MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng không phát triển nóng

Với mức tăng trung bình luôn đạt 2 con số trong 10 năm trở lại đây, hàng không hiện đã trở thành điểm sáng nhất của ngành giao thông và là thỏi nam châm hút sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, thị trường hàng không cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh hạ tầng cũng như khả năng đáp ứng về nhân lực còn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng.

Những con số ấn tượng

Theo thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, từ năm 2008 đến 2018, thị trường hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ trung bình luôn đạt 2 con số. Năm 2018, sản lượng vận chuyển hàng không của các hãng hàng không tại thị trường Việt Nam đạt 70 triệu lượt hành khách tăng 12,6% so với năm 2017 và tăng trung bình 15,8%/năm. Cùng với đó, số lượng chuyến bay cất hạ cánh tại các cảng hàng không của Việt Nam cũng đạt tốc độ tăng trung bình 13,7%/năm.

Từ con số 4 hãng hàng không nội và 46 hãng hàng không nước ngoài năm 2008, cho đến nay, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự tham gia của 5 hãng hàng không nội và hơn 70 hãng hàng không nước ngoài. Cùng với đó, đội tàu bay cánh bằng của các hãng hàng không Việt Nam đã tăng từ 60 chiếc (có độ tuổi trung bình 8,8 tuổi với 29 tàu bay sở hữu) lên 200 tàu bay (có độ tuổi trung bình 5 tuổi, tăng 3,3 lần so với năm 2008, trong đó có 53 tàu bay sở hữu). Thị trường hàng không cũng chứng kiến sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của đội tàu bay của các hãng hàng không hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân với 84 tàu bay chiếm 42% đội tàu bay.

Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và hơn 138 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

Không chỉ vậy, tới nay các đường bay quốc tế đã kết nối tới 9 cảng hàng không Việt Nam và xu hướng kết nối đến các cảng hàng không địa phương ngoài 3 trung tâm Hà Nội/Đà Nẵng/TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Tỉ trọng đường bay quốc tế kết nối trực tiếp đến Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng... ngày càng tăng cao, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, đồng thời, mạng đường bay nội địa có đến 1/5 số lượng đường bay là kết nối các sân bay địa phương.

Trao đổi với Báo Lao Động, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng nhận định, việc đẩy mạnh khai thác các thị trường ngách ngoài 3 cửa ngõ, tăng cường kết nối các địa phương thay vì chỉ tập trung khai thác đường bay xuất phát từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải đã từng bước kích thích nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân, đa dạng hóa nguồn khách, gián tiếp tạo sự thay đổi lớn về tỉ trọng khai thác đến các cảng hàng không cũng như thị phần vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam.

Thị trường hàng không phát triển nóng - Ảnh 1.

Và không ít thử thách cần vượt qua

Dù các con số báo cáo về cơ bản đã vẽ nên bức tranh tươi sáng về ngành hàng không nhưng cả cơ quan chức năng, các hãng hàng không lẫn chuyên gia trong ngành đều thừa nhận về những bất cập còn tồn tại khi thị trường tăng trưởng nóng.

Trao đổi với Báo Lao Động, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng chỉ ra hai vấn đề chính đã và đang cần giải quyết của ngành hàng không là vấn đề nhân lực và hạ tầng.

Theo đó, một trong những thách thức lớn hiện nay liên quan tới việc đảm bảo nguồn nhân lực khai thác đội tàu bay (bao gồm phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật) của các hãng hàng không Việt Nam. Trên thực tế, việc thiếu hụt nhân lực kỹ thuật cao đã và đang là bài toán đau đầu của các hãng hàng không.

Nếu các hãng hàng không kỳ cựu như Vietnam Airlines từng phải kiến nghị lên Chính phủ khi bị "chảy máu" nhân lực bởi không ít phi công đã "nhảy việc" sang các hãng đối thủ thì phương án nhân lực cũng là bài toán khó với các hãng hàng không non trẻ vừa thành lập như Bamboo Airways hay đang trong quá trình xin cấp phép như Vinpearl Air và Vietravel Airlines đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra sự tranh giành quyết liệt nhân lực kỹ thuật cao trong ngành hàng không.

Dù một số hãng hàng không mới thời gian qua cũng đã có những chuẩn bị về nhân lực như Vietravel góp vốn vào trường cao đẳng quốc tế Kent - một trường đào tạo nhân lực cho hàng không, trước mắt là tiếp viên, sau này có cả thợ máy và phi công hay Vinpearl Air mở trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không đồng thời tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công, nhưng để đáp ứng được nhu cầu thị trường cũng cần thời gian.

Bên cạnh đó, hạ tầng tại một số cảng hàng không hiện đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ tàu bay qua đêm, giờ hạ cất cánh (slot) tại khung giờ đã sử dụng hết và không tăng thêm trong trong thời gian tới. Sự quá tải tại một số cảng hàng không đã dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn cục bộ tại một số khu vực trong nhà ga hành khách trong các khung giờ cao điểm. Tàu bay phải chờ đợi trên sân đỗ khi cất cánh hoặc phải bay chờ khi hạ cánh. Không chỉ vậy, cơ quan quản lý ngành hàng không còn đau đầu với hiện tượng tắc nghẽn ngay trên đường giao thông kết nối vào cảng hàng không. "Tắc trên trời, tắc dưới đất" là câu chuyện không mới nhưng chưa có lời giải tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây cũng chính là rào cản khiến việc cấp phép của các hãng hàng không mới buộc phải "nâng lên đặt xuống".

Trong cuộc họp mới đây của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), khi bàn về việc thành lập mới cả 2 hãng hàng không Vinpearl Air và Vietravel Airlines, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) Lê Thị Thu Hà đã đề nghị “rà soát lại năng lực đáp ứng của hạ tầng”.

Còn đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, việc Vietravel chọn Phú Bài hay Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ là khả thi nhưng việc khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không còn.

Riêng đối với Vietravel Airlines, theo đại diện ACV, do bay thuê chuyến (charter) là chủ yếu nên việc cấp slot tại 2 đầu sân bay này càng khó khăn hơn vì thứ tự ưu tiên cấp slot của chuyến bay charter thấp hơn chuyến bay thường lệ.

Dù có những băn khoăn liên quan đến năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách hàng không khi thị trường tăng nóng, nhưng lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải đảm bảo duy trì năng lực giám sát an toàn hàng không ở mức cao nhất và tuyệt đối không có chuyện cho tăng trưởng đội tàu bay vượt quá năng lực giám sát an toàn hàng không.

Được biết, từ nay đến năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu về năng lực giám sát trên cơ sở các hãng tăng tàu bay phù hợp, tuần tự, vững chắc chứ không tăng một lúc vài chục chiếc.

Theo Lâm Anh

Lao động

Trở lên trên