MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 30/3: Giá đường thấp nhất 2,5 năm, nhôm rẻ nhất 8 tháng, trong khi giá dầu, cao su, thép, gạo tăng đồng loạt

30-03-2018 - 08:03 AM | Thị trường

Giá cao su chạm mức cao nhất 1 tuần trong khi giá gạo cũng nhích theo nhu cầu gia tăng của các nước nhập khẩu...

Dầu tăng khi số giếng khoan giảm lần đầu trong 3 tuần

Giá dầu tăng theo xu hướng thị trường chứng khoán và sau số liệu về sự sụt giảm số giếng khoan ở Mỹ. Dầu Brent giao tháng 6 tăng 58 US cent lên 69,34 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas tăng 56 US cent lên 64,94 USD/thùng. Chênh lệch giá giữa 2 loại tiếp tục nới rộng lên 5 USD, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái, khiến dầu Brent giảm sức hấp dẫn đối với các nhà máy lọc dầu. Tính chung cả quý 1, giá dầu tăng khoảng 4%.

Số giếng khoan tại Mỹ trong tuần tới ngày 29/3 đã giảm xuống 797, lần giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần. Bên cạnh đó, chứng khoán tăng (cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng) và đồng USD vững so với rổ tiền tệ cũng hậu thuẫn giá dầu tăng. Tuy nhiên, nguồn cung tăng ở Mỹ đang cản trở xu hướng tăng. Dự trữ dầu thương mại tại đây đã tăng 1,6 triệu thùng trong tuần qua, còn sản lượng đạt kỷ lục cao 10,43 triệu thùng/ngày.

Vàng giảm do USD vững

Giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.323,19 USD/ounce, còn hợp đồng giao tháng 6 giảm 2,7 USD (0,2%) xuống 1.327,30 USD/ounce. Đồng USD vững khiến vàng giảm sức hấp dẫn. Ngoài ra còn bởi tình hình trên bán đảo Triều Tiên dịu lại. Thông tin từ Hàn Quốc cho biết Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ cùng gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào ngày 27/4 (lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ).

Tuy nhiên, căng thẳng gia giữa Nga và phương Tây đang hỗ trợ thị trường vàng. Moscow trong ngày thứ Năm (29/3) đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ sau khi Mỹ và các nước phương Tây khác trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga. Và các chuyên gia cho biết, mặc dù lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại đã mờ đi nhưng không có nghĩa là vấn đề đã kết thúc. Với vai trò là nơi "trú ấn an toàn" trước những bất ổn về chính trị và tài chính, giá vàng đang có quý thứ 3 liên tiếp tăng với mức tăng 1,6%.

Nhôm xuống thấp nhất 8 tháng

Dự trữ tăng và sự thất vọng của giới đầu tư về hiệu quả cắt giảm sản lượng trong mùa Đông ở Trung Quốc đã đẩy giá nhôm xuống mức thấp nhất 8 tháng, sau khi giảm 1,1% xuống 2.005 USD/tấn. Dự trữ tại Thượng Hải đã lên tới kỷ lục lịch sử gần 1 triệu tấn, cao hơn gần 20% so với đầu tháng 2. Chương trình cắt giảm sản lượng trong mùa Đông ở Trung Quốc đã kết thúc cách đây 2 tuần, theo đó Bắc Kinh buộc các nhà máy luyện nhôm ở các thành phố miền Bắc phải giảm 30% sản lượng từ giữa tháng 11 năm ngoái tới giữa tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, khối lượng giảm thực tế thấp hơn nhiều so với mức dự đoán. Trong khi đó Mỹ tăng mạnh thuế nhôm khiến giới chuyên gia nhận định nguồn cung ra những thị trường khác sẽ còn nhiều hơn nữa.

Thép cây giảm quý đầu tiên kể từ 2015 do dư thừa phình to

Quặng sắt vững đến giảm trong phiên vừa qua nhưng tính chung trong quý 1 giảm mạnh nhất kể từ 2015 do lo ngại xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu, trong bối cảnh tồn trữ tăng cao. Quặng sắt trên sàn Đại Liên chốt ở 383 NDT/tấn, tính chung cả quý 1 giảm 17,4% (nhiều nhất kể từ quý 3/2015); tại cảng Tần Hoàng Đảo giảm 3% xuống 63,12 USD/tấn (giảm 13% trong quý 1, nhiều nhất trong vòng 3 quý).

Tình hình càng thêm trầm trọng khi thời hạn cắt giảm sản lượng trong mùa đông để giảm thiểu ô nhiễm đã kết thúc vào ngày 15/3, nguồn cung nhiều mặt hàng do đó sẽ càng tăng cao. Tồn trữ tại cảng Thượng Hải đạt trên 160 triệu tấn, mức cao kỷ lục và gấp đôi so với cuối 2015.

Nhà phân tích Helen Lau của hãng môi giới Argonaut Securities ở Hong Kong cho biết: "Có vẻ như chưa đến mùa nhu cầu hồi phục ở Trung Quốc (lục địa). Nếu đến tháng 4 nhu cầu vẫn không tăng thì giá sẽ giảm thê thảm vào mùa Hè".

Thép cây trên sàn Thượng Hải vừa chốt phiên tăng nhẹ 0,6% lên 3.456 NDT (549 USD)/tấn, nhưng tính chung cả quý 1 vẫn giảm 8,9%, nhiều nhất kể từ quý 4/2015; riêng trong tháng 3 giá giảm 14%.

Cao su lên cao nhất gần 1 tuần

Giá cao su tại Tokyo tăng 1% lên mức cao nhất gần 1 tuần theo xu hướng giá tại Thượng Hải (do hy vọng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu lại) và nhờ đồng Yen yếu đi (giảm 0,2% so với USD). Điều này hỗ trợ giá tại các thị trường Đông Nam Á tăng theo.

Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 9 tại Tokyo tăng 1,8 JPY lên 182 JPY/kg vào cuối ngày, trong phiên có lúc giá chạm 183 JPY; hợp đồng giao tháng 5 tại Thượng Hải tăng 35 JPY lên 11.100 NDT/tấn. Cao su tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia đồng loạt tăng nhẹ 0,01-0,02 USD/kg.

Đường thấp nhất 2 năm rưỡi

Giá đường thô giao tháng 5 có lúc giảm xuống chỉ 12,18 US cent/lb, thấp nhất trong vòng 2 năm rưỡi, trước khi hồi phục nhẹ lên 12,35 US cent vào lúc đóng cửa (tăng 0,14 US cent tương đương 1,2% so với phiên trước). Tính cả tháng 3 giá giảm khoảng 8,4%. Lo ngại Ấn Độ nới lỏng các quy chế xuất khẩu đường khiến nguồn cung càng gia tăng trên thị trường thế giới càng gây áp lực giảm giá đường.

Ấn Độ - nước sử dụng nhiều đường nhất thế giới – đang tìm cách giảm bớt lượng tồn trữ quá nhiều gây giảm giá trên thị trường nội địa. Sản lượng niên vụ 2017/18 của nước này chắc chắn đạt kỷ lục 29,5 triệu tấn, tăng tới 45% so với vụ trước.

Indonesia mua 500.000 tấn gạo, kỳ vọng giá sẽ tăng tiếp

Thông tin mới nhất từ thương gia châu Âu cho biết, cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) đã ký các hợp đồng mua tổng cộng khoảng 500.000 tấn gạo vào ngày 28/3. Cụ thể, nước này đã mua khoảng 300.000 tấn của Việt Nam và 200.000 tấn của Thái Lan. Theo nguồn tin trên, giá đã được thỏa thuận vào ngày 28, và hợp đồng ký ngày 29. Thị trường gạo châu Á trong thời gian tới kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ thương vụ này.

Tuần này, giá gạo tại Ấn Độ và Việt Nam tăng nhưng gạo Thái Lan giảm. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá thêm 6 USD so với tuần trước lên 425-429 USD/tấn khi nhu cầu từ khách hàng châu Phi và châu Á tăng lên trong khi nguồn cung hạn hẹp. Bangladesh đã nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo trong giai đoạn tháng 7/2017-3/2018, mức chưa từng có (trong cả năm 12 tháng) của những năm trước. Dự báo Bangladesh có thể mua thêm gạo trong vài tháng tới bởi giá trên thị trường nội địa vẫn cao.

Gạo cùng loại của Việt Nam cũng tăng lên 410-428 USD/tấn, từ mức 405-415 USD/tấn cách đây một tuần, vì nông dân và các đại lý bán ra cầm chừng bởi dự đoán sẽ ký được hợp đồng với khách hàng quốc tế. Trong khi đó gạo cùng loại của Thái Lan giảm xuống 415-435 USD/tấn (FOB Bangkok) từ mức 430-432 USD/tấn cách đây một tuần trong bối cảnh thiếu vắng đơn đặt hàng mới. Chính phủ Thái Lan thông bán sẽ bán 44.000 tấn gạo dự trữ loại đủ chất lượng dùng làm lương thực cho người tại phiên đấu giá tháng 4 hoặc tháng 5.

Cà phê giao dịch sôi động ở Indonesia nhưng trầm lắng ở Việt Nam

Thị trường cà phê xuất khẩu của Việt Nam tuần này trầm lắng do ít nhu cầu từ khách hàng quốc tế, trong khi đó giao dịch tại Indonesia khá sôi động vì nước này đang thu hoạch với khối lượng không nhiều.

 Tại Lumpung, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) của Indonesia giá vững ở +140 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 5 trên sàn London, tương tự như cách đây 6 tuần. Tuy nhiên giao dịch khá sôi động vì có thêm nguồn cung từ vụ thu hoạch phụ (vụ chính phải tới cuối năm mới thu hoạch). 

Trong khi đó tại Việt Nam, thị trường khá yên ắng bởi khách hàng muốn chờ xem xu hướng rõ ràng hơn, kể cả về triển vọng sản lượng ở Indonesia và Brazil. 

Cà phê nhân xô tại Đắc lắc được chào bán giá 36.800-37.000 đồng (1,61 – 1,62 USD)/kg, giảm nhẹ so với 37.500 đồng cách đây một tuần do giá tại London mấy phiên trước giảm mạnh, ngày 23/3 xuống chỉ 1.671 USD/tấn. Các thương gia Việt Nam chào bán cà phê robusta loại 2 (5% đen/vỡ) thấp hơn 40 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 5 tại London, và thấp hơn 70 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 7, nhưng chỉ một số ít hợp đồng khớp lệnh.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 8h sáng

Thị trường hàng hóa ngày 30/3: Giá đường thấp nhất 2,5 năm, nhôm rẻ nhất 8 tháng, trong khi giá dầu, cao su, thép, gạo tăng đồng loạt - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên