MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 04/3: Vàng bật tăng hơn 3% sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed, giá dầu lại giảm

04-03-2020 - 07:23 AM | Thị trường

Cục dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi tác động của virus corona khiến giá vàng tăng vọt hơn 3%, dầu cũng tăng nhưng sau đó đảo chiều kết thúc phiên giảm nhẹ, đồng giảm từ mức cao nhất một tuần.

Dầu diễn biến trái chiều: Brent tăng, WTI giảm

Giá dầu Brent kết thúc phiên giảm nhẹ theo áp lực từ sự sụt giảm trong chứng khoán, nhưng đà giảm là nhẹ do các nhà sản xuất hàng đầu thế giới đã xem xét cắt giảm sản lượng thêm để hỗ trợ giá và Cục dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất trong một động thái khẩn cấp để bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi ảnh hưởng của virus corona.

Dầu thô đã giảm từ đầu năm tới nay do lo sợ virus corona có thể giảm nhu cầu toàn cầu. Dầu thô Brent đã giảm 21% và dầu thô Mỹ giảm gần 23%.

Những nỗ lực kích thích kinh tế Mỹ của Fed và việc cắt giảm sản lượng dự định của OPEC đã ngăn cản đà giảm của dầu, khi khối lượng lớn được giao dịch.

Chốt phiên 3/3, dầu thô Brent giảm 4 US cent xuống 51,86 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 43 US cent lên 47,18 US cent/thùng.

Giá dầu đã tăng mạnh sau khi Fed giảm lãi suất, dầu Brent đã đạt mức cao nhất trong phiên tại 53,9 USD/thùng, dầu WTI chạm 48,66 USD/thùng. Nhưng giá đã sụt giảm sau đó do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Ngân hàng trung ương tuyên bố đã cắt giảm lãi suất khoảng nửa điểm phần trăm đã hỗ trợ giá dầu trong thời gian ngắn, nhưng các nhà giao dịch coi động thái của Fed như một dấu hiệu cho thấy tình hình nghiêm trọng hơn suy nghĩ.

Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria cho biết tổ chức OPEC và các nhà sản xuất đồng minh gồm cả Nga sẽ xem xét giảm sản lượng dầu đáng kể để nâng giá dầu. Một số thành viên OPEC đang cân nhắc cắt giảm sản lượng có thể là 1 triệu thùng/ngày.

Theo thăm dò của Reuters, dự trữ dầu thô tại Mỹ, nhà sản xuất và tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, dự kiến tăng 3,3 triệu thùng, tăng tuần thứ 6 trong khi tồn kho sản phẩm đã lọc dự báo giảm.

Khí tự nhiên tăng khi Fed giảm lãi suất

Khí tự nhiên của Mỹ tăng phiên thứ 2 sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi tác động của virus corona.

Giá khí tăng bất chấp dầu thô giảm sau đó, các dự báo thời tiết ấm hơn và nhu cầu khí thấp hơn trong hai tuần tới so với dự kiến ban đầu.

Khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4 trên sàn giao dịch New York tăng 4,4 US cent hay 2,5%, đóng cửa tại 1,8 USD/mmBtu.

Vàng tăng hơn 3%

Giá vàng tăng hơn 3% sau khi ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế từ những tác động bởi virus corona, đồng thời hy vọng các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách.

Vàng giao ngay trên sàn giao dịch LBMA tăng 2,9% lên 1.636,25 USD/ounce, thiết lập ngày tăng mạnh nhất theo phần trăm kể từ tháng 6/2017. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 3,1% lên 1.644,4 USD/ounce.

Vàng trước đó đã tăng khoảng 3,3% sau khi Fed cắt giảm lãi suất trong một động thái khẩn cấp để bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ số USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt.

Quyết định của Fed diễn ra sau khi các quan chức Tài chính G7 cho biết họ sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách phù hợp để hỗ trợ kinh tế chống lại nguy cơ suy giảm do dự lây lan nhanh chóng của virus corona.

Đồng giảm bất chấp Fed cắt giảm lãi suất

Đồng thoái lui từ mức cao nhất hơn một tuần, bất chấp tin tức Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp và kỳ vọng có thêm kích thích kinh tế chi tiêu. Động thái cắt giảm lãi suất khẩn cấp của Fed là lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm 0,6% xuống 5.665 USD/tấn sau khi chạm 5.780,5 USD, cao nhất kể từ ngày 21/2.

Capital Economics dự báo sự phục hồi trong nửa cuối năm nay sẽ đẩy giá đồng LME lên 6.200 USD vào cuối năm 2020.

Hội nghị đồng thế giới CRU tại Tuần lễ Santiago và Cesco nằm trong số các cuộc họp mặt lớn nhất của các nhà khai thác đồng, đã bị hủy bỏ do lo ngại về rủi ro du lịch liên quan đến sự bùng phát của virus corona.

Quặng sắt Trung Quốc tăng, quặng sắt tại Singapore sụt

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục tăng do hy vọng chính phủ hỗ trợ nền kinh tế trong nước bị thiệt hại bởi virus corona và sau khi Brazil báo cáo xuất khẩu nguyên liệu thô sản xuất thép trong tháng 2 giảm 17,5% so với một tháng trước.

Hợp đồng quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 0,9% lên 644,5 CNY (92,37 USD)/tấn sau khi tăng khoảng 4,2% trong đầu phiên giao dịch này.

Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới đã ghi nhận hoạt động sản xuất sụt giảm mạnh nhất trong tháng 2 do sự bùng phát của virus corona.

Một chính sách tài chính và tiền tệ tích cực được hỗ trợ từ chính phủ có thể gây ra sự phục hồi trong nhu cầu thép trong nước, vốn bị suy yếu bởi đợt nghỉ Tết kéo dài và các biện pháp kiềm chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, quặng sắt kỳ hạn trên sàn giao dịch Singapore đã xóa hết mọi gia tăng ban đầu, giảm 0,8% xuống 85,37 USD/tấn trong phiên giao dịch buổi chiều bởi hy vọng các biện pháp kích thích rõ ràng từ G7 chống lại ảnh hưởng của sự bùng phát virus corona đối với nền kinh tế đã phai mờ.

Xuất khẩu quặng sắt của nhà cung cấp hàng đầu Brazil đạt tổng cộng 22,1 triệu tấn trong tháng 2, so với 26,79 triệu tấn trong tháng trước đó và 28,93 triệu tấn trong tháng 2/2019.

Theo SteelHome, quặng sắt nhập khẩu trữ tại các cảng của Trung Quốc đã giảm 3% trong năm nay và 13% từ một năm trước.

Thị trường ngày 04/3: Vàng bật tăng hơn 3% sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed, giá dầu lại giảm - Ảnh 1.

Cao su tại Tokyo tăng 1% theo giá Thượng Hải

Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng gần 1% trong phiên qua, bởi giá tại Thượng Hải tăng.

Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 1,5 JPY hay 0,9% lên 174 JPY/kg. Giá cao su tại Thượng Hải tăng 0,7% lên 11.010 CNY/tấn.

Cà phê cao nhất 7 tuần

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 6,6 US cent hay 5,7% lên 1.222 USD/lb, thiết lập mức cao nhất 7 tuần. Các đại lý cho biết thị trường được thúc đẩy bởi nguồn cung thiếu hụt cà phê arabica chất lượng cao.

Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết "trong khi cà phê đủ để đáp ứng yêu cầu hiện nay, nhưng mối lo ngại ngày càng tăng về sự sẵn có của cà phê arabica chất lượng". Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm gần 8% trong tháng 1 so với cùng tháng năm trước.

Các đại lý cho biết tâm lý trong dài hạn cũng được thúc đẩy bởi nguy cơ thiếu hụt cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021/2022, năm cho sản lượng thấp trong chu kỳ 2 năm một lần của Brazil.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 40 USD hay 3,1% lên 1.331 USD/tấn.

Đường giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,05 US cent hay 0,4% xuống 13,76 US cent/lb sau khi thiết lập mức thấp nhất 7 tuần tại 13,62 US cent.

Các đại lý lo ngại rằng các quỹ có thể tiếp tục giảm vị thế mua ròng đang hạn chế giá. Tuy nhiên, thị trường vẫn củng cố bởi nguồn cung hạn hẹp với thiếu hụt đáng kể trên toàn cầu trong niên vụ 2019/2020.

Đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 2,7 USD hay 0,7% xuống 389,2 USD/tấn.

Nhu cầu thị trường Trung Quốc yếu đã hạn chế giá rau tăng

Chỉ số tuần giá rau ở Shouguang đạt 178,10 điểm trong tuần từ ngày 17/2 đến ngày 23/2, sụt giảm nhẹ so với chỉ số 178,70 trong tuần trước đó.

Có một số lý do khiến nhu cầu thị trường yếu là tình trạng đặc biệt ở Trung Quốc, nơi đặt ra giới hạn tăng của giá rau, ngoài ra thời tiết thuận lợi và nhiệt độ tăng cao, có lợi cho việc sản xuất rau. Khối lượng rau đang tăng lên và nguồn cung dồi dào đánh dấu khởi đầu của việc giảm giá theo mùa. Hơn nữa một số khu vực sản xuất tại miền nam Trung Quốc đang đến giai đoạn cuối mùa, nghĩa là chất lượng rau đang giảm. Giá rau kém chất lượng giảm làm giá rau trung bình cũng giảm.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 04/3

Thị trường ngày 04/3: Vàng bật tăng hơn 3% sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed, giá dầu lại giảm - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên