MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 10/4: Giá thép tiếp tục tăng mạnh, sắt, vàng, đồng, cà phê cũng tăng

10-04-2019 - 08:04 AM | Thị trường

Giá dầu thô quay đầu giảm sau khi IMF hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng khác vẫn tiếp tục đi lên.

Dầu giảm khỏi mức đỉnh 5 tháng sau dự báo kinh tế của IMF

Giá dầu đã giảm trở lại từ mức cao nhất trong vòng 5 tháng sau khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Nga tỏ ý có thể rời bỏ cam kết với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Kết thúc phiên vừa qua, dầu Brent giảm 49 UScent xuống 70,61 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 71,34 USD – cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Dầu thô Mỹ kết thúc ở mức 63,98 USD/thùng, giảm 42 Uscent, sau khi có lúc cũng đạt mức cao nhất 5 tháng là 64,79 USD.

IMF vừa hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019, đồng thời cảnh báo tăng trưởng có thể sẽ còn chậm lại thêm nữa do những căng thẳng thương mại và sự cố Anh rời EU quá trắc trở. Những yếu tố này không chỉ cản trở giá dầu tăng thêm nữa, mà thậm chí có thể ảnh hưởng tới tiêu thụ nhiên liệu.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/3/2019 cho biết Nga không ủng hộ việc giá dầu tăng ngoài tầm kiểm soát, và cho rằng mức giá hiện nay hợp lý cho Moscow.

Việc Mỹ trừng phạt Iran và Venezuela đã khiến cho nguồn cung dầu thế giới càng thêm sụt giảm bởi OPEC vẫn đang thực hiện thỏa thuận giảm cung. Tuần này lại xuất hiện thêm lo ngại về sản lượng của Libya do chiến sự gia tăng. Các thành viên OPEC đang bơm khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, chỉ cao hơn khoảng 1% so với lượng cung trên toàn cầu.

Mặc dù vậy, sản lượng và dự trữ dầu thô của Mỹ tăng tiếp tục gây áp lực giảm giá. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu Mỹ tăng 1,43 triệu thùng/ngày vào năm 2019 lên 12,49 triệu thùng/ngày. Dự trữ dầu thô nước này tuần qua cũng tăng 4,1 triệu thùng/ngày, cao gần gấp 3 so với dự báo của các nhà phân tích.

Thép cao nhất 7,5 năm, quặng sắt tăng phiên thứ 7 liên tiếp

Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục đi lên phiên thứ 7 liên tiếp do nhu cầu tăng từ lĩnh vực xây dựng.

Thép cây – dùng trong lĩnh vực xây dựng - trên sàn Thượng Hải có lúc giá tăng 2,9% lên 3.795 CNY (565,23 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, trước khi kết thúc phiên ở mức tăng 1,9% lên 3.757 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng – sử dụng trong ngành sản xuất ô tô và đồ gia dụng – tăng 0,6% lên 3.941 CNY/tấn.

Toàn bộ 13 thành phố ở Trung Quốc đang xảy ra tình trạng phải sử dụng tới thép dự trữ, cho thấy nhu cầu đang tăng mạnh.

Giá quặng sắt do đó cũng tăng theo (đã tăng tổng cộng 15% trong vồng 6 phiên, từ 29/3 đến 8/4/2019), trong bối cảnh xuất khẩu quặng từ Brazil và Australia sang Trung Quốc sụt giảm.

Quặng sắt trên sàn Đại Liên trong phiên vừa qua có lúc đạt 720 CNY/tấn, cao nhất kể từ 2013, khi sàn giao dịch này được thành lập. Kết thúc phiên, giá tăng 0,7% lên 706,5 CNY/tấn, kết thúc phiên thứ 7 tăng liên tiếp – dài nhất kể từ tháng 11/2017. Quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc giá tăng 1,1% lên 94 USD/tấn, theo số liệu của SteelHome. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng gần 5 năm.

Vàng cao nhất 1 tuần do USD và cổ phiếu giảm

Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần sau khi USD và chứng khoán đều đi xuống bởi dự báo của IMF có thể suy diễn về khả năng các ngân hàng trung ương sẽ tăng cường nới lỏng tiền tệ.

Kết thúc phiên, vàng giao ngay tại London tăng 0,5% lên 1.303,98 USD/ounce, cao nhất kể từ 28/3/2019; vàng kỳ hạn trên sàn New York tăng 0,5% lên 1.308,3 USD/ounce.

IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 từ 3,5% xuống 3,3%. Trong khi đó, Trung Quốc đang tích cực nâng dự trữ vàng để giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Chiến lược gia cao cấp Bob Haberkorn thuộc RJO Futures dự báo giá vàng có thể sẽ sớm tăng lên mức 1.325 USD/ounce chỉ sau khoảng 2 tuần nữa.

Đồng cao nhất 1 tuần, kẽm giảm

Giá đồng tăng lên mức cao nhất 1 tuần bởi hoạt động mua đầu cơ mang tính kỹ thuật trong bối cảnh USD yếu đi và tâm lý lạc quan về khả năng kinh tế Trung Quốc hồi phục. Kết thúc phiên giao dịch, đồng giao sau 3 tháng tại London tăng 0,2% lên 6.487 USD/tấn, sau khi có lúc đạt 6.540 USD/tấn, cao nhất kể từ 1/4/2019.

Chuyên gia Gianclaudio Torlizzi của hãng tư vấn T-Commodity ở Milan cho biết: "Có vẻ như bức tranh vĩ mô ở Trung Quốc gần đây đã được cải thiện, và thị trường cũng phấn khích hơn khi cho rằng USD sẽ giảm giá trong những ngày tới".

Trái với đồng, giá kẽm giảm bởi lo ngại nguồn cung gia tăng từ phía các nhà luyện kẽm Trung Quốc. Kẽm giao sau 3 tháng tại London giảm 1,6% xuống 2.816 USD/tấn.

Dự báo giá vải thiều Trung Quốc năm nay tăng

Giá trái vải thường cao vào đầu mùa, sau đó giảm dần. Năm nay, dự báo thời gian giá duy trì ở mức cao sẽ kéo dài hơn do sản lượng vải thiều Hải Nam (Trung Quốc) giảm mạnh.

Theo nhận định của ông Wu Bin, lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Sinh thái Hải Nam Wushen (Hainan Wushen Ecological Agricultural Development Co., Ltd.), sản lượng vải thiều ở Hải Nam (Trung Quốc) năm nay sẽ thấp do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều khu vực sản xuất. Dự đoán ban đầu cho thấy sản lượng vải thiều giống Concubine Smile sẽ giảm 50-60% (loại vải này dự kiến được bán trên thị trường từ 10/5 tới). Sản lượng loại Lychee King dự báo giảm 60-70% (dự kiến sẽ bắt đầu bán từ 20/5). Như vậy, tổng sản lượng vải thiều Hải Nam năm nay sẽ giảm và giá cả dự báo sẽ cạnh tranh hơn.

Đường tăng do dự báo khô hạn

Đường thô giao tháng 5 trên sàn New York tăng 0,21 UScent tương đương 1,7% lên 12,78 UScent/lb do dự báo El Nino sẽ gây khô hạn cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thái Lan hiện đã có dấu hiệu của khô hạn và Rabobank nhận định vụ mía 2019/20 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Mùa mưa ở Ấn Độ năm nay cũng sẽ có ít nước hơn bình thường.

Đường trắng cũng tăng giá 2 USD tương đương 0,6% trong phiên vừa qua lên 328,2 USD/tấn bởi diện tích củ cải đường của Pháp dự báo giảm 6,3% so với năm ngoái.

Cà phê arabica tăng, robusta giảm

Giá cà phê arabica hồi phục sau phiên đầu tuần sụt giảm. Arabica giao tháng 5 trên sàn New York tăng 0,7 UScent tương đương 0,8% lên 93,65 UScent/lb. Tuần trước hợp đồng này đã xuống mức giá thấp nhất 13 năm là 91,25 UScent. Tuy nhiên, robusta vẫn giảm 6 USD tương đương 0,4% xuống 1.420 USD/tấn.

Cao su giảm

Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo đã giảm trong phiên vừa qua theo xu hướng tại Thượng Hải. Hợp đồng giao tháng 9/2019 giảm 3,4 JPY (0,0306 USD) xuống 187,6 JPY/kg, còn trên sàn Thượng Hải giảm 185 CNY (27,57 USD) xuống 11.700 CNY/tấn.

Giá cao su đang chịu tác động từ một số yếu tố trái chiều. Trong khi JPY yếu đi gây áp lực giảm giá cao su thì giá dầu tăng lại hậu thuẫn tích cực cho mặt hàng này.

Trung Quốc sẽ hạn chế nhập khẩu than trong năm 2019

Reuters dẫn một số nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, Chính phủ nước này sẽ giới hạn nhập khẩu than đá trong năm 2019 ở mức bằng năm 2018 để hỗ trợ các nhà sản xuất than trong nước.

Năm 2018, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới này đã nhập khẩu 281,23 triệu tấn than, bao gồm cả than nhiệt, than luyện cốc và than antraxit. Tuy nhiên, sản lượng than đá trong nước cũng tăng lên và sẽ tăng trên 100 triệu tấn trong năm nay.

Giá than đá trên sàn giao dịch Trịnh Châu (Trung Quốc) phiên vừa qua kết thúc ở mức 617,2 CNY (99,91 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 5 tháng ở phiên liền trước (629 CNY, cao hơn cả mức mà các nhà hoạch định chính sách nước này mong muốn là 570 CNY).

Trung Quốc hầu như không cho phép nhập khẩu than đá vào tháng 12/2018 với mục tiêu kiềm chế khối lượng nhập khẩu năm 2018 bằng mức của năm 2017. Tuy nhiên, tổng lượng nhập khẩu vẫn nhiều hơn mức 270,9 triệu tấn nhập năm 2017.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng 10/3

Thị trường ngày 10/4: Giá thép tiếp tục tăng mạnh, sắt, vàng, đồng, cà phê cũng tăng - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên