Thị trường hàng hóa ngày 17/5: Dầu, vàng, kim loại cơ bản và hàng nông sản đồng loạt tăng giá
Sắc xanh tràn ngập thị trường hàng hóa phiên qua, ngoại trừ thép và quặng sắt.
Dầu tăng giá
Giá dầu tăng sau báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ giảm mạnh hơn so với dự kiến. Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 85 cent lên 79,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 18 cent lên 71,49 USD/thùng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng trong tuần đến 11/5, so với dự kiến giảm 763.000 thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng của Mỹ giảm 3,79 triệu thùng, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, trong khi đó các nhà phân tích dự kiến giảm 1,42 triệu thùng. Điều này đã đẩy giá xăng kỳ hạn tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Tại Venezuela, sản lượng dầu trong tháng trước đó giảm xuống còn 1,5 triệu thùng, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, do khủng hoảng kinh tế đang tiếp diễn. Trong khi đồng USD tăng lên mức cao nhất gần 5 tháng so với giỏ tiền tệ chủ chốt. Đồng bạc xanh tăng mạnh mẽ khiến hàng hóa mua bằng đồng USD trở nên đắt hơn như dầu.
Trong khi giá dầu kỳ hạn tăng, thì thị trường dầu thô physical giảm do áp lực các thùng dầu chưa được bán ra. Giá dầu tăng 50% trong năm ngoái đang khuyến khích các công ty lớn như ExxonMobil, Royal Dutch Shell, Chevron, BP và Total tăng sản lượng. Giá dầu thô giao ngay giảm mạnh nhất so với giá kỳ hạn trong nhiều năm, khi những người bán hàng tìm khách mua hàng Tây Phi, Nga và Kazakh, trong khi các đường ống dẫn dầu tại Tây Texas và Canada bị tắc nghẽn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng nhu cầu dầu toàn cầu có khả năng ở mức vừa phải trong năm nay, do giá dầu thô đạt gần 80 USD/thùng và nhiều thị trường nhập khẩu lớn không còn trợ cấp cho người tiêu dùng nhiên liệu. Trong báo cáo hàng tháng, IEA có trụ sở tại Pari cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2018 xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày, so với mức 1,5 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó.
Vàng hồi phục từ mức thấp 4 tháng rưỡi
Giá vàng hồi phục từ mức thấp nhất 4 tháng rưỡi do hoạt động mua bù bán khi đồng USD tăng lên mức cao nhất năm 2018 và lợi tức trái phiếu Mỹ đạt gần mức cao đỉnh điểm trong nhiều năm.
Giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.292,19 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 tại Mỹ tăng 1,2 USD tương đương 0,1% lên 1.291,5 USD/ounce.
Giá vàng hầu như không bị ảnh hưởng khi Bắc Triều Tiên cho rằng, có thể không tham gia hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 với Mỹ, nếu Washington tiếp tục nhấn mạnh rằng đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bắc Triều Tiên cũng hủy đối thoại cấp cao với Hàn Quốc đã lên kế hoạch vào thứ Tư, đổ lỗi cho các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn Quốc.
Một đồng USD suy yếu khiến vàng rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác, nhưng lợi tức trái phiếu Mỹ ở mức cao khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Nhà phân tích Georgette Boele của ABN AMRO dự báo giá vàng sẽ giảm xuống còn 1.275 USD/ounce vào cuối tháng 6 và 1.250 USD/ounce vào cuối năm nay do lợi tức trái phiếu Mỹ và đồng USD tăng mạnh.
Trong khi đó, giá bạc tăng 0,9% lên 16,37 USD/oucne. Giá bạch kim giảm 0,4% xuống 889,07 USD/ounce trong khi giá palađi tăng 0,4% lên 986,75 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 883,5 USD/ounce, mức thấp nhất 5 tháng.
Đồng tăng giá trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp
Giá đồng tăng cao sau khi giảm 2 phiên liên tiếp, được hậu thuẫn bởi doanh số bán nhà ở tại Trung Quốc tăng nhưng mức tăng bị hạn chế bởi đồng USD tăng mạnh mẽ. Giá đồng tham chiếu trên sàn London tăng 0,2% lên 6.826 USD/tấn, sau khi giảm hơn 1% phiên trước đó. Đồng - được sử dụng trong ngành điện và xây dựng - đã giảm 1,8% trong tuần này. Sản lượng công nghiệp Mỹ trong tháng 4/2018 tăng nhờ sự tăng mạnh trong lĩnh vực sản xuất và khai thác, cho thấy nền kinh tế nước này có xu hướng tăng.
Chỉ số đồng USD tăng 0,3% lên mức cao nhất trong năm 2018, đã hạn chế đà tăng các hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh. Dự trữ đồng tại LME hiện ở mức 290.825 tấn, tăng nhẹ so với mức thấp trong tháng 1/2018 đạt được trong tuần trước đó.
Giá nhôm tại LME giảm 0,4% xuống còn 2.316 USD/tấn, chì giảm 0,3% xuống còn 2.341 USD/tấn, kẽm tăng 0,4% lên 3.075 USD/tấn, thiếc giảm 0,7% xuống còn 20.725 USD/tấn, nickel tăng 0,4% lên 14.475 USD/tấn.
Thép và quặng sắt quay đầu giảm
Giá thép và quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc ngày 16/5 quay đầu giảm sau khi tăng 3 ngày liên tiếp lên mức cao nhất 8 tuần trước đó, bất chấp triển vọng nhu cầu thép vẫn lạc quan. Hoạt động xây dựng tại Trung Quốc tăng, dự trữ thép của các thương nhân tiếp tục giảm kể từ tháng 3/2018 và sản lượng thép trung bình ngày của các nhà máy thép Trung Quốc trong tháng 4/2018 tăng lên mức cao nhất trong 4 năm.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải đạt 3.677 NDT/tấn, sau khi giảm trong đầu phiên giao dịch. Trong phiên trước đó, giá thanh cốt thép đạt 3.715 NDT/tấn, mức cao nhất 1 tuần rưỡi.
Công ty tư vấn SteelHome cho biết dự trữ thanh cốt thép của các thương nhân Trung Quốc đạt 6,39 triệu tấn vào ngày 11/5, giảm 35% so với mức cao nhất 5 năm hồi giữa tháng 3/2018. Trong bối cảnh nhu cầu tăng, các nhà máy thép Trung Quốc sản xuất 2,56 triệu tấn thép thô trung bình ngày trong tháng 4/2018, mức cao nhất kể từ tháng 5/2014.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 0,9% xuống còn 482,5 NDT/tấn, trong phiên trước đó đạt 494 NDT/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 19/3. Giá quặng sắt giao sang cảng Tần Hoàng Đảo giảm 2,4% xuống còn 67,28 USD/tấn ngày thứ ba (15/5), Metal Bulletin cho biết.
Cao su hồi phục
Giá cao su kỳ hạn trên sàn TOCOM – tham chiếu cho toàn thị trường Đông Nam Á – hồi phục, chấm dứt chuỗi giảm 2 phiên liên tiếp.
"Giá cao su kỳ hạn tương đối ổn định. Một mặt chịu áp lực dự trữ ở mức cao, mặt khác giá đã chạm mức thấp lịch sử", Peng Cheng, nhà phân tích cao cấp tại Everbright Futures cho biết.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn TOCOM kết thúc phiên tăng 0,4 JPY lên 188,5 JPY/kg.
Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 10 NDT xuống còn 11.455 NDT/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn SICOM giảm 1,4 Uscent xuống còn 138,9 Uscent/kg.
Đường và cà phê đồng loạt tăng
Giá đường kỳ hạn tháng 7 tăng 0,09 cent tương đương 0,8% lên 11,61 cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 10 cent tương đương 0,03% lên 322,5 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 0,35 cent tương đương 0,3% lên 1,173 USD/lb. Giá cà phê chịu áp lực khi đồng real Brazil giảm so với đồng USD nhưng được hậu thuẫn bởi hoạt động mua bù thiếu sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần rưỡi trong phiên trước đó. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 9 USD tương đương 0,52% lên 1.737 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên trước đó.
Sản lượng cà phê Peru trong năm marketing 2018/19 dự báo sẽ đạt 4,3 triệu bao (60kg/bao), tăng 5% so với năm trước đó. Diện tích vụ thu hoạch năm 2018/19 dự báo đạt 360.000 ha. Xuất khẩu cà phê Peru trong năm marketing 2018/19 dự báo sẽ đạt 4,1 triệu bao, tăng 5% so với năm trước đó. Mỹ là thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Peru, chiếm 24% trong tổng xuất khẩu. Giá xuất khẩu trung bình cà phê Peru trong năm tài chính 2017 đạt 2,89 USD/kg, giảm 9% so với năm 2016.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng ngày 17/5