Thị trường miền nam tăng mạnh, Traphaco báo lãi quý 3 tăng trưởng 39% so với cùng kỳ 2020
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 1.596 tỷ đồng doanh thu, 195,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt là 21,9% và 38,5%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu 3 quý đầu năm đạt 3.899 đồng, cao hơn so với 2.815 đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của Công ty cổ phần Traphaco (mã CK: TRA) công bố cho biết công ty tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, với 571 tỷ đồng doanh thu, 71 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 27% và 39% so với cùng kỳ.
Đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của Traphaco là hàng tự sản xuất. Chi phí lãi vay của Công ty giảm mạnh chỉ còn 1,3 tỷ đồng so với mức 2,8 tỷ đồng cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì ở mức 57 tỷ đồng tương đương năm ngoái, chi phí bán hàng tăng thêm 22 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng, trong bối cảnh quý 3 nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội đã làm phát sinh cước vận tải, chi phí xét nghiệm, phòng chống dịch…
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 1.596 tỷ đồng doanh thu, 195,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt là 21,9% và 38,5%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu 3 quý đầu năm đạt 3.899 đồng, cao hơn so với 2.815 đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Traphaco đã gia tăng chủ động nguồn nguyên liệu bằng cách tăng mạnh khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn, nợ dài hạn đã giảm từ 44,5 tỷ đồng đầu kỳ xuống 17,8 tỷ đồng cuối kỳ. Trong cơ cấu vốn chủ của Traphaco có đến 419 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 221 tỷ đồng.
Trong Quý 3 vừa qua, nhờ việc nỗ lực phòng chống dịch của Chính phủ và chương trình cấp phát Túi thuốc an sinh cho F0 điều trị tại nhà của Bộ Y tế, đã mang lại những tín hiệu khả quan, "bình thường mới" được thiết lập ở nhiều tỉnh thành. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dần khôi phục các hoạt động sản xuất, giao thương như trước dịch.
Thực tế này, theo nhận xét của đại diện Traphaco, mở ra cơ hội thị trường nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp dược khi một mặt cần đáp ứng lượng hàng hóa lớn phục vụ người dân một mặt cần duy trì giá bán ổn định trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng mạnh gần đây.
Ví dụ, nhu cầu sử dụng thuốc sát khuẩn họng vẫn cao ngay cả khi tình hình dịch đã qua đỉnh căng thẳng. Dây chuyền sản xuất T-B Fresh của Traphaco, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, đã chạy tối đa công suất 72.000 chai/ngày, thực hiện sản xuất 3 ca/ngày từ quý 2.
Ngoài việc gia tăng hàng tự sản xuất an toàn, một thách thức lớn khác với các doanh nghiệp dược là không để đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc trong bối cảnh vận chuyển, đi lại khó khăn trong đại dịch, nhiều rủi ro về nhiễm bệnh với các trình dược viên, nhân viên giao hàng…Chuỗi phân phối của Traphaco với quy mô 28.000 nhà thuốc trên toàn quốc nhờ áp dụng công nghệ từ trước và có được kho dữ liệu lớn xây dựng gần 6 năm, có thể dự báo được mức độ các khu vực bị ảnh hưởng doanh số, mức độ tồn hàng tại mỗi nơi để có phương án luân chuyển hàng tới khu vực có nhu cầu cao, không để tình trạng kệ trống thuốc. Đặc biệt, góp phần đảm bảo chuỗi sản xuất - bán hàng thông suốt, không bị đứt gẫy bất cứ thời điểm nào, khu vực nào trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng đỉnh điểm như quý 3 vừa qua.
Với nhiều nỗ lực như vậy, quý 3 năm nay, Traphaco tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, trong đó doanh số thị trường miền Nam tăng trưởng tới 67%.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị