Thị trường kém thuận lợi, nhiều doanh nghiệp gặp khó với kế hoạch tăng vốn
Không ít doanh nghiệp đã phải điều chỉnh, trì hoãn kế hoạch tăng vốn, thậm chí huỷ kế hoạch phát hành của mình.
Thị trường chứng khoán được xem như miền đất hứa giúp các doanh nghiệp huy động vốn, từ đó mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Trong 2 năm Covid vừa qua, không ít doanh nghiệp đã “lột xác” nhanh chóng nhờ tận dụng cơ hội tăng vốn thuận lợi.
Tuy vậy, sang năm 2022, câu chuyện tăng vốn đã không còn dễ dàng. Trong bối cảnh thị trường chung không còn thuân lợi, thanh khoản sụt giảm mạnh, cùng với định hướng hạn chế dòng tiền chảy "nóng" vào thị trường chứng khoán đã ít nhiều ảnh hưởng tới kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp đã phải điều chỉnh, trì hoãn kế hoạch tăng vốn, thậm chí huỷ kế hoạch phát hành của mình.
Nhiều kế hoạch phát hành gặp thách thức và phải điều chỉnh
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 sắp diễn ra, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) một lần nữa điều chỉnh kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2022.
Từ phương án ban đầu là chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chào bán là 1:0,164 với giá chào bán là 30.000 đồng/cổ phiếu, DIG thay đổi kế hoạch tại đại hội lần này. Cụ thể, công ty sẽ trình cổ đông phương án chào bán tối đa 100 triệu cổ phiếu với giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu, số tiền dự thu giảm một nửa, còn 1.500 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu DIG đã giảm hơn 68% so với đỉnh đạt được hồi tháng 1/2022 và đang trôi dần về vùng đáy 1 năm. Cổ phiếu lao dốc sau thời gian tăng nóng khiến cổ đông cũng dần thoái trào và dường như không còn “mặn mà” với những kế hoạch của công ty.
Tương tự, CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã CK: TNH) điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức 2021 trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường tổ chức ngày 10/10 tới. Cụ thể, thay vì chi trả cổ tức với tỷ lệ 25% (5% tiền mặt, 20% cổ phiếu), TNH dự kiến nâng tỷ lệ cổ tức lên 30% và trả hoàn toàn bằng cổ phiếu.
Nội dung khác dự kiến trình lên ĐHĐCĐ là dừng không thực hiện các phương án phát hành chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 5/2022. Nguyên nhân do TNH chưa thống nhất được với một số đối tác nên chưa thể triển khai phương án phát hành.
Thậm chí doanh nghiệp buộc phải… huỷ kế hoạch phát hành
Trong thông báo mới nhất gửi Sở GDCK Tp.HCM (HOSE), CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) cho biết sẽ tạm dừng phương án phát hành riêng lẻ (đã thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2022) với 162 triệu cổ phiếu, giá 10.500 đồng/cp. Tổng số tiền huy động gần 1.700 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, song công ty đã tạm dừng phương án này.
Theo doanh nghiệp, việc dừng phương án trên nhằm cân đối tính toán lại phương án phù hợp với thời điểm hiện tại. Ngoài ra, HAG cho biết sẽ công bố phương án mới sau khi chốt. Đại diện HAGL cho biết: "Dừng không đồng nghĩa là không thực hiện, mà dừng để thống nhất lại và có thay đổi, cập nhật thêm về phương án mới cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trong đó, chúng tôi dự kiến thay đổi phương án sử dụng vốn".
Mới đây, HAGL công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, Công ty dự kiến sẽ thanh toán một phần nợ gốc trước hạn (tại lô trái phiếu HAGLBOND16.26) với giá trị là 605 tỷ đồng. Thời gian dự kiến trong vòng 10 ngày kể từ ngày công bố (ngày 22/9/2022).
Trên thị trường, cổ phiếu HAG kết phiên 23/9 ở mức giá 13.900 đồng/cp, vốn hoá đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngày 22/9, HĐQT CTCP Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) đã thông qua việc hủy phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (được HĐQT thông qua ngày 8/6). Lý do công ty đưa ra là kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi.
Mặt khác, mới đây, ban lãnh đạo Sao Mai đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp). Thời gian dự kiến thực hiện trong tháng 10 tới. Với hơn 336,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ chi gần 505 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.
Một doanh nghiệp khác cũng buộc tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn là Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, mã CK: CKG).
Sau khi kết thúc đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, công ty sẽ triển khai đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 ngày 19/6/2021 và Nghị quyết Đại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 ngày 17/6 theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, CIC Group ra quyết nghị tạm dừng triển khai đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt này và không công bố lý do.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán diễn biến không mấy tích cực thường khiến cho kế hoạch huy động vốn qua phát hành cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp thách thức.
Mặt khác, trong bối cảnh ít thông tin hỗ trợ cũng như quyết định nâng lãi suất mới đây của Fed cùng động thái tăng trần lãi suất tiền gửi của NHNN được dự báo sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Đây được coi như trở lại khá không nhỏ cho sự mở rộng quy mô vốn của nhiều doanh nghiệp.
Nhịp Sống Thị Trường