MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh thứ 5 thế giới

Sân bay Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên do đơn vị tư nhân đầu tư, vận hành

Sân bay Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên do đơn vị tư nhân đầu tư, vận hành

Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không

Chiều 4-11, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức tọa đàm "Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm" tại Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho hay những năm qua, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với mức tăng trưởng bình quân 10 năm khoảng 18%.

Thị trường hàng không Việt Nam cũng được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không.

Thời gian qua, rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển các cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng được khoảng 65,8% nhu cầu.

Theo đại diện Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030 theo quy hoạch khoảng 403.106 tỉ đồng, trong đó Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cân đối được khoảng 265.150 tỉ đồng; Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỉ đồng nên số vốn cần huy động thêm vào khoảng 128.115 tỉ đồng.

Thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh thứ 5 thế giới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu kết luận tọa đàm.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, thông tin hiện nay Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, được phân bổ tương đối đều cho các vùng miền. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), 86% dân số Việt Nam tiếp cận cảng hàng không trong bán kính 100 km, cao hơn mức trung bình của thế giới là 75%. Phần lớn cảng hàng không của Việt Nam có nguồn gốc là sân bay quân sự (trừ Phú Quốc và Vân Đồn).

Hệ thống Cảng hàng không Việt Nam đã trải qua 3 thời kỳ quy hoạch. Trong đó, Tờ trình 13833/TTr-BGTVT ngày 24-12-2021, quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030: 28 cảng hàng không (14 Cảng hàng không quốc tế). Tầm nhìn đến 2030: 31 cảng hàng không (14 cảng hàng không quốc tế).

Về định hướng phát triển, ông Phạm Hoài Chung cho hay, đối với sân bay chuyên dùng phải đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Các địa phương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí và địa phương chủ trì huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển sân bay chuyên dùng thành cảng hàng không quốc nội khi sân bay chuyên dùng có nhu cầu khai thác các chuyến bay thường lệ và có cơ sở hạ tầng bảo đảm phục vụ hành khách.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), xã hội hóa đầu tư không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng mà cả vận tải. Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng rất lớn đòi hỏi đầu tư kết cấu hạ tầng lớn. Khi nhà nước và doanh nghiệp nhà nước không đảm đương được thì phải huy động.

Cụ thể, trường hợp Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã bắt đầu huy động từ 2012. Thời gian đó vừa làm quy hoạch, vừa tiếp cận đầu tư, năm 2018 đã triển khai thành công.

Không chỉ có kết cấu hạ tầng mà còn công trình dịch vụ trong cảng như hàng ăn, suất ăn… Trước đây, các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, sau này là các công ty con của Vietnam Airlines, ACV đầu tư. Giai đoạn 2014 - 2015, ACV đã tiến hành cổ phần hóa và các đơn vị này trở thành doanh nghiệp tư nhân.

Thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh thứ 5 thế giới - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cho hay "Sân bay Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên do đơn vị tư nhân đầu tư, vận hành. Việc triển khai thành công dự án không chỉ đánh dấu sự góp mặt hiệu quả của kinh tế tư nhân trong hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông mà còn tạo động lực để huyện Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung thu hút, huy động nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã làm thay đổi diện mạo của huyện Vân Đồn. Năm 2015, ngân sách Vân Đồn là 130 tỉ đồng. Từ năm 2020, ngân sách huyện đảo này vượt 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Năm 2022, Vân Đồn là địa phương thứ xếp thứ 6/13 của tỉnh tự cân đối ngân sách".

Ông Sáu chia sẻ thêm đầu tư một sân bay để hòa vốn là rất lâu. Thời gian đề án 46 năm là khoảng thời gian cân bằng để hòa vốn. Chính vì vậy, làm thế nào tạo được hành lang pháp lý, chính sách rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm. Có một số quy định dù nhỏ nhưng cũng có thể tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư. Tất cả nên đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật để khi triển khai đã có sẵn. Hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật chưa có gì liên quan đến mảng đầu tư tư nhân trong hoạt động hàng không.

Theo Tr.Đức

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên