MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường lập đỉnh mới, hiệu suất hầu hết các quỹ tăng trưởng dương tháng 11

Hầu hết quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam đều ghi nhận hiệu suất dương trong tháng 11, trong đó PYN Elite Fund có hiệu suất cao nhất với 7,28%. Quỹ duy nhất có mức tăng trưởng âm trong tháng 11 là VOF Vinacapital với hiệu suất âm 3%. Tính từ đầu năm, VFMVN Diamond là quỹ có tỷ lệ sinh lời cao nhất và VNM ETF tiếp tục là quỹ có hiệu suất đầu tư thấp nhất thị trường.

Trước diễn biến tích cực của thị trường, phần lớn các quỹ đầu tư tại Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng qua. Trong đó, PYN Elite Fund có hiệu suất cao nhất với 7,28%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp quỹ có tỷ suất lợi nhuận vượt mức tăng của VN-Index.

Tại ngày 30/10, danh mục 10 khoản đầu tư giá trị lớn nhất của quỹ Phần Lan xuất hiện nhiều cái tên tăng mạnh vào tháng 11 vừa qua như HDB (tỷ trọng 8,2%) và CEO (tỷ trọng 2,3%). Trong đó, giá HDB từ 25.250 đồng/cp lên 30.500 đồng/cp, tương đương mức tăng 21%. CEO cũng tăng trưởng ấn tượng về giá khi gấp hơn 3 lần kể từ đầu tháng 11 lên 40.500 đồng/cp.

Đáng chú ý, phiên 29/11 ghi nhận lượng bán hơn 4,5 triệu cổ phiếu CEO của khối ngoại, trong khi chỉ mua vào hơn 58.000 cổ phiếu. Trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã liên tục bán ra cổ phiếu CEO với giá trị vài tỷ đến chục tỷ/phiên, theo đà tăng giá của mã này.

Trong cơ cấu cổ đông, PYN Elite Fund đang là cổ đông lớn nước ngoài duy nhất với tỷ lệ sở hữu 14,59%, xếp thứ hai sau Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình (27,4% cổ phần).

Vừa qua, ông Petri Deryng – Giám đốc đầu tư PYN Elite Fund đưa ra nhận định VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu 2.500 điểm cuối năm 2024 với mức P/E tương ứng 16,5 lần. Lý giải về việc nâng mục tiêu của chỉ số chung, người đứng đầu quỹ 566 triệu USD này cho rằng ngưỡng 1.800 trước đó được đặt ra ở thời điểm dữ trự ngoại hối của Việt Nam còn thấp và lãi suất trái phiếu Chính phủ ở mức 8%/năm.

Thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng đều đặn. Điều này có nghĩa rủi ro trong nước đã giảm đáng kể, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm xuống còn 2% và có thể dao động trong khoảng 3 – 4% trong những năm tới. Những yếu tố này cho phép định giá cao hơn cho chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ sẽ thúc đẩy nền kinh tế bằng một gói chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng giai đoạn 2022-2024 và các khu vực tư nhân có thể hưởng lợi từ tăng trưởng thu nhập cao hơn trong giai đoạn 2022 – 2024.

Thị trường lập đỉnh mới, hiệu suất hầu hết các quỹ tăng trưởng dương tháng 11 - Ảnh 1.

Quay trở lại danh sách các quỹ đầu tư hiệu quả nhất trong tháng 11, top 2 và 3 thuộc về VFMVSF thuộc Dragon Capital với hiệu suất 5,8% và SSIAM VNFin Lead của Chứng khoán SSI với tỷ suất sinh lời 5,7% .

Tháng qua, SSIAM VNFin Lead đã hút ròng 3,9 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng với hơn 85 tỷ đồng. Trong đó, ngày 23/11 ghi nhận lượng phát hành nhiều nhất với 2,5 triệu đơn vị.

Quỹ đóng Vietnam Holding có hiệu suất đầu tư ở mức 3,9%. Cuối tháng 10, danh mục quỹ gồm các mã FPT, MWG, KDH, VPB, VND… Hầu hết các cổ phiếu này đều tăng trưởng dương về giá trong tháng qua, riêng giá VND bứt phá 38,6%.

Quỹ duy nhất có mức tăng trưởng âm trong tháng 11 là VOF Vinacapital với âm 3%. Trong danh mục đầu tư cuối tháng 10, cổ phiếu HPG chiếm tỷ trọng lớn nhất 17,8%, song giá mã này đã giảm 14% trong tháng 11. Các cổ phiếu khác trong danh mục của quỹ như KDH, ACV, VHM… cũng ghi nhận mức giảm về giá vào tháng vừa rồi.

Nhìn chung trong tháng 11, hầu hết các quỹ ETF có tỷ suất sinh lời thấp hơn các quỹ chủ động. Trong đó, Fubon FTSE Vietnam ETF ghi nhận hiệu suất 2,65%. Tháng qua, quỹ bị rút ròng 30 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương hơn 432 tỷ đồng. Trong đó, lượng chứng chỉ quỹ bị rút nhiều nhất tại phiên 29/11 (7,5 triệu đơn vị) và 18/11 (6 triệu đơn vị). Tính chung từ tháng 8 đến nay, lượng vốn rút khỏi Fubon FTSE Vietnam ETF lên tới 125 triệu USD (khoảng 2.850 tỷ đồng), qua đó trở thành quỹ ETF bị rút vốn mạnh nhất thị trường trong cùng khoảng thời gian..

Trước khi bị rút vốn, Fubon FTSE Vietnam ETF từng giải ngân hơn 12.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7. Đáng chú ý, vào giữa tháng 8, Fubon FTSE Vietnam ETF đã được chấp thuận huy động thêm 5 tỷ Đài Tệ (khoảng 180 triệu USD) để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam. Tuy vậy, từ thời điểm đó tới nay, Fubon FTSE Vietnam ETF vẫn chưa thu hút được thêm vốn mới, thậm chí vẫn đang bị rút ròng mạnh.

VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) có hiệu suất 2%, các quỹ sử dụng tham chiếu VN30 như SSIAM VN30, MAFM VN30 ETF… ghi nhận tỷ suất lợi nhuận khoảng 0,2%, tương đương mức tăng của chỉ số.

Thị trường lập đỉnh mới, hiệu suất hầu hết các quỹ tăng trưởng dương tháng 11 - Ảnh 2.

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11, VFMVN Diamond là quỹ có tỷ lệ sinh lời cao nhất thị trường với hơn 67% nhờ danh mục các cổ phiếu cạn room. Tại thời điểm cuối tháng 10, quỹ thuộc Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) sở hữu danh mục gồm các mã như FPT, MWG, PNJ, NLG…

Theo sau là Vietnam Holding với hiệu suất 63%. SSIAM VNFin Lead ETF đứng top 3 trong danh sách các quỹ đầu tư hiệu quả nhất đang hoạt động tại thị trường Việt Nam với hiệu suất hơn 591% nhờ danh mục các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán.

Hầu hết các quỹ đầu tư chủ động đều có tỷ suất sinh lời cao hơn mức tăng của VN-Index (33,9%). Trong đó, quỹ 2,6 tỷ USD của Dragon Capital là Vietnam Enterprise Investment Limited đạt hiệu suất hơn 55%. VFMVSF cũng ghi nhận tăng trưởng 54% về lợi nhuận. Quỹ đến từ Phần Lan PYN Elite Fund cũng đạt tỷ suất đầu tư hơn 36%, cao hơn hiệu quả chung của thị trường nhờ kết quả đạt được trong tháng 9, 10 và 11.

Song vẫn tồn tại một số quỹ có hiệu suất đầu tư thấp hơn mức tăng của VN-Index là VOF VinaCapital (32,5%), FTSE Vietnam ETF (33%) và VNM ETF (18,7%). VNM ETF tiếp tục là quỹ có hiệu suất đầu tư thấp nhất thị trường tính từ đầu năm. Quỹ có quy mô gần 550 triệu USD, trong đó VIC và VHM chiếm lớn nhất trong danh mục quý III. Xét về giá, cổ phiếu VIC tăng nhẹ 9% và VHM tăng 25% so với đầu năm.

Theo Thảo Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên