MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường lao động tràn ngập cơ hội việc làm, lương tăng liên tục, tại sao dân Mỹ vẫn chán nản với nền kinh tế?

09-02-2022 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

Thị trường lao động tràn ngập cơ hội việc làm, lương tăng liên tục, tại sao dân Mỹ vẫn chán nản với nền kinh tế?

Câu trả lời đơn giản là lạm phát đang có tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 40 năm qua.

Thị trường lao động Mỹ đang ở trạng thái thuận lợi nhất đối với hầu hết người lao động. Vậy tại sao nhiều người Mỹ lại cảm thấy không hài lòng với bối cảnh nền kinh tế hiện tại?

Câu trả lời đơn giản là lạm phát đang có tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 40 năm qua. Để đo lường mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế, hãy theo dõi một thước đo được sử dụng từ thời kỳ trước đó: chỉ số khốn khổ (misery index).

Chỉ số khốn khổ được tạo ra bởi Arthur Okun – một cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Lyndon Johnson. Chỉ số này trở nên phổ biến hơn vào những năm 1970 và đầu những năm 1980. Misery Index là tổng của tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm, từ đó cung cấp cho Tổng thống Johnson số liệu dễ hiểu về sức khỏe tương đối của nền kinh tế. Chỉ số này càng cao chứng tỏ cử tri, người tiêu dùng càng không hài lòng và ngược lại.

Hiện tại, chỉ số này đang ở mức mà người Mỹ chưa từng chứng kiến kể từ cuộc Đại suy thoái và những năm sau đó. Chỉ số khốn khổ đã đạt mức 2 con số kể từ tháng 4, ở khoảng 11 điểm hoặc cao hơn kể từ tháng 12. Con số tương tự cũng xuất hiện vào cuối năm 2008 khi cuộc Đại suy Thoái diễn ra và cuối năm 2009 – khi tỷ lệ thất nghiệp chạm mức cao nhất là 10,2%. Song, tình trạng của nền kinh tế khi đó ngược lại với bối cảnh hiện tại: tỷ lệ thất nghiệp cao trong một thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, nhưng đi kèm với đó là lạm phát cực thấp.

Chỉ số khốn khổ quay trở lại mức 2 con số vào năm 2011 và đầu năm 2012 khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn khá cao, cùng với đó là lạm phát tăng trong thời gian ngắn. Trong những tháng đầu của đại dịch, chỉ số này đã tăng đột biến. Tuy nhiên, con số hiện tại vẫn thấp hơn mức cao nhất là vào những năm 1970 và đầu những năm 1980, khi kinh tế Mỹ chật vật với lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều.

Các nhà kinh tế đồng tình rằng chỉ số khốn khổ không phải là một thước đo có độ chính xác cao. Những năm 1980, họ đã đưa ra các biện pháp đo lường hiệu quả hơn. Song, chỉ số này vẫn hữu ích. David Wessel – giám đốc Trung tâm Hutchins về Chính sách và Tài chính Tiền tệ tại Viện Brookings, cho biết: "Đó là quy tắc ngón tay cái, ai cũng có thể hiểu nó. Bạn không cần phải có bằng tiến sĩ kinh tế để theo dõi."

Lý do khiến người dân Mỹ không hài lòng khi giá cả tăng cao là mọi thứ đều vượt ngân sách của họ và là một việc mà họ liên tục phải đối mặt. Ngay cả trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp cao, hơn 85% người Mỹ vẫn làm việc. Nhưng gần 100% người dân phải chi trả cho mức giá cao hơn trong thời kỳ lạm phát tăng nóng.

Wessel cho hay: "Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao đều là những yếu tố gây khó chịu. Nếu bạn không có việc làm, bạn lo lắng hơn về việc mình thất nghiệp. Nếu bạn có việc làm, bạn lại canh cánh vì lạm phát."

Thị trường lao động Mỹ hiện tại đang ở trạng thái đặc biệt vững chắc. Người tìm việc đang có nhiều cơ hội làm việc hơn. Điều này cho phép họ bỏ qua những lựa chọn mà họ không thực sự mong muốn. Kết quả là, mức lương trung bình đang tăng lên.

Báo cáo niềm tin người tiêu dùng mới nhất từ Conference Board – công ty nghiên cứu kinh tế, cho thấy 55% người tham gia cho biết cơ hội việc làm đang rất nhiều, gấp 5 lần so với những người cho biết họ khó kiếm được việc. Cuộc khảo sát này cho thấy người Mỹ nhìn chung vẫn có cái nhìn tích cực về tình trạng của nền kinh tế, đặc biệt là so với thời kỳ Đại suy thoái.

Nhưng các cuộc khảo sát khác lại cho thấy người dân nước này có quan điểm tiêu cực hơn về triển vọng. Gần đây nhất là cuộc thăm dò của CNN về nền kinh tế vào tháng 12, cho thấy ¾ người được khảo sát nói rằng họ lo ngại về nền kinh tế và 63% cho biết nền kinh tế đang ở tình trạng yếu kém. Hơn nữa, 80% bày tỏ sự lo ngại về lạm phát và 54% không đồng tình với cách mà Tổng thống Joe Biden đang có sự điều hướng không hiệu quả.

Cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 1 cho thấy chỉ 23% nói rằng nền kinh tế đang ở tình trạng tốt hoặc rất tốt, trong khi 37% nhận thấy mọi thứ đang tồi tệ. Theo đó, tỷ lệ người tin rằng nền kinh tế Mỹ đang ở tình trạng yếu kém ở mức cao nhất kể từ năm 2012.

Theo Steve Hanke – giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học John Hopkins và thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan, ở một vài khía cạnh, chỉ số khốn khổ đang hiệu quả hơn trong việc dự đoán phản ứng về chính trị đối với nền kinh tế hơn là giải thích về thực trạng. 

Cùng số liệu trên và chỉ số khốn khổ ở mức 2 con số, đây thường là tin xấu đối với các nhà lãnh đạo chính trị. Các Tổng thống Gerald Ford, Jimmy Carter và George H. W. Bush đều là chỉ giữ cương vị trong 1 nhiệm kỳ, khi chỉ số khốn khổ đạt mức 2 con số trước cuộc bầu cử.

Song, tin tốt cho ông Biden là thời gian để nền kinh tế cải thiện vẫn còn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng lạm phát cao chỉ diễn ra trong thời gian ngắn do ảnh hưởng của đại dịch và có thể sẽ hạ nhiệt từ nay đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Tham khảo CNN

https://cafef.vn/thi-truong-lao-dong-tran-ngap-co-hoi-viec-lam-luong-tang-lien-tuc-tai-sao-dan-my-van-chan-nan-voi-nen-kinh-te-202202091035246.chn

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên