Thị trường ngày 11/5: Giá vàng cao nhất gần 3 tháng, dầu, quặng sắt, thép… đồng loạt tăng
Ảnh minh họa.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu, cao su và đường tăng, vàng cao nhất gần 3 tháng, bạc và bạch kim cao nhất hơn 2 tháng, nhôm và kẽm cao nhất 3 năm, trong khi khí tự nhiên, đồng, cà phê, ngô, đậu tương và lúa mì đồng loạt giảm.
- 07-05-2021Thị trường ngày 7/5: Giá dầu giảm; nhôm, thép, nông sản cao kỷ lục; vàng vượt 1.800 USD/ounce
- 06-05-2021Thị trường ngày 6/5: Giá đồng, ngô và đường đạt kỷ lục cao nhiều năm; dầu, vàng biến động nhẹ
- 05-05-2021Thị trường ngày 5/5: Giá dầu, đồng, đường, cà phê đồng loạt tăng, ngô tiếp tục cao nhất 8 năm
Giá dầu tăng
Giá dầu tăng sau khi một đường ống dẫn nhiên liệu chủ yếu của Mỹ có thể khởi động lại trong tuần.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/5, dầu thô Brent tăng 4 US cent tương đương 0,1% lên 68,32 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 2 US cent tương đương 0,03% lên 64,92 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều tăng hơn 1% trong tuần trước – tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent tăng hơn 30%, được hỗ trợ bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+ cắt giảm nguồn cung và việc nới lỏng các hạn chế virus corona tại Mỹ và châu Âu.
Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi Colonial Pipeline COLPI.UL – đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất tại Mỹ dự kiến sẽ khôi phục "đáng kể" hoạt động dịch vụ vào cuối tuần này.
Ngoài ra, tăng trưởng nhu cầu dầu tiềm năng của Mỹ cũng thúc đẩy giá dầu thô tăng, làm lu mờ mối lo ngại đại dịch virus corona tại Ấn Độ tăng sẽ cắt giảm nhu cầu tại châu Á.
Giá khí tự nhiên giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm do dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm trong tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York giảm 2,6 US cent tương đương 0,9% xuống 2,932 USD/mmBTU.
Ngoài ra, giá khí tự nhiên giảm do sản lượng tăng nhẹ và xuất khẩu giảm.
Giá vàng cao nhất gần 3 tháng, bạc và bạch kim cao nhất hơn 2 tháng
Giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 3 tháng sau con số tăng trưởng việc làm của Mỹ gây áp lực lên đồng USD và củng cố kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,4% lên 1.836,89 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.845,06 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 11/2/2021 và vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 0,3% lên 1.837,6 USD/ounce.
Số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm trong tháng 4/2021 bất ngờ chậm lại, kéo đồng USD chạm mức thấp nhất hơn 2 tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Số liệu việc làm thấp hơn so với dự kiến làm giảm bớt kỳ vọng về sự phục hồi nền kinh tế lớn nhất thế giới và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể thắt chặt chính sách sớm hơn so với dự kiến.
Ngoài ra, giá bạc giảm 0,2% xuống 27,39 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,8% lên 1.258,87 USD/ounce. Trong đầu phiên giao dịch, cả hai đều đạt mức cao nhất hơn 2 tháng.
Giá đồng giảm, nhôm và kẽm cao nhất 3 năm
Giá đồng giảm sau khi đạt mức cao kỷ lục mới, theo xu hướng các tài sản rủi ro khác giảm như thị trường chứng khoán và giá dầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn, sau khi lần đầu tiên phá kỷ lục cũ 1 thập kỷ trong ngày 7/5/2021. Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng tăng gần 40%.
Giá đồng cũng đạt mức cao kỷ lục tại Thượng Hải và tại châu Âu giảm 0,4% xuống 10.374 USD/tấn.
Trên sàn London, giá nhôm giảm 0,3% xuống 2.532 USD/tấn, giá kẽm giảm 0,9% xuống 2.987 USD/tấn và giá chì giảm 0,9% xuống 2.215,5 USD/tấn. Trong phiên có lúc, giá nhôm và kẽm đạt mức cao nhất 3 năm, giá chì tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2019.
Giá thép và quặng sắt đều tăng
Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh và mối lo ngại nguồn cung, khi dự kiến lạm phát tăng cũng thúc đẩy hoạt động mua vào đầu cơ.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 10% lên mức cao kỷ lục 1.326 CNY (206,3 USD)/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Singapore tăng 9,5% lên 224,65 USD/tấn.
Tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc giảm 2,05 triệu tấn xuống 131,05 triệu tấn – thấp nhất gần 2 tháng, công ty Mysteel cho biết.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 6% lên 6.012 CNY/tấn – mức cao kỷ lục. Giá thép cuộn cán nóng cũng đạt mức cao kỷ lục 6.335 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 2,6% lên 15.295 CNY/tấn.
Giá cao su tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau khi Thủ tướng nước này cho biết, chính phủ có nguồn dự trữ có thể được sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế khỏi sự tàn phá của đại dịch.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Osaka tăng 1,5 JPY tương đương 0,6% lên 257 JPY/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 0,9% lên 14.595 CNY/tấn.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê Arabica giảm hơn 3% sau khi tăng mạnh lên mức cao nhất hơn 4 năm.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 4,85 US cent tương đương 3,2% xuống 1,4805 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 1,554 USD/lb – cao nhất kể từ tháng 1/2017.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London giảm 21 USD tương đương 1,4% xuống 1.518 USD/tấn.
Giá cà phê giảm do triển vọng nhu cầu tại một số thị trường trọng điểm suy giảm, trong khi Fitch Solutions dự báo thiếu hụt cà phê toàn cầu niên vụ 2021/22 sẽ đạt 6,8 triệu bao (60 kg/bao) – mức cao nhất kể từ năm 2009/10, đã hạn chế đà suy giảm giá.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE không thay đổi ở mức 17,49 US cent/lb.
Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 1,4 USD tương đương 0,3% lên 466,1 USD/tấn.
Giá ngô, đậu tương và lúa mì đều giảm
Giá ngô tại Mỹ giảm sau khi tăng lên mức cao nhất 8 năm trong tuần trước, khi các nhà đầu tư tập trung vào báo cáo cung cầu toàn cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 20-1/2 US cent xuống 7,11-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 31-1/4 US cent xuống 7,3-1/2 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 2-1/2 US cent xuống 15,87-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ giảm 1%
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm hơn 1% sau khi có tuần tăng mạnh nhất trong 2 thập kỷ, khi Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết nguồn cung dầu cọ trong tháng 4/2021 cao hơn so với dự kiến.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 62 ringgit tương đương 1,4% xuống 4.365 ringgit (1.063,34 USD)/tấn, rời khỏi chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp.
Tồn trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 4/2021 tăng 7,1% so với tháng trước đó, lên mức cao nhất 5 tháng (1,55 triệu tấn), do sản lượng tăng tháng thứ 2 liên tiếp, MPOB cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 11/5