Thị trường hàng khô phục vụ Tết: Giá ổn định, tiểu thương chủ động dự trữ sớm
Thời điểm này người tiêu dùng đang “rục rịch” mua sắm các mặt hàng thực phẩm khô, bánh kẹo… chuẩn bị Tết Nguyên đán. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tránh tình trạng bị khan hiếm hàng, thời điểm này nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống Hà Nội đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng Tết.
- 30-12-2018Những dòng ô tô rẻ nhất trên thị trường năm 2018: Giá chỉ từ 250 triệu đồng
- 29-12-2018Nông dân tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng vào mùa Tết
- 29-12-2018Có thể giảm giá xăng dầu vào ngày 1-1-2019
Tiểu thương dè dặt “ôm” hàng
Các mặt hàng khô như: Miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô... đều là những thực phẩm cần thiết để phục vụ người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, hiện các tiểu thương đã dữ trữ số lượng lớn những mặt hàng này ở trong kho. Theo nhiều tiểu thương, từ đầu tháng 10 âm lịch đặt các mối hàng với số lượng lớn những loại thực phẩm khô phục vụ Tết. “Việc các tiểu thương dự trữ hàng để tránh tình trạng giáp Tết những mặt hàng này bị đẩy giá lên cao và khan hiếm hàng”, chị Nguyễn Thị Thúy, một tiểu thương ở chợ Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) cho biết.
Hiện tại, kho hàng của cửa hàng tạp hóa Thanh Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã chất đầy các loại mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như: Rượu, bia, bánh kẹo, thực phẩm khô… Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, chủ cửa hàng tạp hóa Thanh Mai chia sẻ: “Giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, vì thế chúng tôi cũng phải dự trữ một lượng hàng nhất định ở trong kho để bán cho khách hàng. Tuy nhiên, so với mọi năm, năm nay lượng bánh kẹo cửa hàng nhập về cũng ít so với mọi năm để tránh tình trạng hàng bị tồn kho sau Tết dẫn đến việc thu hồi vốn chậm”.
Vùng ngoại thành Hà Nội, nhiều chủ cửa hàng tạp hóa cũng đã tích trữ đủ lượng hàng hóa bán vào dịp Tết. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng tạp hóa xã Hồng Sơn (Mỹ Đức – Hà Nội) cho biết: “Những năm gần đây, kinh tế cũng phát triển thu nhập ở nông thôn cũng tăng cao nên người dân có nhu cầu mua sắm Tết những mặt hàng chất lượng, do vậy, cửa hàng chủ yếu dự trữ những loại thực phẩm khô loại ngon, dù giá thành có cao hơn một chút. Bánh kẹo dự trữ cũng đều là những mặt hàng có thương hiệu như: Hải Hà, Kinh Đô…”.
Theo chị Hiền, lượng hàng cửa hàng dự trữ bán Tết cũng chỉ ở mức vừa phải và không “ôm” hàng với số lượng lớn. “Hiện ở trong huyện cũng có nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích được ở ra trong khi lượng khách hàng không tăng nên tôi cũng không “ôm” nhiều hàng bán Tết”, chị Hiền cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù các tiểu thương đã bắt đầu tích trữ hàng, chuẩn bị bán Tết, tuy nhiên vẫn ở mức cầm chừng. Bởi khoảng 3 năm trở lại đây, thói quen tích lũy hàng hóa vào dịp Tết của người dân không còn, lượng hàng hóa lại dồi dào nên không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào dịp Tết. Do đó, các tiểu thương cũng không “ôm” hàng nhiều như trước kia.
Hiện tại, giá một số mặt hàng thực phẩm khô bán ở cũng không có nhiều biến động. Cụ thể: Mộc nhĩ có giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg; măng khô “lưỡi lợn” loại 1 có giá 300.000 - 350.000 đồng/kg; nấm hương có giá từ 320.000 - 400.000 đồng/kg; miến 40.000 - 80.000 đồng/kg; hạt sen 140.000 - 170.000 đồng/kg…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Do lo lắng giáp Tết các mặt hàng thực phẩm khô sẽ tăng giá cao nên hiện một số người dân đã đi sắm Tết sớm. Chị Nguyễn Thị Thủy (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nhà tôi đã mua đầy đủ thực phẩm như: Miến dong, bánh đa nem, măng khô, nấm hương… vì giáp Tết những mặt hàng này thường bị đẩy lên 2-3 giá, vừa đắt lại vừa khó mua”.
Trước nhưng lo lắng của người tiêu dùng, chị Hằng khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán giá các mặt hàng thực phẩm khô sẽ được giữ ổn định. Chị Hằng lý giải: “Tất cả những mặt hàng đều đã được cửa hàng dữ trữ từ rất sớm nên giá nhập vào cũng không cao hơn so với ngày bình thường. Do đó, giá của mặt hàng thực phẩm khô cũng sẽ không tăng giá. Chỉ có một số mặt hàng bán chạy đột biến, đến cận Tết tôi phải nhập thêm thì sẽ phải tăng lên theo giá của thị trường”.
Ngoài ra, theo chị Hằng, việc tăng giá vào thời điểm Tết cũng sẽ không giữ được “chân” những khách hàng quen thuộc. “Chỉ vì kiếm lời mấy ngày Tết mà tôi bị mất hết khách hàng quen thì không đáng, bởi mình còn buôn bán lâu dài không chỉ ngày một ngày hai”, chị Hằng tâm sự.
Về hàng hóa cho dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mới đây UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Công Thương Hà Nội tổ chức triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp để cung ứng sớm và đầy đủ hàng hóa cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, dẫn đến tăng giá đột biến.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và lực lượng công an, các ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng để tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa nhằm thu lợi bất chính.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019 khoảng 28,5 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018. Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2019 gồm: Gạo 190.600 tấn, thịt lợn 44.000 tấn, thịt gà 14.600 tấn, thịt bò hơn 12.300 tấn, trứng gia cầm 256 triệu quả; rau củ hơn 254.000 tấn, thủy hải sản 11.200 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
Báo Hải Quan