trái ngược hẳn với quan điểm cứng rắn mà Washington tuyên bố trước đây.
Đậu tương thấp nhất gần một thế kỷ do căng thẳng thương mại
Giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 10 năm sau khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc gia tăng gây lo ngại về triển vọng nhu cầu nhập khẩu dài hạn từ Mỹ của nước nhâp khẩu hạt có dầu lớn nhất thế giới này.
Đậu tương giao tháng 8 trên sàn Chicago giảm 22-3/4 US cent tương đương 2,7% xuống 38,33 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống chỉ 8,31-3/4 USD; đậu tương vụ mới hợp đồng kỳ hạn tháng 11 giảm 23-3/4 US cent xuống 8,48-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Thời tiết tốt ở các khu vực trồng trọt của Mỹ cũng góp phần làm giảm giá.
Trung Quốc đã tuyên bố sẽ thay thế đậu tương Mỹ bằng các nguồn cung khác, như Brazil. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết Indonesia đang xem xét dừng kế hoạch đánh thuế nhập khẩu đậu tương để thuyết phục Mỹ cho được ở lại danh sách hưởng ưu đãi thương mại đã góp phần ngăn giá giảm mạnh hơn nữa.
Kim loại cơ bản thấp nhất trong vòng nhiều tháng do căng thẳng Mỹ - Trung
Giảm mạnh nhất trên thị trường hàng hóa, giá kim loại công nghiệp đồng loạt đi xuống, trong đó đồng, kẽm và chì xuống mức thấp nhất trong vòng khoảng 1 năm do các nhà đầu tư bán tháo vì dự đoán xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể khiến cho giá sẽ còn giảm nữa.
Đối với hợp đồng giao sau 3 tháng trên sàn London (tham chiếu cho thị trường kim loại toàn cầu), giá đồng có lúc giảm 4% xuống 6.081 USD/tấn (thấp nhất kể từ tháng 7/2017) trước khi hồi phục nhẹ vào cuối phiên nhưng kết thúc vẫn mất 2,9% còn 6.145 USD/tấn; chì giảm 4,9% xuống 2.200 USD/tấn (thấp nhất kể từ tháng 6/2017); kẽm giảm 4,8% xuống 2.503 USD/tấn (thấp nhất kể từ tháng 6/2017) trước khi hồi phục nhẹ lên 3.563 USD/tấn (giảm 2,6%); nhôm giảm 1,4% xuống 2.060 USD/tấn trong khi thiếc giảm 2% xuống 19.375 USD/tấn và nickel giảm 1,9% xuống 13.880 USD/tấn sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 2 tháng là 13.570 USD/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá cũng giảm mạnh, với kẽm giảm 6% xuống 20.620 NDT/tấn.
Vàng giảm do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng
Giá vàng giảm sau Mỹ thông báo áp thuế bổ sung lên hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc khiến giới đầu tư chuyển hướng sang các tài sản an toàn như USD. Vàng giao ngay có lúc giảm xuống mức thấp nhất 8 ngày là 1.242,55 USD/ounce, nhưng cuối phiên hồi phục nhẹ và kết thúc tăng 0,9% lên 1.243,57 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ giao tháng 8 giảm 11 USD tương đương 0,9% xuống 1.244,40 USD/ounce.
Đồng USD đã vọt lên mức cao kỷ lục 11 tháng so với đồng nhân dân tệ và cũng tăng so với đô la Australia. Thông báo từ Mỹ về việc lạm phát tại nước này tăng cao hơn dự đoán càng góp phần khiến USD tăng mạnh.
Bạch kim giảm do triển vọng dư cung
Bạch kim giảm 1,4% xuống 830,60 USD/ounce vào lúc cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 3/7. Tập đoàn CPM dự báo 2018 sẽ là năm thứ 4 liên tiếp thị trường bạch kim dư cung, do nhu cầu từ lĩnh vực ô tô sụt giảm. Tuy nhiên, nguồn cung cũng giảm có thể sẽ vẫn hỗ trợ giá mặt hàng này. Cụ thể, nhu cầu bạch kim năm 2018 có thể sẽ giảm xuống chỉ 3,2 triệu ounce, từ mức 3,3 triệu ounce năm 2017. Mặc dù vậy, dư thừa bạch kim năm nay sẽ giảm xuống chỉ 407.000 ounce, từ mức 429.000 ounce năm 2017. Tổng cung trên toàn cầu năm 2018 sẽ khoảng 7,3 triệu ounce. Nhu cầu sử dụng trong lĩnh vực chế tạo-chế tác sẽ ở mức 7 triệu ounce (thấp hơn 0,7% so với 7,05 triệu ounce năm 2017); trong đó nhu cầu chế tác đồ trang sức dự báo giảm khoảng 1% xuống 2,2 triệu ounce trong năm 2018, là năm thứ 6 liên tiếp giảm.
Sắt thép tăng bất chấp thuế của Mỹ
Giá thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng trong phiên giao dịch vừa qua sau khi thành phố sản xuất thép lớn nhất nước này – Tangshan – thông báo sẽ cắt giảm mạnh sản lượng trong mùa Hè, gây lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm. Thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 0,5% lên 3.879 NDT (582,79 USD)/tấn. Thép tăng kéo quặng sắt tăng theo, với hợp đồng giao tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 0,5% lên 463,5 NDT/tấn.
Tangshan, nơi đóng chân của 64 nhà sản xuất thép, đã yêu cầu các nhà máy thép và các nhà sản xuất than cắt giảm sản lượng thêm nữa trong khoảng thời gian 20/7-31/8 để giảm khói bụi.
Thuế xuất khẩu trái cây Mỹ sang Trung Quốc tăng mạnh Giá một số nông sản Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh sau khi bị áp mức thuế mới. Cụ thể, thuế đối với táo, anh đào và mận của Mỹ xuất sang Trung Quốc bị tăng từ 10% lên 50%, còn với cam tăng từ 11% lên 51%. Nhìn chung thuế đa số trái cây Mỹ nhập vào Trung Quốc tăng gấp 4 lần. Các nhà kinh doanh trái cây tại Trung Quốc cho rằng thuế mới sẽ khiến khối lượng trái cây Mỹ nhập vào Trung Quốc giảm mạnh, nhất là quả anh đào. Không chỉ do tăng thuế, các thủ tục hải quan khắt khe hơn cũng sẽ làm cho quá trình nhập khẩu bị chậm trễ hơn – gây bất lợi cho trái anh đào, có thể sẽ khiến các nhà nhập khẩu chuyển hướng sang các nguồn cung ứng khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.
Đối với các nhà xuất khẩu trái cây trên thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang chắc chắn sẽ có tác động nhiều. Nếu nông sản Mỹ khó đi vào thị trường Trung Quốc thì có thể chuyển hướng sang các thị trường khác, như châu Âu.
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc tăng do thuế mới của Mỹ
Giá khô đậu tương tại Trung Quốc phiên vừa qua đã tăng gần 1% sau khi Mỹ cảnh báo áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Khô đậu tương kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 0,97% lên 3.1154 NDT (467,32 USD)/tấn. Khô hạt cải cũng tăng 0,75% lên 2.537 NDT/tấn. Được biết, đậu tương là loại nông sản xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc trong năm vừa qua (12,3 tỷ USD), theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Cao su giảm Giá cao su tại Tokyo giảm do hoạt động bán tháo diễn ra trên hầu khắp các thị trường hàng hóa sau khi Mỹ dọa tăng thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Cao su giao tháng 12 trên sàn Tokyo giảm 1,2 yen xuống 172 JPY (1,55 USD)kg; cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải cũng giảm 75 NDT xuống 10.315 NDT (1.549 USD)tấn.
Đường giảm
Giá đường thô giao tháng 10 giảm 0,12 US cent tương đương 1,1% xuống 11,29 US cent/lb, trong khi đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 80 US cent tương đương 0,2% xuống 331,30 USD/tấn. Các nhà máy ở khu vực trung nam Brazil đã ép 45.306 tấn mía trong nửa cuối tháng 6 vừa qua; tỷ lệ mía dùng trong sản xuất ethanol nhiều hơn so với đường và cao hơn mức dự kiến (đạt 62,3%). Sản lượng đường tại khu vực này đạt 2,277 triệu tấn trong 15 ngày cuối tháng 6, so với 1,978 triệu tấn của 15 ngày đầu tháng.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy sản lượng ethanol của Brazil có thể tăng gấp đôi so với hiện nay vào năm 2030.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica giao tháng 9 giảm 2,75 US cent tương đương 2,4% xuống 1,1205 USD/lb, nhưng vẫn cao hơn mức thấp nhất 4,5 năm (1,0690 USD) của tuần trước; robusta cùng kỳ hạn giảm 33 USD tương đương 1,9% xuống 1.672 USD/tấn. Giá cà phê đang hồi phục dần sau khi giảm sâu vào tuần qua. Nguồn cung robusta đang tăng lên, nhất là từ Việt Nam, song giá thấp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) vừa hạ dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu năm 2017/18 xuống 158,56 triệu bao (1 bao = 60 kg) từ mức 159,66 triệu bao dự báo trước đây. Theo ICO, thị trường thế giới sẽ thiếu hụt 1,36 triệu bao, nhiều hơn mức thiếu hụt 254.000 bao dự báo cách đây một tháng. Sản lượng robusta dự báo sẽ ở mức 61,40 triệu bao (giarmso với 62,24 triệu bao dự báo trước đây), còn arabica sẽ ở mức 97,16 triệu bao (so với 97,43 triệu bao). Tiêu thụ cà phê thế giới niên vụ 2017/18 sẽ đạt 159,92 triệu bao.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 12/7
Trí Thức Trẻ
- Thị trường ngày 6/7: Giá vàng giảm mạnh, thép đi xuống, cao su có tuần giảm sâu nhất 15 tháng
- Thị trường ngày 20/11: Giá cao su thấp nhất 2 năm, thép thấp nhất 4 tháng
- Thị trường ngày 17/11: Giá dầu có 6 tuần giảm liên tiếp
- Thị trường ngày 01/11: Giá dầu có tháng giảm sâu nhất trong hơn 2 năm
- Thị trường ngày 30/10: Mối lo về Trung Quốc kéo giá cao su giảm xuống thấp nhất 25 tháng