MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 29/3: Ngoài sắt thép và cao su lên giá, còn lại từ dầu, vàng, nhôm cho tới lúa mì đồng loạt đi xuống

29-03-2018 - 08:01 AM | Thị trường

Thị trường hàng hóa thế giới hầu hết giảm giá trong phiên đêm vừa qua (28/3), trong đó dầu để tuột mốc 70 USD/thùng vì dự trữ đột ngột tăng mạnh; giá nhôm xuống thấp nhất từ cuối năm 2017 trong khi các kim loại quý như vàng, bạc cũng đều bị áp lực giảm.

Dầu mất mốc 70 USD do dự trữ đột ngột tăng

Giá dầu giảm khá nhiều trong phiên vừa kết thúc sau số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,6 triệu thùng trong tuần qua. Loại Brent giao tháng 6 giảm 70 US cent xuống 68,76 USD/thùng, Brent giao tháng 5 (vừa đáo hạn) giảm 58 US cent (0,8%) xuống 69,53 USD/thùng, trong khi loại WTI giảm 87 US cent (-1,3%) xuống 64,38 USD/thùng.

Số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhập khẩu ròng dầu tăng 1,1 triệu thùng/ngày, đồng thời dự trữ tại trung tâm trung chuyển Cushing (Oklahoma) bắt đầu đầy lên (tăng 1,8 triệu thùng) gây áp lực giảm giá. Tuy nhiên, "còn mất nhiều thời gian để dự trữ ở Cushing đạt mức bình thường", theo nhận định của ông John Kilduff, thuộc Quỹ năng lượng Again Capital LLC ở New York.

Vàng bạc và các kim loại quý khác đồng loạt giảm

Giá vàng giảm hơn 1% do USD bật tăng sau số liệu tăng trưởng tích cực của Mỹ. Vàng giao ngay giảm 1,4% xuống 1.325,66 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 4 giảm 17,80 USD (1,3%) xuống 1.324,20 USD/ounce. USD đã tăng 0,4% so với EUR sau khi Mỹ điều chỉnh số liệu tăng trưởng GDP quý 4/2017 từ 2,5% lên 2,9%.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị vẫn đang hỗ trợ tích cực cho thị trường vàng, nên tính chung cả quý 1 giá đã tăng 2%. Về triển vọng của vàng, tập đoàn CPM dự đoán đầu tư vào vàng năm 2018 sẽ tiếp tục tăng năm thứ 5 liên tiếp do căng thẳng địa chính trị và lo ngại rằng "bong bóng" tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ kết thúc vào năm 2019. CPM dự đoán đầu tư ròng vào vàng trong năm 2018 sẽ lên tới 20,3 triệu ounce, tăng 6,6% so với năm 2017.

Về các kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,4% xuống 16,26 USD/ounce sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 1 tuần, bạch kim giảm 1% xuống 934 USD/ounce và cũng có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 2/1; và palađi giảm 0,7% xuống 966 USD, trong phiên cũng có lúc giá thấp nhất 1 tuần. Tuy nhiên, theo UBS thì bức tranh cung – cầu palađi vẫn sáng cho thấy giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ tích cực. Hồi tháng 1, kim loại quý này đã lập kỷ lục cao về giá.

Nhôm thấp nhất kể từ cuối 2017

Giá nhôm chạm mức thấp nhất hơn 3 tháng do USD vững lên và lo ngại khối lượng cắt giảm sản lượng của Trung Quốc không đủ nhiều để làm thay đổi cục diện nguồn cung. Giá trên sàn London kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 2.027 USD/tấn, trong phiên có lúc chỉ 2.018,75 USD, thấp nhất kể từ 14/12/2017. Giá nhôm đã giảm hơn 10% từ đầu năm tới nay do các nhà máy ở Trung Quốc khôi phục sản xuất sau giai đoạn cắt giảm sản lượng trong mùa đông để giảm ô nhiễm môi trường.

Chiến lược gia Warren Patterson của công ty ING Commodities Strategist cho biết tồn trữ tiếp tục tăng. Tại các kho của sàn London giảm 3.4% (35.025 tấn) xuống 996.500 tấn, tuy nhiên tồn trữ tại các kho của sàn Thượng Hải đã lập kỷ lục cao mới 940.318 tấn.

Quặng sắt hồi phục mong manh

Thị trường quặng sắt đang biến động theo sát các diễn biến liên quan tới thuế thép mới của Mỹ. Ngày 1/3, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo thuế thép và nhôm, giá quặng sắt giao ngay ở mức 79,55 USD/tấn, nhưng sau tuyên bố của ông Trump giá đã giảm liên tiếp 11 ngày sau đó xuống chỉ 69,80 USD/tấn vào ngày 12/3. Chưa dừng ở đó, tuyên bố của ông Trump đánh thuế trị giá khoảng 60 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc khiến giá xuống chỉ còn 63,50 USD/tấn vào ngày 26/3, thấp nhất trong vòng 4 tháng.

Tuy nhiên, những tín hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh sẽ cố gắng đàm phán để tránh một cuộc chiến tranh thương mại đang kéo giá hồi phục. Quặng hàm lượng 62% giao ngay tại cảng Tần Hoàng Đảo (TQ) kết thúc phiên vừa qua tăng 0,6% lên 63,90 USD/tấn, trong khi chỉ số giá của Metal Bulletin đối với quặng cùng loại cũng tăng 1,3% lên 65,17 USD/tấn; quặng trên sàn Đại Liên (TQ) tăng 1,1% lên 553,5 NDT (70,73 USD)/tấn.

Trên thực tế, vấn đề thuế của Mỹ không phải là yếu tố duy nhất gây áp lực giảm giá sắt. Nếu so với thời điểm giá cao nhất của năm nay (ngày 26/2), giá hiện tại đã mất 20%. Nhu cầu thép của Trung Quốc giảm và tồn trữ tại các cảng của Trung Quốc cao kỷ lục luôn cản trở giá hồi phục trong thời gian gần đây. Tại hội thảo Triển vọng thị trường sắt thép toàn cầu mới đây, các chuyên gia dự báo giá thép quặng trung bình năm 2018 sẽ là 65 USD/tấn,

Thép tiếp tục tăng nhờ nhu cầu

Thị trường thép cũng đang biến động mạnh. Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc tăng phiên thứ 2 liên tiếp, trái ngược với xu hướng giảm mạnh gần đây, mặc dù giá nguyên liệu giảm, bởi các nhà đầu tư tranh thủ mua vào khi giá giảm. Tại Thượng Hải giá giảm 0,3% xuống 3.424 NDT (545,40 USD)tấn, tiếp tục rời khỏi mức thấp nhất 8 tháng của phiên trước đó. Lên xuống thất thường, chỉ riêng một tuần qua, giá thép đã giảm 7,4%, nhiều nhất kể từ cuối 2016 do căng thẳng Mỹ - Trung về thuế leo thang làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế ở 2 thị trường này.

Cao su tiếp tục hồi phục

Giá cao su tiếp diễn xu hướng tăng của phiên trước cũng với lý do căng thẳng Mỹ - Trung dịu lại. Hợp đồng kỳ hạn trên sàn Tokyo tăng 0,6% lên 180,2 JPY/kg, mặc dù tại tại Thượng Hải giảm 65 NDT xuống 11.075 NDT/tấn.

Lúa mì giảm mạnh

Giá lúa mì giảm mạnh bởi sản lượng hứa hẹn tăng ở khắp nơi. Mỹ đã có một mùa Đông khắc nghiệt nhưng thời tiết mùa Xuân đang rất thuận lợi. Lúa mì giao tháng 5 trên sàn Chicago cuối phiên giảm 3-1/2 US cents xuống 4,45-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc chỉ 4,44-1/2 USD, thấp nhất kể từ 25/1. Giá lúa mì tại Nga tuần này cũng giảm theo xu hướng giá ở Chicago và Paris. Lúa mì Biển Đen hàm lượng protein 12,5% hiện ở mức 208 USD/tấn, FOB.

Tuy nhiên, sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2018/19 dự báo sẽ chưa hồi phục hoàn toàn. Theo Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC), sản lượng lúa mì toàn cầu sẽ đạt 741 triệu tấn, giảm 2,2% so với năm trước, trong khi tiêu thụ sẽ tăng nhẹ lên 744 triệu tấn, so với 742 triệu tấn của năm trước.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng

Thị trường hàng hóa ngày 29/3: Ngoài sắt thép và cao su lên giá, còn lại từ dầu, vàng, nhôm cho tới lúa mì đồng loạt đi xuống - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên