Thị trường hàng hóa ngày 5/5: Nhiều hàng hóa tiếp tục tăng giá mạnh
Giá dầu lên cao nhất kể từ tháng 11/2014 trong khi vàng cũng trở nên đắt đỏ hơn vì đồng USD đi xuống. Trong nhóm kim loại cơ bản, cả đồng và kẽm đều tăng giá với riêng đồng chốt tuần tăng 6%.
- 03-05-2018Thị trường hàng hóa ngày 3/5: Dầu, vàng, đường, kim loại cơ bản đảo chiều tăng giá sau tuyên bố của Fed
- 02-05-2018Thị trường hàng hóa ngày 2/5: Từ dầu, vàng, đồng tới đường đều giảm mạnh do USD lên giá trước thềm cuộc họp của Fed
- 01-05-2018Hàng hóa ngày 1/5: Vàng chạm mức thấp nhất 6 tuần trong khi dầu, đồng và đường tăng giá đồng loạt
Dầu đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014
Giá dầu tăng khoảng 2% trong phiên qua, dầu thô của Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn ba năm do nguồn cung toàn cầu vẫn hạn hẹp và thị trường chờ đợi quyết định của Washington về thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Dầu thô WTI của Mỹ chốt phiên tăng 1,29 USD/thùng lên 69,72 USD/thùng. Trong phiên giá đã đạt mức cao 69,97 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014. Tuần này giá dầu tăng hơn 2,3%. Dầu thô Brent tăng 1,25 USD lên 74,87 USD/thùng, kết thúc tuần tăng 0,3%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra thời hạn chót vào ngày 12/5 để châu Âu phải sửa đổi thỏa thuận hạt nhân với Iran hoặc ông sẽ từ chối gia hạn thỏa thuận.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết dầu Brent có thể đạt tới 80 USD/thùng vào cuối năm nay do nguy cơ địa chính trị gia tăng và nguồn cung toàn cầu hạn hẹp hơn. Tuy nhiên các nguồn cung dầu thô của Mỹ ngày càng tăng đã hạn chế chiều tăng giá. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung 9 giàn khoan dầu trong tuần qua, tuần tăng thứ 5 liên tiếp, lên tổng cộng 834 giàn khoan, cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Vàng tăng do đồng USD giảm
Giá vàng tăng do đồng USD giảm từ mức cao, trước đó đồng USD đã mạnh lên sau khi số liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến nhưng vẫn đủ mạnh để hỗ trợ khả năng tăng lãi suất.
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.314,23 USD/ounce, tuy nhiên vẫn giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Vàng kỳ hạn tháng 6 của Mỹ tăng 2 USD (0,2%) lên 1.314,7 USD/ounce.
Số liệu việc làm của Mỹ cho thấy số lượng việc làm tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,9%, gần mức thấp 17 năm rưỡi. Chỉ số đồng USD rời khỏi mức cao nhưng vẫn trong vùng tích cực so với rổ các tiền tệ khác. Trước đó các nhà đầu tư đặt cược Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác sẽ hành động chậm hơn. Lãi suất tăng khiến vàng kém hấp dẫn với nhà đầu tư.
Một nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank cho biết, tuần tới vàng có thể vẫn được hỗ trợ do giới đầu tư lo lắng về khả năng Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân Iran.
Kim loại cơ bản tăng giá
Các kim loại cơ bản tăng giá trong phiên qua khi số liệu việc làm thất vọng của Mỹ không đủ để thay đổi quan điểm lạc quan tổng thể về nền kinh tế Mỹ và sau khi Trung Quốc có một số tiến triển trong đàm phán với Mỹ.
Nhôm đã đạt mức cao nhất trong gần hai tuần tại 2.367,50 USD/tấn sau khi công ty Rusal của Nga, nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới, giảm xuất khẩu 70% trong tháng 4 so với tháng trước. Chốt phiên nhôm tăng 3,6% lên 2.350 USD/tấn. Kết thúc tuần kim loại này tăng gần 6% sau khi giảm gần 10% trong tuần trước.
Giá kẽm giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London đóng cửa tăng 1,6% lên 3.055 USD/tấn. Trong phiên giá đã chạm mức thấp nhất trong 9 tháng tại 2.970 USD/tấn do các nhà đầu tư đặt cược thị trường sẽ giảm thiếu hụt trong năm nay.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Chì và Kẽm Quốc tế, mỏ kẽm công suất 880.000 tấn bổ sung sẽ đi vào hoạt động trong năm, nghĩa là thị trường này sẽ bớt thiếu hụt. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn dự kiến thiếu hụt 263.000 tấn trong năm nay.
Ngành kẽm đã đồng ý giảm 15% phí xử lý kẽm hàng năm xuống 147 USD/tấn.
Trung Quốc và Mỹ đã đạt được sự đồng thuận về một số điểm trong tranh cãi thương mại giữa hai nước, nhưng những bất đồng về các vấn đề khác vẫn còn khá lớn.
Reuters đưa tin sau khi Tân Hoa Xã cho biết các cuộc đàm phán đã có tiến bộ về một số mặt, Trung Quốc đã đề nghị mua thêm hàng hóa của Mỹ và giảm thuế quan đối với một số mục gồm cả ô tô, mặc dù bất đồng về những vấn đề khác vẫn kéo dài.
Gạo Ấn Độ tăng do nhu cầu phục hồi
Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ tăng do nhu cầu phục hồi, trong khi giá gạo của Thái Lan giảm trong bối cảnh vụ thu hoạch dồi dào.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tăng 3 USD từ mức thấp 4 tháng rưỡi trong tuần trước, lên 412 – 416 USD/tấn do nhu cầu cải thiện từ các khách hàng châu Phi. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang miền nam Andhra Pradesh cho biết gạo Ấn Độ hiện nay rất cạnh tranh so với các nguồn cung cấp từ Thái Lan và Việt Nam. Một đồng rupee yếu cho phép các nhà xuất khẩu Ấn Độ giảm giá trong vài tuần qua. Xuất khẩu của Ấn Độ tăng 18% so với một năm trước, lên mức kỷ lục 12,7 triệu tấn trong năm tài chính 2017/18 (tính tới ngày 31/3) bởi nhu cầu gạo phi basmati từ Bangladesh, Benin và Sri Lanka.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức 445 – 450 USD/tấn.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) ngày 4/5 đã chấp nhận mua 250.000 tấn gạo từ cả Việt Nam và Thái Lan, khi nước này phải nhanh chóng xây dựng lại các kho dự trữ đã cạn kiệt trước mùa thu hoạch trong nước.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 430 – 445 USD/tấn FOB Bangkok, từ mức 440 – 445 USD/tấn một tuần trước, do nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch dự kiến kết thúc vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6. Bộ Thương mại Thái Lan trong tuần cho biết nước này sẽ giảm 2 triệu tấn gạo từ kho dự trữ nhà nước vào cuối năm nay.
Chỉ có đường giảm giá
Đường thô kỳ hạn tháng 7 chốt phiên giảm 0,18 US cent (1,5%) xuống 11,51 US cent/lb, nhưng hợp đồng này vẫn có tuần tăng giá 2,6% lần đầu tiên, phá vỡ chuỗi giảm giá 9 tuần liên tiếp. Tuy nhiên thị trường vẫn tập trung vào nguồn cung dồi dào trên toàn cầu.
Công ty Sucden cho biết trong một báo cáo hàng quý rằng dư thừa đường toàn cầu niên vụ 2017/18 và 2018/19 là gần 20 triệu tấn. Thị trường cũng đang theo dõi sát sao triển vọng xuất khẩu đường của Ấn Độ sau khi nước tiêu thụ hàng đầu thế giới này phê duyệt kế hoạch trợ cấp cho ngành đường.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cho biết 5 Bộ trưởng sẽ xem xét cách thức trợ cấp cho nông dân trồng mía, gồm cả khả năng khiến người tiêu dùng phải trả phụ phí ngoài thuế hàng hóa và dịch vụ.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 2,4 USD (0,7%) xuống 321,10 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt ngày 5/5
Trí Thức Trẻ
- Thị trường ngày 6/7: Giá vàng giảm mạnh, thép đi xuống, cao su có tuần giảm sâu nhất 15 tháng
- Thị trường ngày 20/11: Giá cao su thấp nhất 2 năm, thép thấp nhất 4 tháng
- Thị trường ngày 17/11: Giá dầu có 6 tuần giảm liên tiếp
- Thị trường ngày 01/11: Giá dầu có tháng giảm sâu nhất trong hơn 2 năm
- Thị trường ngày 30/10: Mối lo về Trung Quốc kéo giá cao su giảm xuống thấp nhất 25 tháng