MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 2/8: Giá lúa mì và thép tăng mạnh; dầu, vàng, đậu tương, cacao sụt giảm

02-08-2018 - 07:53 AM | Thị trường

Giá thép tiếp tục tăng lên mức cao nhất 5 năm rưỡi, lúa mì cao nhất 3 năm, cà phê robusta và tôm cũng tăng, trong khi cao su, dầu, vàng bạc, đường, ngô… đồng loạt giảm, trong đó cacao giảm mạnh xuống mức thấp nhất 5 tháng.

Dầu giảm vì cung tăng và lo ngại cuộc chiến thương mại

Giá dầu giảm khoảng 2% trong phiên vừa qua vì tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng gây lo ngại nguồn cung lại tăng trên toàn cầu, trong khi các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại có thể ảnh hưởng tới nhu cầu năng lượng.

Dầu Brent kết thúc phiên ở mức 72,39 USD/thùng, giảm 2,5%, trong khi dầu Tây Texas (WTI) giảm 1,10 USD xuống 67,66 USD/thùng (giảm 1,6%).

Tồn tữ dầu thô của Mỹ tuần qua tăng 3,8 triệu thùng vì nhập khẩu tăng, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng. Sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và Nga trong tháng 7/2018 ước tính đều tăng sau khi các nước này nhất trí nâng sản lượng để giúp thị trường cân bằng sau đợt giá tăng mạnh trước đó.

Giá dầu càng chịu sức ép bởi lo ngại căng thẳng thương mại trên toàn cầu có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả Mỹ sau khi Whashington thông báo nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Kim loại quý giảm sau khi Fed giữ nguyên lãi suất

Giá vàng giảm trong phiên vừa qua do USD mạnh lên, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất, đúng như dự kiến.

Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.219,60 USD/ounce, không xa mấy so với mức thấp nhất 1 năm của ngày 19/7/2018 (1.211,08 USD/ounce). Vàng giao tháng 8 giảm 6 USD tương đương 0,5% xuống 1.227,60 USD/ounce.

Bạc cũng giảm 0,6% xuống 15,42 USD/ounce, bạch kim giảm 2,1% xuống 817,24 USD/ounce trong khi palađi giảm 1,3% xuống 917 USD/ounce.

"Không ai dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất trong kỳ họp này, và cũng không ai cho rằng Mỹ sẽ từ bỏ kế hoạch nâng lãi suất thêm nữa", nhà kinh tế của CIBC Economics ở Toronto, Avery Shenfeld, cho biết.

Căng thẳng thương mại tăng lên càng hỗ trợ đồng USD tăng giá, khiến cho triển vọng của vàng và những hàng hóa khác tính theo USD trở nên u ám hơn.

Thép cao nhất 5,5 năm

Tiếp tục tăng, giá thép tại Thượng Hải vừa lập kỷ lục cao chưa từng có kể từ 2013, khởi đầu tháng 8/2018 đầy mạnh mẽ sau khi đã tăng 10% trong tháng 7/2018, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục chiến dịch kiềm chế nguồn cung để ngăn chặn ô nhiễm môi trường.

Thép cây kỳ hạn tháng 10/2018 trên sàn Thượng Hải tăng 1,2% lên 4.204 NDT (617 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 4.243 NDT, cao nhất kể từ tháng 2/2013.

Trong khi nguồn cung hạn hẹp, nhu cầu thép tại Trung Quốc vẫn vững nhờ các dự án hạ tầng cơ sở của Chính phủ.

Cacao thấp nhất 5 tháng

Giá cacao giảm khá mạnh sau khi phá vỡ ngưỡng giá kỹ thuật. Cacao trên sàn London giảm 60 GBP tương đương 3,7% xuống 1.583 GBP/tấn - mức thấp nhất kể từ 1/3/2018, trong khi tại sàn New York giảm 91 USD tương đương 4,1% xuống 2.129 USD/tấn – thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2018. Tháng 7/2018, mặt hàng này đã giảm 10%, nhiều nhất kể từ tháng 4/2017 mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện.

Mức trừ lùi của các hợp đồng kỳ hạn giao gần nới rộng, của hợp đồng giao tháng 9/2018 so với tháng 10/2018 trên sàn London tăng lên 54 GBP, còn sàn New York lên 62 USD, cao nhất trong lịch sử của cả 2 hợp đồng này.

Giá cacao đã tăng mạnh vào nửa đầu năm 2018 do nhu cầu mạnh lên sau khi trì trệ ở năm 2017, tháng 5/2018 giá đạt 2.914 USD/tấn ở New York và 1.971 GBP/tấn ở London, cao nhất trong vòng 1,5 năm. Sau đó giá giảm giảm trở lại, song dự báo sẽ tăng lên trong những tháng tới. Kết quả khảo sát do Reuters tiến hành cho thấy các thương gia và nhà phân tích dự báo giá cacao sẽ tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm, tăng 20% so với cuối 2017 do nguồn cung trên toàn cầu trở nên thiếu hụt. Theo khảo sát của Reuters, dự báo nguồn cung sẽ thiếu hụt 85.000 tấn trong niên vụ tới (năm 2017/18 dư thừa 10.000 tấn, theo Tổ chức Cacao quốc tế).

Kết quả, dự báo giá cacao trên sàn New York vào cuối 2018 sẽ đạt 2.320 USD/tấn, so với 1.892 USD/tấn cuối năm 2017 và cao hơn khoảng 7% so với hiện tại. Sang năm 2019, giá có thể sẽ còn tiếp tục tăng, dự đoán đạt 2.387 USD/tấn vào cuối quý 1/2019. Còn trên sàn London, giá dự báo sẽ kết thúc năm 2018 ở 1.690 GBP/tấn, tăng hơn 20% so với cuối 2017, đến cuối quý 1/2018 có thể đạt 1.710 GBP/tấn, tức là tăng 2,9% so với hiện tại.

Cà phê arabuca giảm, robusta tăng

Cà phê biến động thất thường trong phiên vừa qua, arabica giao tháng 9/2018 giảm 1,85 US cent tương đương 1,7% xuống 1,0805 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn tăng 6 USD tương đương 0,4% lên 1.650 USD/tấn vào cuối phiên sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 6/7/2018 là 1.631 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 6/2018 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 10,45 triệu bao (1 bao = 60 kg), theo Tổ chức Cà phê Quốc tế. Trong 9 tháng đầu niên vụ 2017/18 (bắt đầu từ 1/10/2017), xuất khẩu đã tăng 0,3% lên tổng cộng 90,86 triệu bao.

Đường thấp nhất 3 tháng

Giá đường thô kỳ hạn giao tháng 10/2018 giảm 0,07 US cent (0,7%) xuống 10,48 US cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 10,39 US cent, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2015. Đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 3,4 USD (1,1%) xuống 314,50 USD/tấn.

Thị trường tiếp tục chịu sức ép bởi dự báo nguồn cung gia tăng trên toàn cầu.

Đậu tương và ngô giảm do căng thẳng thương mại

Giá đậu tương và ngô đều giảm trong phiên vừa qua do lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Đậu tương kỳ hạn tháng 11/2018 trên sàn Chicago giảm 1,9% xuống 9,01-3/4 USD/bushel, trong khi ngô giao tháng 12/2018 (hợp đồng giao dịch nhiều nhất) giảm 1,8% xuống 3,79-1/2 USD/bushel. Hai thị trường này đang trong giai đoạn biến động mạnh. Chỉ một phiên trước (thứ Ba ngày 31/7/2018), đậu tương tăng giá tới 3% lên mức cao nhất 6 tuần bởi hy vọng Washington và Beijing sẽ khởi động lại các vòng đàm phán về thuế.

Cung ngô Mỹ năm tới dự báo sẽ giảm 23%, nhưng tương lai của thị trường này vẫn bấp bênh kể từ khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu trong cuộc chiến thương mại.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hút nhau vào cuộc chiến, ở đó Bắc Kinh áp thuế 25% đối với đậu tương Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải cam kết dành 12 tỷ USD trợ cấp cho nông dân của mình để giảm thiểu thiệt hại.

Những năm gần đây, nông dân Mỹ tăng trồng đậu tương bởi lợi nhuận cao hơn cây ngô, vì đậu tương Mỹ đáp ứng nhu cầu bùng nổ từ thị trường Trung Quốc. Năm 2017, đậu tương chiếm khoảng 1/2 trị giá nông sản Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc – chủ yếu sử dụng làm thức ăn nuôi lợn. Bắc Kinh đã nhập khẩu tới 12 tỷ USD đậu tương trong năm vừa qua. Tuy nhiên, nhập khẩu đã giảm nhanh trong những tháng gần đây.

Lúa mì cao nhất 3 năm

Lo ngại thiếu cung lúa mì trên toàn cầu tiếp tục đẩy giá tăng phiên thứ 3 liên tiếp. Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 9/2018 trên sàn Chicago lúc đóng cửa tăng 0,8 US cent lên 5,58-1/4 USD/bushel, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Thị trường lúa mì dự đoán nhu cầu trên toàn cầu có thể sẽ chuyển hướng sang Mỹ vì hạn hán làm giảm cung ở những nơi khác. Các dự đoán về sản lượng ở Nga, Liên minh châu Âu và Australia đều đã bị điều chỉnh giảm. Taị Đức, nước sản xuất lớn thứ 2 EU, sản lượng vụ 2018 dự báo giảm 20% xuống khoảng 36 triệu tấn do khô hạn.

Giá tôm tại Trung Quốc đắt nhất châu Á

Giá tôm thế giới đang có sự chênh lệch khá lớn. Tôm thẻ Thái Lan loại 60 con/kg có giá 170 THB (5,11 USD)/kg, trong khi tôm Ấn Độ cùng loại giấ 215 INR (3,13 USD)/kg. Theo nguồn tin Undercurrent, do cấm nhập khẩu tôm nguyên liệu từ tháng 9/2017, giá tôm tại Thái Lan đã tăng nhanh

Đối với loại nhỏ hơn (70 con/kg), tôm Thái giá 158,5 THB (4,76 USD)/kg, trong khi tôm Ấn Độ giá 205 INR (2,99 USD); loại 80 con thì tôm Thái giá 146 THB (4,39 USD) còn tôm Ấn 190 INR (2,77 USD)/kg. Tôm Việt Nam có giá gần bằng tôm Thái Lan, loại 80 con giá 92.000 đồng (3,97 USD)/kg. Tuy nhiên, đắt nhất vẫn là tại Trung Quốc, với loại 60 con tại Quảng Đông là 46,7 NDT (6,89 USD) trong khi loại 80 con giá 38,8 NDT (5,72 USD)kg. Loại 80 con tại Phúc kiến giá 46 NDT (6,78 USD), trong khi tại Hải Nam giá 44 NDT (6,49 USD)/kg.

Thị trường hàng hóa ngày 2/8: Giá lúa mì và thép tăng mạnh; dầu, vàng, đậu tương, cacao sụt giảm - Ảnh 1.

Cao su giảm tiếp

Giá cao su tại Tokyo và Thượng Hải cùng giảm trong phiên vừa qua do tồn trữ lớn, nhu cầu yếu và giá dầu thô giảm. Hợp đồng giao tháng 1/2019 tại Tokyo giảm 0,5 JPY (0,0045 USD) xuống 169,9 JPY/kg; hợp đồng giao tháng 9/2018 trên sàn Thượng Hải giảm 85 NDT (12,49 USD) xuống 10.220 NDT/tấn. Cùng xu hướng, giá trên sàn Singapore cũng giảm 0,6 US cent xuống 130,9 US cent/kg (giao tháng 9/2018).

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sáng nay

Thị trường hàng hóa ngày 2/8: Giá lúa mì và thép tăng mạnh; dầu, vàng, đậu tương, cacao sụt giảm - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên