MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 09/10: Dầu đảo chiều leo dốc hơn 3%, vàng và nhiều hàng hóa khác đồng loạt tăng cao

09-10-2020 - 07:00 AM | Thị trường

Chốt phiên giao dịch đêm qua giá dầu leo dốc hơn 3% do khả năng giảm nguồn cung, vàng và cao su cùng tăng do hy vọng kích thích kinh tế của Mỹ trong khi đó giá gạo Thái Lan giảm tuần thứ 6 liên tiếp.

Dầu tăng do cắt giảm nguồn cung

Giá dầu tăng trên 43 USD/thùng được hỗ trợ từ việc đóng cửa sản xuất trước một cơn bão tại Vịnh Mexico ở Mỹ và khả năng giảm nguồn cung từ Saudi Arabia và Na Uy.

Đóng cửa phiên 8/10, dầu thô Brent tăng 1,35 USD hay 3,2% lên 43,34 USD/thùng sau khi giảm 1,6% trong phiên trước đó. Dầu thô WTI tăng 1,24 USD hay 3,1% lên 41,19 USD.

Dầu cũng được hỗ trợ từ khả năng tình trạng thiếu hụt sản xuất tại Biển Bắc do công nhân đình công. Các công ty dầu mỏ và người lao động cho biết họ sẽ họp nhóm với một người hòa giải do nhà nước chỉ định vào ngày thứ sáu (9/10), với hy vọng chấm dứt cuộc đình công có nguy cơ làm giảm sản lượng dầu và khí của Na Uy khoảng 25%.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã bị thách thức bởi sản lượng đang gia tăng của Libya, một thành viên OPEC được miễn trừ cắt giảm sản lượng, cũng như số ca nhiễm virus corona tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Thị trường cũng được hỗ trợ từ cơn bão Delta, dự báo sẽ mạnh lên thành cơn bão cấp 3 ở Bờ Vịnh, sản lượng đã bị giảm gần 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Vàng tăng do không chắc chắn về bầu cử ở Mỹ, hy vọng về kích thích kinh tế

Giá vàng tăng trong phiên qua do tình trạng không chắc chắn về bầu cử tổng thống Mỹ và đặt cược rằng gói kích thích mới sẽ thúc đẩy lạm phát.

Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.889,5 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,2% lên 1.895,1 USD/ounce.

Người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết nhu cầu tài sản rủi ro tăng khá mạnh, đồng USD mạnh lên đang gây sức ép, kỳ vọng lạm phát đang hỗ trợ giá vàng.

Hạn chế đà tăng của vàng, các chỉ số chính của Phố Wall tăng lên mức cao nhất một tháng do hy vọng về kích thích tài chính mới, ngay cả khi sự phục hồi trong thị trường lao động đang khó lấy được đà tăng. Số liệu cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp mới ở Mỹ giảm trong tuần trước nhưng con số vẫn ở mức cao.

Vàng tăng 24% từ đầu năm tới nay, do chính phủ và ngân hàng trung ương tung ra các gói kích thích chưa từng có để vực dậy nền kinh tế.

Nhôm lên mức cao nhất 3 tuần

Giá nhôm trên sàn giao dịch kim loại London đạt mức cao nhất trong 3 tuần, được thúc đẩy bởi dự đoán nhu cầu vững và những dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn.

Nhôm giao sau ba tháng trên sàn giao dịch LME tăng 1,3% lên 1.806 USD/tấn sau khi chạm mức 1.808 USD trong phiên, cao nhất kể từ ngày 15/9.

Kim loại này đã phục hồi từ mức thấp 1.455 USD hồi tháng 4, khi virus corona chủng mới lây lan trên toàn cầu, nhưng giá thấp hơn mức cao hồi tháng 1.

Nhà phân tích độc lập Robin Bhar cho biết nhu cầu tốt hơn và tinh thần lạc quan hơn, mặc dù nguồn cung dư thừa, nhưng sự dư thừa đang bị chặn đứng trong các giao dịch tài chính.

Đồng giao ngay thấp hơn 12,8 USD so với đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME, thấp nhất kể từ tháng 3, giảm từ mức 37 USD một tuần trước, cho thấy nguồn cung trong ngắn hạn bị hạn chế.

Dự trữ nhôm trên sàn LME ở mức 1,1 triệu tấn, giảm từ gần 1,5 triệu tấn trong tháng 6, nhưng trên mức bình thường khoảng 800.000 tấn trong năm 2018 và 2019.

Cao su Nhật Bản lên mức cao nhất trong 5 tuần

Giá cao su của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần do hy vọng về thỏa thuận một phần với gói kích thích của Mỹ trong khi JPY yếu hơn cũng hỗ trợ giá.

Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch Osaka (OSE) giao tháng 3/2021 đóng cửa phiên tăng 3,3 JPY hay 1,8% lên 191,4 JPY (1,81 USD)/kg. Giá đã tăng lên 192,3 JPY trong phiên này, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 3/9.

Sau khi ngừng đàm phán về một thỏa thuận kích thích bổ sung, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter Quốc hội nên phê duyệt tiền cứu trợ cho các hãng hàng không làm dấy lên hy vọng về gói cứu trợ.

Đồng JPY yếu hơn cũng hỗ trợ giá cao su. Một USD đổi được 106,01 JPY so với 105,73 JPY trong ngày trước đó.

Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn giao dịch Singapore đóng cửa tăng 1,1% lên 141,0 US cent/kg.

Đường thô cao nhất 7 tháng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa phiên tăng 0,03 US cent hay 0,2% lên 14,17 US cent/lb, sau khi chạm 14,22 US cent/lb trong đầu phiên giao dịch, mức cao nhất kể từ ngày 2/3.

Các đại lý cho biết các quỹ tiếp tục vị thế mua vào trong tình trạng thời tiết bất lợi tại nước xuất khẩu hàng đầu Brazil.

Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,7 USD hay 0,4% lên 385,8 USD/tấn.

Các đại lý đợi số liệu từ khu vực trung nam Brazil trong nửa cuối tháng 9 được Unica phát hành vào ngày thứ sáu. S&P Global Platts khảo sát các nhà phân tích cho thấy sản lượng đường trong giai đoạn này ở mức 2,88 triệu tấn tăng 60,8% so với năm trước.

Cà phê thế giới tăng, cà phê tại Việt Nam giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,65 US cent hay 0,6% lên 1,1025 USD/lb, tiếp tục phục hồi sau xuống mức thấp nhất 2 tháng trong tuần trước.

Các đại lý cho biết thời tiết khô tại Brazil vẫn là một mối lo ngại mặc dù dự báo có mưa trong vài ngày tới.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 5 USD hay 0,4% lên 1.251 USD/tấn.

Tại Việt Nam giá cà phê giảm tuần thứ 3 liên tiếp theo xu hướng giá giảm tại London. Nông dân tại Tây Nguyên bán cà phê ở mức giá 31.300 – 31.800 đồng (1,35 – 1,37 USD)/kg so với mức giá 31.500 – 32.000 đồng một tuần trước.

Một lái thương ở Tây Nguyên cho biết hoạt động mua bán chững lại do không còn cà phê từ niên vụ 2019/20, trong khi vụ cà phê mới vẫn chưa chín. Một lái thương khác cũng ở khu vực này cho biết sản lượng niên vụ 2020/21 sẽ giảm 5% so với niên vụ trước đó.

Các thương nhân đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 tại London, mức cộng một tuần trước so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 là 100 – 110 USD/tấn.

Tại Indonesia cà phê Sumatran cũng được chào với mức cộng tăng trong tuần này. Một lái thương chào bán với mức cộng 250 - 270 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11, so với 190 USD trong tuần trước. Việc mức cộng tăng là để bù cho giá cà phê chuẩn giảm, trong khi sản lượng từ vụ thu hoạch hiện tại bắt đầu chậm lại.

Giá gạo Thái Lan giảm tuần thứ 6

Giá gạo xuất khẩu giảm tuần thứ 6 liên tiếp tại Thái Lan, với nguồn cung mới dự kiến khiến giá giảm tiếp trong tháng này, khi nhu cầu toàn cầu giảm đã hạn chế xuất khẩu từ hầu hết các khu vực Châu Á.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá giảm nhẹ xuống 470 – 475 USD/tấn từ 472 – 477 USD/tấn một tuần trước, các thương nhân cho rằng do giảm nhẹ của tỷ giá hối đoái trong bối cảnh nhu cầu tương đối ổn định.

Tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ, giá gạo vẫn ổn định do nhu cầu yếu sau khi xuất khẩu tăng vọt trong vài tháng trước. Giá gạo đồ 5% tấm không đổi so với tuần trước khoảng 376 – 382 USD/tấn.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2020 có thể tăng gần 42% so với năm trước lên kỷ lục 14 triệu tấn do đơn hàng từ các nhà xuất khẩu đối thủ giảm.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức giá 470 USD/tấn so với 460 – 480 USD/tấn trong tuần trước, do nhu cầu từ Philippines vẫn yếu.

Trong khi đó, giá gạo trong nước tiếp tục tăng tại Bangladesh mà các quan chức đổ lỗi cho những người trung gian tích trữ, bất chấp chính phủ ấn định giá bán buôn gạo ở quốc gia này.

Lúa mì giảm sau khi đạt mức cao nhất kể từ năm 2015

Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) giảm 1,9%, giảm từ mức cao nhất trong hơn 5 năm, do các thương nhất chốt lời trước một báo cáo quan trọng của chính phủ Mỹ.

Đậu tương và ngô cũng giảm từ mức đỉnh gần đây nhưng đà giảm được hạn chế bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ.

Một loạt hợp đồng xuất khẩu mới, gồm bán đậu tương sang Trung Quốc và Mexico. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết lượng xuất khẩu đậu tương trong tuần trước đạt tổng cộng 2,591 triệu tấn, tuần thứ 5 liên tiếp đạt trên 2 triệu tấn.

Đậu tương giao tháng 11 trên sàn CBOT giảm 1 US cent xuống 10,5 USD/bushel. Giá đã đạt đỉnh 10,69 USD, cao nhất kể từ ngày 8/3/2018.

Ngô giao tháng 12 giảm 1-3/4 US cent xuống 3,87 USD sau khi vượt 3,94-1/2 USD, cao nhất kể từ ngày 18/10/2019.

Lúa mì giao tháng 12 giảm 12-1/4 US cent xuống 5,95-1/4 USD/bushel. Lúa mì đã tăng 6,5% trong 4 phiên trước.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 9/10

Thị trường ngày 09/10: Dầu đảo chiều leo dốc hơn 3%, vàng và nhiều hàng hóa khác đồng loạt tăng cao - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên