Thị trường ngày 11/6: Giá dầu cao nhất 1 tuần, vàng và đồng bật tăng trở lại
Chốt phiên giao dịch ngày 10/6, giá dầu cao nhất 1 tuần, vàng và đồng bật tăng trở lại, khí tự nhiên cao nhất gần 21 tuần, trong khi cao su, cà phê và đường... đồng loạt giảm, lúa mì thấp nhất hơn 1 tháng.
- 08-06-2024Thị trường ngày 8/6: Giá dầu giảm, vàng mất 3%, cao su đạt đỉnh 3 tháng
- 07-06-2024Thị trường ngày 7/6: Giá dầu tăng, vàng cao nhất 2 tuần, cà phê robusta cao kỷ lục
- 06-06-2024Thị trường ngày 6/6: Giá dầu, vàng, cao su tăng, cà phê Robusta gần cao kỷ lục, quặng sắt và đồng giảm sâu
Giá dầu cao nhất 1 tuần
Giá dầu tăng 3% lên mức cao nhất 1 tuần, được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè tăng, bất chấp đồng USD tăng mạnh và dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/6, dầu thô Brent tăng 2,01 USD tương đương 2,5% lên 81,63 USD/thùng và dầu WTI tăng 2,21 USD tương đương 2,9% lên 77,74 USD/thùng. Đây là mức cao nhất đối với cả hai loại dầu kể từ ngày 30/5/2024.
Fed đã tăng mạnh lãi suất trong năm 2022 và năm 2023 để kiềm chế lạm phát gia tăng. Lãi suất tăng đã làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
Đồng USD tăng mạnh có thể làm giảm nhu cầu dầu, khiến hàng hóa được định giá bằng đồng USD như dầu trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs dự kiến giá dầu Brent sẽ tăng lên 86 USD/thùng trong quý 3/2024, khi nhu cầu vận tải trong mùa hè tăng sẽ đẩy thị trường dầu trong quý 3/2024 thiếu hụt 1,3 triệu thùng/ngày (bpd).
Trong khi đó, đồng USD tăng lên mức cao nhất 4 tuần so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác, khi đồng euro giảm mạnh do bất ổn chính trị tại châu Âu.
Trong tuần trước, giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp do lo ngại kế hoạch cắt giảm sản lượng bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh được gọi là OPEC+, từ tháng 10/2024 sẽ làm tăng thêm nguồn cung.
Bất chấp việc cắt giảm sản lượng bởi OPEC+, tồn trữ dầu vẫn tăng. Tồn trữ dầu thô và xăng của Mỹ trong tuần trước tăng. Tuy nhiên, Công ty tư vấn năng lượng FGE dự kiến giá dầu sẽ phục hồi và đạt khoảng 80 USD/thùng trong quý 3/2024.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ cao nhất gần 21 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ đạt mức cao nhất gần 21 tuần, được hỗ trợ bởi thời tiết trong tuần này nóng, thúc đẩy nhu cầu sử dụng điều hòa không khí, song chịu áp lực giảm bởi dự kiến nguồn cung khí đốt sẽ sớm tăng khi đường ống Mountain Valley Pipeline sắp hoàn thành.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn New York giảm 1,2 US cent xuống 2,906 USD/mmBTU. Trong phiên, giá khí tự nhiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 12/1/2024.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3,5 năm trong phiên trước đó, khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào cuối tuần này.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,8% lên 2.310,81 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn New York tăng 0,1% lên 2.327 USD/ounce.
Trong phiên trước đó, giá vàng giảm 83 USD/ounce tương đương 3,5% - phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020, sau báo cáo việc làm của Mỹ cao hơn so với dự kiến, làm giảm kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 9/2024. Đồng thời, báo cáo ngân hàng trung ương Trung Quốc đang trì hoãn việc mua vàng khiến các nhà đầu tư ngừng đặt cược vào nhu cầu của Trung Quốc.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng trở lại từ mức thấp nhất 5 tháng, khi trọng tâm chuyển sang nhu cầu tiềm năng sau đợt bán tháo bởi các quỹ và các nhà đầu tư.
Giá đồng trên sàn London tăng 1,4% lên 9.899 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2/5/2024 (9.741 USD/tấn).
Tuy nhiên, mối lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc vẫn còn, do tồn trữ tại Thượng Hải tăng. Tồn trữ đồng đạt mức cao nhất 4 năm (336.964 tấn) so với khoảng 30.000 tấn trong tháng 1/2024.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên giao dịch trầm lắng, khi thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất – Trung Quốc – đóng cửa cho ngày nghỉ lễ.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2024 trên sàn Osaka (OSE) giảm 0,7 JPY tương đương 0,2% xuống 356,5 JPY (2,27 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn Singapore giảm 0,05% xuống 183,6 US cent/kg.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn London giảm 46 USD tương đương 1,1% xuống 4.082 USD/tấn. Trong tuần trước, giá cà phê đạt mức cao kỷ lục 4.394 USD/tấn.
Đồng thời, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn ICE giảm 1,3% xuuoongs 2,22 USD/lb.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn ICE giảm 0,37 US cent tương đương 1,9% xuống 18,63 US cent/lb.
Đồng tiền Brazil giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 1/2023, có thể thúc đẩy hoạt động bán ra từ các nhà máy. Trong khi đó, thời tiết khô tại khu vực Trung Nam vẫn là mối lo ngại, mặc dù thúc đẩy tiến độ thu hoạch mía đường.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn London giảm 1,6% xuống 544,2 USD/tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) nâng dự báo thiếu hụt đường toàn cầu niên vụ 2023/24 lên 2,954 triệu tấn, từ mức dự báo thiếu hụt 689.000 tấn dự báo trong tháng 2/2024.
Giá lúa mì thấp nhất hơn 1 tháng, ngô và đậu tương tăng
Giá lúa mì tại Mỹ chạm mức thấp nhất hơn 1 tháng, do dự báo mưa có lợi cho cây trồng tại khu vực Biển Đen và lo ngại về nhu cầu sau lệnh cấm nhập khẩu lúa mì của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2024 giảm 17-1/2 US cent xuống 6,1 USD/bushel, sau khi giảm xuống 6,08-1/4 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 3/5/2024. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2024 tăng 3 US cent lên 4,51-3/4 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 7-3/4 US cent lên 11,87 USD/bushel.
Giá dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm, theo xu hướng giá dầu đậu tương trên sàn Chicago giảm, cùng với đó là ước tính xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 6/2024 giảm cũng gây áp lực thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn Bursa Malaysia giảm 58 ringgit tương đương 1,46% xuống 3.917 ringgit (830,05 USD)/tấn, rời khỏi chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 11/6
Nhịp sống thị trường