MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường năng lượng có đợt giảm giá mạnh nhất trong 6 tuần

19-06-2016 - 08:39 AM | Thị trường

Việc giá dầu kỳ hạn đi lên trong phiên cuối tuần đã chấm dứt xu hướng giảm giá bao trùm thị trường năng lượng trong tuần qua, hưởng lợi nhờ đồng USD yếu và nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào 23/6 tới.

Xu hướng bán tháo đã diễn ra trên thị trường dầu mỏ trong suốt tuần giữa bối cảnh tình trạng dư cung vẫn đeo bám và nhu cầu “vàng đen” trên thế giới còn khá ảm đạm, trong khi đó, tình hình bất ổn ngày một tăng liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh vào tuần tới đã làm dấy lên tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo các kho dự trữ dầu khổng lồ sẽ cản trở đà tăng của giá “vàng đen” khi giá mặt hàng này rời khỏi mức đỉnh tính từ đầu năm tới nay (khoảng 51 USD/thùng) đạt được hồi đầu tháng trước.

Mặt khác, số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tại các kho dự trữ thương mại của nước này đã giảm khoảng 900.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/6 xuống còn 531,5 triệu thùng, song vẫn là một mức cao. Trong khi đó, các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg dự báo một mức giảm lớn hơn, khoảng 2,33 triệu thùng.

Tâm lý nhà đầu tư càng dè dặt sau khi có thông tin tính tới ngày 17/6, số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động tại Mỹ đã tăng 9 giàn so với tuần trước đó, lên 337 giàn khoan, theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes.

Giới quan sát đánh giá việc cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU - hay còn gọi là kịch bản Brexit - trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ không tác động trực tiếp đến giá dầu mỏ, tuy nhiên thị trường năng lượng nói chung sẽ không tránh khỏi những hệ lụy.

Sự hỗn độn trên các thị trường thế giới, nếu Brexit thành hiện thực, có thể giảm nhu cầu đối với các kênh đầu tư đầy rủi ro, như cổ phiếu hay hàng hóa, cũng như nhu cầu năng lượng. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, như đồng euro hay đồng bảng, sẽ gây sức ép giảm giá đối với dầu mỏ - mặt hàng được giao dịch bằng đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, việc London tạm hoãn các chiến dịch vận động liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý sau sự việc một nữ nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập Anh Jo Cox đã bị bắn chết khi chuẩn bị tiếp xúc cử tri để vận động nước Anh ở lại EU đã dấy lên kỳ vọng rằng tỷ lệ người dân Anh phản đối Brexit sẽ tăng lên.

Đồng thời, đồng USD yếu đi trong phiên cuối tuần đã góp phần hỗ trợ giá dầu, sau khi cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cùng quyết định duy trì chính sách lãi suất hiện hành do lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới.

Cụ thể, khép lại phiên 17/6, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2016 tăng 1,77 USD, tương đương 3,8%, lên 47,98 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2016 cũng ghi thêm 1,98 USD, hay 4,2%, và đóng cửa phiên ở mức 49,17 USD/thùng.

Nhưng tính chung cả tuần giá dầu ngọt nhẹ WTI hạ 2,2% và là tuần ghi dấu tuần giảm mạnh nhất của dầu WTI kể từ phiên 6/5. Còn giá dầu Brent cũng ghi nhận tuần giảm lớn nhất trong vòng 6 tuần khi mất 2,7% trong tuần vừa qua.

Theo Mai Ly

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên