Thị trường ngày 03/9: Giá dầu và vàng cùng lao dốc
Chốt phiên giao dịch ngày 2/9, giá dầu, vàng, đồng, đường, cà phê và lúa mì đồng loạt giảm, bạch kim thấp nhất gần 2 tuần, trong khi quặng sắt cao nhất 2 tuần, thiếc cao nhất hơn 1 năm.
- 01-09-2020Thị trường ngày 01/9: Giá vàng, quặng sắt, thép… đồng loạt tăng, cà phê cao nhất 8 tháng
- 29-08-2020Thị trường ngày 29/8: Giá vàng đảo chiều tăng hơn 2%, quặng sắt, thép, cao su đồng loạt tăng cao
- 25-07-2020Thị trường ngày 25/7: Giá vàng vượt 1.900 USD/ounce, dầu tăng trở lại, bạc tăng mạnh nhất 33 năm
Giá dầu giảm hơn 2%
Giá dầu giảm hơn 2% do nhu cầu xăng tại Mỹ trong tuần gần nhất giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/9, dầu thô Brent giảm 1,15 USD tương đương 2,5% xuống 44,43 USD/thùng, sau 2 phiên tăng liên tiếp. Dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,25 USD tương đương 2,9% xuống 41,51 USD/thùng.
Giá dầu chịu áp lực giảm sau khi số liệu hàng tuần của chính phủ cho thấy rằng, nhu cầu xăng giảm so với tuần trước đó. Nhu cầu xăng trong tuần giảm xuống 8,78 triệu thùng/ngày so với mức 9,16 triệu thùng/ngày tuần trước đó.
Mặc dù, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đó giảm 9,4 triệu thùng xuống 498,4 triệu thùng, giảm mạnh hơn so với dự kiến của các nhà phân tích giảm 1,9 triệu thùng.
Giá khí tự nhiên tiếp đà giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 1 tuần, do thời tiết mát hơn bình thường sau khi mưa lớn bởi cơn bão Laura, khiến nhu cầu điều hòa giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn New York giảm 4,1 US cent tương đương 1,6% xuống 2,486 USD/mmBTU, trong đầu phiên giao dịch chạm 2,415 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ ngày 27/8/2020.
Nhu cầu khí tự nhiên của Mỹ dự kiến sẽ giảm do thời tiết mát hơn, giảm từ 85,3 tỉ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tuần này xuống 83,8 bcfd trong tuần tới, Refinitiv cho biết.
Giá vàng giảm hơn 1,5%, bạch kim thấp nhất gần 2 tuần
Giá vàng giảm giảm hơn 1,5% do đồng USD tăng và lĩnh vực sản xuất của Mỹ hồi phục mạnh, dấy lên kỳ vọng nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi virus corona hồi phục.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,6% xuống 1.939,66 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 1,7% xuống 1.944,7 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng khoảng 27%.
Đồng USD tăng 0,5%, hồi phục từ mức thấp nhất hơn 2 năm trong phiên trước đó.
Các đơn đặt hàng mới sản xuất tại Mỹ trong tháng 7/2020 tăng nhanh hơn so với dự kiến, trong khi số liệu sản xuất của Mỹ cho thấy hoạt động trong tháng 8/2020 tăng lên mức cao nhất gần 2 năm, làm gia tăng kỳ vọng về sự phục hồi vững chắc.
Đồng thời, giá bạch kim giảm 4,2% xuống 901,62 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất gần 2 tuần.
Giá đồng giảm trở lại, nickel tăng, thiếc cao nhất hơn 1 năm
Giá đồng giảm trở lại từ mức cao nhất 2 năm, sau số liệu thất vọng về bảng lương của Mỹ, dấy lên mối hoài nghi về sự phục hồi nền kinh tế khi đồng USD tăng.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,01% xuống 6.686,5 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 trong phiên trước đó.
Giá đồng giảm sau số liệu cho biết, các công ty tư nhân của Mỹ trong tháng 8/2020 thuê ít lao động hơn dự kiến trong tháng thứ 2 liên tiếp, điều này cho thấy thị trường lao động phục hồi chậm chạp. Số việc làm tại Mỹ tăng lên 428.000, giảm 1/2 so với dự kiến của các nhà kinh tế.
Giá nickel trên sàn London tăng phiên thứ 8 liên tiếp, tăng 0,8% lên 15.665 USD/tấn.
Fitch Solutions nâng dự báo giá nickel trung bình giao sau 3 tháng trên sàn London trong năm 2020 lên 13.500 USD/tấn, so với mức 13.250 USD/tấn dự báo trước đó.
Giá thiếc trên sàn London tăng 0,9% lên 18.350 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2019.
Giá quặng sắt cao nhất 2 tuần, thép cây tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng, được thúc đẩy bởi kỳ vọng sản lượng thép và nhu cầu tại Trung Quốc tăng, trong bối cảnh triển vọng hoạt động kinh tế toàn cầu được cải thiện.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 1,1% lên 854,5 CNY (125,21 USD)/tấn, tăng phiên thứ 5 liên tiếp, trong phiên có lúc đạt 850 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 20/8/2020.
Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Singapore tăng 1,3% lên 121,1 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc – nơi chiếm hơn 1/2 sản lượng thép thế giới – tăng vọt lên 100 USD/tấn kể từ cuối tháng 5/2020, đạt mức cao đỉnh điểm trong tháng 8/2020 do nhu cầu nội địa tăng mạnh, được thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực xây dựng tăng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,1%, trong khi giá thép cuộn cán nóng và thép không gỉ không thay đổi.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE giảm 0,1 US cent tương đương 0,1% xuống 1,313 USD/lb, giảm nhẹ từ mức cao nhất 8 tháng (1,327 USD/lb) trong phiên trước đó.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London giảm 23 USD tương đương 1,6% xuống 1.440 USD/tấn.
Giá đường giảm
Giá đường giảm do đồng USD tăng mạnh.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE giảm 0,16 US cent tương đương 1,3% xuống 12,44 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 3,4 USD tương đương 0,9% xuống 359,1 USD/tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo sản lượng đường tại Ấn Độ sẽ tăng lên 31,5 triệu tấn niên vụ 2020/21, tăng so với 27,2 triệu tấn niên vụ trước.
Cơ quan nhà nước Pakistan, Tổng công ty thương mại Pakistan (TCP) đã ban hành 1 đợt đấu thầu quốc tế mới mua 100.000 tấn đường trắng.
Giá đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương tại Mỹ tăng khi Trung Quốc đẩy mạnh mua các lô hàng của Mỹ, trong khi giá lúa mì giảm do hoạt động bán ra chốt lời sau khi tăng lên mức cao nhất 5 tháng.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 5-3/4 US cent xuống 5,58-1/4 USD/bushel, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 1/4/2020 trong phiên trước đó. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 7-1/4 US cent lên 9,62 USD/bushel, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 trong ngày 31/8/2020. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 3/4 US cent lên 3,58-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ tăng phiên thứ 5 liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 5 liên tiếp do đồng ringgit suy yếu, song xuất khẩu dầu cọ của nước này trong tháng 8/2020 suy giảm đã hạn chế đà tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 25 ringgit tương đương 0,9% lên 2.809 ringgit (678,01 USD)/tấn, sau khi giảm 0,65% trong đầu phiên giao dịch.
Trong phiên trước đó, giá dầu cọ tăng 3,2% lên mức cao nhất gần 7 tháng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 03/9