MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường khách sạn diễn biến thế nào dịp cuối năm?

15-12-2021 - 16:30 PM | Bất động sản

Thị trường khách sạn diễn biến thế nào dịp cuối năm?

Chia sẻ tại sự kiện HoSkar Night, các chuyên gia lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng cho rằng, trái ngược với không khí rộn ràng vào dịp cuối năm thường thấy ở giai đoạn trước đại dịch, hoạt động kinh doanh khách sạn năm nay có phần trầm lắng hơn.

Dưới tác động của làn sóng dịch bệnh thứ tư, hoạt động kinh doanh khách sạn tại hầu hết các địa điểm du lịch chính gần như rơi vào tình trạng đóng băng. Tính đến hết tháng 11/ 2021, công suất phòng tại các khách sạn 4-5 sao tại Tp.HCM và Hà Nội chỉ dao động quanh mức 20%, giảm so với công suất 72% ở Tp.HCM và 80% ở Hà Nội vào năm 2019.

Trái ngược với không khí rộn ràng vào dịp cuối năm thường thấy ở giai đoạn trước đại dịch, hoạt động kinh doanh khách sạn năm nay có phần trầm lắng hơn. Theo chia sẻ từ các đại diện khách sạn trong thành phố, mặc dù kết quả hoạt động chung sẽ không có sự đột biến trong dịp cuối năm nhưng vẫn kỳ vọng vào quý 1/2022 khởi sắc, thậm chí đầy hy vọng cho quý 2 khi các đường bay thương mại quốc tế được phục hồi. 

Nhiều khách sạn cao cấp tại Tp.HCM đã bắt đầu ghi nhận sự cải thiện về nguồn cầu, chủ yếu đến từ dịch vụ F&B. Nhu cầu về tổ chức sự kiện cũng đang cho thấy tín hiệu phục hồi khi các khách sạn nhận được quan tâm về tổ chức hoạt động MICE, bên cạnh đó không thể không nhắc đến nhu cầu tổ chức tiệc cưới đang quay trở lại sau nhiều tháng phải tạm ngưng vì các quy định giãn cách.

Các khu nghỉ dưỡng tại những điểm đến du lịch như Đà Nẵng, Phan Thiết kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ khôi phục trở lại sớm hơn, đặc biệt khi mùa lễ hội đang đến. Với tỷ lệ tiêm chủng đang được đẩy nhanh và nhu cầu du lịch bị dồn nén trong suốt thời gian qua, các chuyến đi nghỉ dưỡng là một hoạt động được nhiều du khách nội địa mong chờ.

Thị trường khách sạn diễn biến thế nào dịp cuối năm? - Ảnh 1.

Trong đó, các dự án theo mô hình Integrated Resort đang nhận được nhiều sự quan tâm trên thị trường khi có thể đáp ứng nhu cầu của đa dạng nhóm khách từ khách gia đình đến nhóm khách doanh nghiệp với nhu cầu tổ chức MICE hoặc các hoạt động team building. Đây thường là các dự án nghỉ dưỡng phức hợp lớn, cung cấp đa dạng tiện ích và hoạt động giải trí khác nhau như công viên giải trí, sòng bạc, sân gôn, v.v. Bên cạnh mô hình Integrated Resort, Branded Residence cũng là mô hình đang thu hút được sự quan tâm của thị trường với nhiều sản phẩm dự kiến sẽ được ra mắt trong năm 2022.

Các chuyên gia trong ngành chia sẻ thêm phân khúc cao cấp (luxury) được kỳ vọng là một trong những phân khúc có tốc độ hồi phục sớm nhất. Do các hoạt động du lịch quốc tế bị đình trệ trong hai năm vừa qua, tệp khách hàng với ngân sách cao dành nhiều sự quan tâm hơn đến các khu nghỉ dưỡng/ khách sạn hạng sang nội địa đạt chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, tệp khách hàng này vẫn có đủ nguồn lực để duy trì các hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng và phục vụ tốt nhóm khách hàng này, các khách sạn cần chú trọng hơn để có thể đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, đáp ứng tiêu chí của nhóm đối tượng này. Trong đó, phần lớn sẽ có yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, tính riêng tư và thoải mái cũng như những trải nghiệm mà họ nhận được khi sử dụng dịch vụ tại khách sạn/ resort hạng sang.

Nhiều thách thức đối mặt trong năm 2022

Bên cạnh những triển vọng tích cực trong năm 2022, theo các chuyên gia, các nhà quản lý khách sạn vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề nhân sự - làm thế nào để giữ được nhân sự có chuyên môn cao và gia tăng sự gắn kết với tổ chức sau khoảng thời gian dài gánh chịu tác động của đại dịch Covid.

Để có thể hiểu thêm về xu hướng trong ngành du lịch hậu đại dịch, HoSkar Night tháng 12 đã tiến hành khảo sát thu thập ý kiến về nhận định và mức độ quan tâm đến các xu thế đang diễn ra trên thị trường.

Trong bối cảnh biến thể mới Omicron đang lan rộng trên toàn cầu, quá trình phục hồi của ngành du lịch thế giới vẫn còn nhiều bỏ ngỏ. Theo kết quả khảo sát do HoSkar Night thực hiện, 92% người tham dự chương trình bày tỏ sự lo ngại rằng Omicron có thể gây ra sự chậm trễ trong việc mở cửa trở lại biên giới quốc tế, trong đó 17% cho rằng mức độ ảnh hưởng có thể ở mức nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, với tốc độ tiêm chủng và các biện pháp kiểm soát phòng dịch hiện nay, phần lớn khách HoSkar Night cho rằng quá trình hồi phục các hoạt động du lịch sẽ diễn biến một cách lạc quan và thận trọng.

Yếu tố bền vững cũng là một chủ đề thu hút sự quan tâm trong buổi họp mặt HoSkar Night tháng 12. 59% số người tham dự bày tỏ rằng việc giảm thiểu các sản phẩm nhựa sẽ được chú ý nhiều hơn để góp phần tạo nên một sự phát triển bền vững. Ngoài ra, các diễn giả của HoSkar Night cũng nhấn mạnh yếu tố "địa phương" là một trong những từ khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững, bao gồm việc sử dụng các sản phẩm và nguồn lực có sẵn tại địa phương trong phát triển du lịch và dịch vụ lưu trú khách sạn.

Trong câu hỏi khảo sát về xu hướng được kỳ vọng nhất vào năm 2022. Hơn 40% số người tham dự đã lựa chọn "Staycation" và 25% cho rằng sự trỗi dậy của thế hệ Z là một xu thế đáng quan tâm. Trong thời gian tới, thế hệ Z được kỳ vọng sẽ có tác động to lớn đến ngành, không chỉ từ phía cầu với tư cách là khách hàng tiềm năng mà còn từ phía cung với tư cách là lực lượng lao động trong ngành.

Tại phiên thảo luận về công nghệ trong ngành nghỉ dưỡng, các chuyên gia nhận định công nghệ đã trở nên thiết yếu trong hoạt động của khách sạn với nhiều dự án đã triển khai công nghệ không chạm "contactless", từ quá trình thực hiện thủ tục nhận/ trả phòng, điều khiển thiết bị trong phòng đến các công nghệ ứng dụng AI phức tạp khác. Việc ứng dụng công nghệ không chạm hiệu quả trong  lĩnh vực khách sạn không chỉ giúp khách hàng cảm thấy thuận tiện và an toàn hơn mà còn giúp khách sạn cải tiến quy trình hoạt động theo hướng gia tăng hiệu suất và sử dụng chi phí tối ưu hơn.

Trong số những tiến bộ công nghệ được thảo luận gần đây, Metaverse là từ khóa thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài nước. Ứng dụng của công nghệ này được kỳ vọng sẽ nâng cao và hoàn thiện trải nghiệm của khách hàng hơn nữa. Có thể kể đến như trong tương lai, công nghệ này cho phép khách đến "trải nghiệm" cơ sở lưu trú ngay cả trước khi họ đặt chân đến khách sạn thông qua các công nghệ thực tế ảo.

Mặt khác, các ứng dụng của công nghệ này tạo điều kiện hỗ trợ các hội nghị hybrid kết hợp tổ chức trực tiếp và trực tuyến, có thể tác động đến hoạt động kinh doanh MICE trong tương lai. Do vậy, theo các chuyên gia, các khách sạn cần liên tục cập nhật các tin tức và ứng dụng mới, đồng thời đưa ra các chiến lược hoạt động linh hoạt để có thể thích nghi tốt hơn trong những điều kiện kinh doanh mới.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên