MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường năm 2018 dưới góc nhìn các công ty chứng khoán

Đa phần các công ty chứng khoán đều lạc quan về thị trường năm 2018. Động lực đến từ sự quyết liệt thoái vốn, IPO doanh nghiệp Nhà nước, cơ hội nâng hạng thị trường và đà tăng trưởng kinh tế.

MBS: Không còn rẻ nhưng vẫn tăng trưởng nhờ nguồn vốn dồi dào

CTCK MBS nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng GDP 6,81% trong năm 2017 và kỳ vọng duy trì mức 6,75% trong 2018. Năm nay là năm cao điểm với kế hoạch cổ phần hóa 64 DNNN và thoái vốn Nhà nước. Tính cả số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 có 70 đơn vị. Theo kế hoạch, tổng số vốn dự kiến thoái từ 2017-2020 theo mệnh giá là 64.457 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 thoái 135 doanh nghiệp, 2018 thoái 181 doanh nghiệp, 2019 thoái vốn 62 doanh nghiệp và 2020 thoái vốn 28 doanh nghiệp. Quá trình thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa tại các doanh nghiệp là tất yếu để bù đắp thâm hụt ngân sách và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Năm qua, hưởng lợi từ dòng vốn rẻ chảy vào thị trường cổ phiếu, TTCK toàn cầu đều tăng mạnh, trong đó Việt Nam cũng nằm trong nhóm các thị trường tăng trưởng vượt trội với tốc độ tăng trưởng trên 40%. MBS nhận định, TTCK Việt Nam về mặt định giá không còn rẻ song khả năng tăng trưởng vẫn tiếp diễn nhờ động lực về nguồn vốn dồi dào và thị trường chứng khoán Việt Nam mới đang ở giữa chu kỳ tăng trưởng.

Theo đó, cơ hội đầu tư nhắm đến các tiêu điểm (1) nhóm cổ phiếu mới chuẩn bị niêm yết; (2) nhóm cổ phiếu doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa; (3) nhóm cổ phiếu thoái vốn Nhà nước; (4) các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành và có tốc độ tăng lợi nhuận cao.

VDSC: VN-Index 2018 rơi vào khoảng 1.151 – 1.170 điểm

CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng các thương vụ thoái vốn hay IPO lớn thực hiện thành công cuối năm 2017 và đầu 2018 đã kéo theo một lượng vốn đầu tư lớn vào thị trường, thanh khoản và vốn hóa thị trường dự đoán tăng trưởng mạnh trong năm 2018.

Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng tốt là điểm tựa để thị trường duy trì xu hướng tăng. Thêm vào đó, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước sau IPO được kỳ vọng sẽ hiệu quả và minh bạch hơn cũng là điểm sáng mà thị trường có thể trông chờ.

Nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo chuẩn MSCI hỗ trợ dài hạn cho thị trường. Câu chuyện này được nhắc lại ngày một nhiều, nhất là trong năm 2017 thị trường nhận dòng vốn đầu tư từ nước ngoài khổng lồ. Nếu những thay đổi diễn ra tích cực thì việc được đưa vào danh sách theo dõi có thể kỳ vọng vào giữa năm 2019 và sẽ mất thêm 2 năm để TTCK Việt Nam chính thức nằm trong nhóm các thị trường mới nổi.

Thị trường kỳ vọng tích cực nhưng vẫn có những rủi ro nhất định dẫu không thực sự quá lớn để đảo chiều hoàn toàn xu thế trong năm 2018. Một vài rủi ro có thể đề cập đến như rủi ro từ các vụ việc xử lý các sai phạm quản lý doanh nghiệp Nhà nước; sự trì trệ của hoạt động thoái vốn, niêm yết các DN Nhà nước; độ biến động trong phiên đang tăng, chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất phiên ngày một mạnh, tăng dần trong giai đoạn 2 quý cuối năm 2017 và đang ở ngay mức bình quân 1,3% kể từ năm 2010; cuối cùng, những biến động địa – chính trị trong khu vực và quốc tế cũng có thể tác động đến thị trường.

Năm 2018 là năm thứ ba mà Chính phủ nhiệm kỳ mới thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm (2016 – 2020), trong đó cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh là những trọng điểm được ưu tiên. Trong giai đoạn đặc trưng như trên, VDSC cho rằng thị trường chứng khoán, với vai trò là phong vũ biểu của nền kinh tế, sẽ là kênh đầu tiên phản ánh những chuyển động tích cực. Theo đó, 2018 vẫn là năm khả quan cho TTCK Việt Nam, không chỉ dựa vào dòng vốn từ NĐT nước ngoài mà tỷ suất sinh lợi khoảng 48% của VN-Index trong năm 2017 khiến TTCK trở nên hấp dẫn để lôi kéo kênh tiền gửi tiết kiệm gia nhập thị trường. Đây sẽ là lực cầu đối ứng hấp thụ nguồn cung cổ phiếu vào TTCK, dự báo cũng tăng mạnh không kém trong năm 2018, bao gồm nhóm doanh nghiệp Nhà nước IPO, niêm yết mới, và phát hành thêm.

Tổng kết lại, VDSC cho rằng vùng điểm hợp lý của VN-Index cho năm 2018 sẽ rơi vào khoảng 1.151 – 1.170 điểm.

MBKE: VN-Index sẽ tăng xấp xỉ năm 2017

Thị trường năm 2018 dưới góc nhìn các công ty chứng khoán - Ảnh 1.

Theo CTCK MBKE, có nhiều lý do để tin tưởng lớn vào triển vọng của thị trường trong năm 2018, xu hướng tăng trung hạn vẫn phát triển trong 12 tháng tới và mức độ tăng điểm của VN-Index có thể xấp xỉ những gì đã làm được trong năm 2017.

Có 4 nhân tố chính tạo nền tảng cho triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2018.

Thứ nhất với kết quả tăng trưởng đã tạo lập năm vừa qua, MBKE đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình từ giai đoạn hồi phục sang tăng tốc bứt phá mạnh mẽ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao, lạm phát được kiểm soát khá tốt, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá được điều hành chủ động. Hơn nữa, trong nửa cuối năm 2017, việc Chính phủ thực hiện một chính sách tiền tệ linh hoạt theo hướng hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng là một lợi điểm quan trọng cho TTCK Việt Nam.

Thứ hai, năm 2018 là cao điểm của IPO, cơ cấu, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Đã không còn là “chỉ đạo hình thức”, những bước đi trong năm 2017 cho thấy rõ chuyển biến mạnh trong cơ cấu lại, thoái vốn và đốc thúc thực hiện niêm yết tại các doanh nghiệp Nhà nước. Cùng với các đợt IPO lớn sẽ diễn ra trong năm 2018, lộ trình thoái vốn tại các DNNN cũng được kỳ vọng sẽ diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn. Qua đó giúp kích thích mạnh hơn dòng vốn ngoại tham gia vào TTCK Việt Nam cũng như giúp cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh tại các công ty hậu thoái vốn.

Thứ ba, năm 2018 cũng là giai đoạn chuẩn bị quan trọng cho mục tiêu nâng hạng thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã “đi trước một bước” trong đón đầu khả năng thăng hạng dành cho TTCK Việt Nam trong năm 2017 và điều này khả năng cao sẽ tiếp diễn trong năm 2018.

Cuối cùng, sự cải thiện mạnh hơn nữa trong tình hình kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trên sàn. Theo dự báo của MBKE, triển vọng sáng nhất cho năm 2018 bao gồm các ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng. Ngoài ra, ở mức trung lập hơn, ngành dầu khí có thể lạc quan theo sự phục hồi của theo giá dầu.

BSC: Tích cực nửa đầu năm, nửa cuối năm diễn biến phức tạp

Theo báo cáo chiến lược TTCK Việt Nam năm 2018, CTCK BIDV (BSC) dự báo VN-Index có kịch bản giá từ 785 điểm đến 1.053 điểm cuối năm 2018, thị trường có thể thiết lập vùng giá cao trong quý II tại 1.165 điểm. Về diễn biến thị trường năm 2018, xu hướng tăng điểm mạnh kéo dài cho đến khoảng nửa đầu năm 2018 trong khi 6 tháng cuối năm thì phức tạp phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn ngoại.

Những thông tin hỗ trợ đà tăng 6 tháng đầu năm gồm xu thế vận động giá tích cực, đang tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút dòng vốn mới từ khối ngoại và khối nội; từ tháng 3-5, thị trường có nhiều thông tin hỗ trợ về ĐHĐCĐ thường niên, KQKD năm 2017 và triển vọng năm 2018; thời điểm diễn ra các phiên đấu giá hoặc niêm yết của các cổ phiếu được thị trường quan tâm; thông tin tốt về vĩ mô năm 2017, định hướng chính sách 2018 đồng thời thị trường thường có hiệu ứng tốt sau kỳ nghỉ Lễ Tết.

Còn 6 tháng cuối năm là giai đoạn kiểm định, thị trường đối mặt những yếu tố thực tại như tăng trưởng kinh tế, KQKD của các doanh nghiệp và thiếu thông tin hỗ trợ cho nên diễn biến thị trường phức tạp. Xu hướng phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngoại và thông tin hỗ trợ.

Xét về dòng tiền, BSI cho rằng sau chu kỳ tăng giá mạnh, nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường đã có mức định giá khá cao, phần nào làm hạn chế triển vọng tăng trưởng thị trường năm 2018, xu hướng đầu tư có thể chuyển dịch một phần sang hoạt động đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn. Các cổ phiếu này cùng với nhóm cổ phiếu Ngân hàng niêm yết mới sẽ là động lực mới cho thị trường duy trì đà tăng giá.

Quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết năm 2018 dự đoán tăng lên 150-160 tỷ USD, đưa mức vốn hóa thị trường lên 73-75% GDP nhờ làn sóng cổ phần phần hóa, niêm yết mới và thoái vốn nhà nước được đẩy mạnh trong 2018. Thanh khoản bình quân dự báo đạt 272 triệu USD/phiên, tăng 25% so với giá trị năm 2017.

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên