MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 11/6: Giá dầu, đường, cao su, quặng sắt lao dốc, nhôm thấp nhất 6 tháng

11-06-2022 - 08:55 AM | Thị trường

Thị trường ngày 11/6: Giá dầu, đường, cao su, quặng sắt lao dốc, nhôm thấp nhất 6 tháng

Giá tất cả các hàng hóa nguyên liệu, ngoại trừ vàng, giảm trong phiên thứ Sáu (10/6) do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc - sau khi nước này phong tỏa mới một số địa điểm để chống dịch COVID-19 - và khả năng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất – do lạm phát tiếp tục tăng mạnh.

Giá dầu giảm nhẹ

Giá dầu giảm sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến ​​và Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa mới chống COVID-19.

Giá dầu thô Brent kết thúc phiên giảm 1,06 USD xuống 122,01 USD/thùng; dầu Tây Texas của Mỹ (WTI) giảm 84 cent xuống 120,67 USD/thùng.

Giá dầu giảm cùng với chứng khoán Phố Wall sau khi có tin giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhanh trong tháng Năm.

Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều tăng trong, với dầu Brent tăng 1,9%, trong khi WTI tăng 1,5%.

Giá xăng cao kỷ lục và chi phí thực phẩm tăng vọt đã đẩy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt lãi suất một cách mạnh mẽ.

Trong khi đó, liên quan đến nhu cầu, các thành phố Thượng Hải và Bắc Kinh của Trung Quốc đã quay trở lại cảnh báo về dịch COVID từ hôm Năm (9/6).

Vàng hồi phục

Giá vàng trải qua một phiên giao dịch cuối tuần đầy biến động khi trọng tâm chú ý của thị trường chuyển sang rủi ro kinh tế sau khi chỉ số lạm phát của Mỹ tăng cao củng cố khả năng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,4% lên 1.873,58 USD/ounce, vàng giao tháng 8 tăng 1,2% lên 1.875,50 USD.

Giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhanh trong tháng 5, cho thấy Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ nay cho đến tháng 9, có lúc gây áp lực khiến vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/5, là 1.824,63 USD.

Tuy nhiên, nhu cầu vàng để làm nơi trú ẩn an toàn đã giúp giá nhanh chóng hồi phục sau đó.

Nhôm thấp gần 6 tháng, đồng cũng giảm

Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 6 tháng, đồng cũng theo xu hướng này do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc - ảnh hưởng đến nhu cầu kim loại – và dự kiến Mỹ tăng mạnh lãi suất.

Kết thúc phiên, giá nhôm kỳ hạn giao sua 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 3% xuống 2.677 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Giá đồng trên sàn LME cũng giảm 1,8% xuống 9.447 USD/tấn, sau khi giảm 1,2% trong phiên liền trước.

Cà phê và cacao giảm

Giá cà phê giảm do đồng real trượt giá so với USD.

Cà phê arabica giao tháng 9 giảm 6 cent, tương đương 2,6%, ở mức 2,288 USD/lb.

Cà phê robusta hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giảm 13 USD, tương đương 0,6%, ở mức 2.095 USD/tấn.

Giá cacao giao tháng 9 trên sàn New York giảm 41 USD, tương đương 1,7%, xuống 2.432 USD/tấn, mức thấp nhất trong hai tuần

Giá cacao kỳ hạn tháng 9 trên sàn London cũng giảm 4 GBP, tương đương 0,2% xuống 1.758 GBP/tấn.

Giá đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE giảm mạnh vào thứ Sáu do đồng real Brazil suy yếu và tin tức rằng sản lượng đường ở khu vực Trung Nam của Brazil mạnh hơn dự kiến ​​trong nửa cuối tháng Năm.

Lạm phát của Mỹ cao hơn dự kiến ​cũng là một yếu tố giảm giá đối với hàng hóa, vì khả năng chính sách tiền tệ khắc nghiệt hơn có thể khiến các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro cao.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 phiên này giảm 0,42 cent, tương đương 2,2%, xuống 18,87 cent/lb.

Giá đường trắng giao tháng 8 giảm 14,40 USD, tương đương 2,5% xuống 564,30 USD/tấn.

Đậu tương giảm nhẹ, ngô giảm trong khi lúa mì tăng

Giá đậu tương trên sàn Chicago giảm trong phiên cuối tuần do hoạt động bán chốt lời sau khi giá tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại ở phiên liền trước do lo ngại về nguồn cung và nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ của Mỹ.

Hiện tại, thị trường vẫn không chắc chắn về nguồn cung sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm khoảng 13% ước tính về lượng dự trữ trong nước cuối năm 2021/22 xuống còn 205 triệu bushel.

USDA đã nâng triển vọng xuất khẩu đậu tương của Mỹ năm 2021/22 thêm 30 triệu bushel lên 2,17 tỷ bushel.

Giá đậu tương phiên này giảm 23-1/2 cent xuống 17,45-1/2 USD/bushel. Trong phiên liền trước, hợp đồng này đạt mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2012, là 17,84 USD/bushel, chỉ thấp hơn một chút so với mức cao nhất mọi thời đại, do có dấu hiệu cho thấy nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ đối với đậu tương Mỹ.

Giá ngô kết thúc phiên này tăng 1/4 US cent lên 7,73-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì đỏ mềm vụ đông giảm 1/2 US cent xuống 10,70-3/4 USD.

Gạo biến động trái chiều

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng trong tuần này, được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh và lo ngại rằng nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới có thể hạn chế xuất khẩu. 

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này được bán với giá từ 357 USD đến 362 USD/tấn, so với mức 355 - 360 USD của tuần trước. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này ở mức 450 - 460 USD/tấn, giảm so với 455 - 460 USD vào tuần trước do biến động tỷ giá nội tệ. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này vững ở mức 420 - 425 USD/tấn.

Cao su giảm

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần theo xu hướng giá chứng khoán Tokyo và giá cao su tại Thượng Hải.

Cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 0,9 yên, tương đương 0,3%, xuống 264,0 yên (1,97 USD)/kg; tính chung cả tuần giá tăng 1,6%.

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm 1,5% trong phiên này.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm 90 nhân dân tệ xuống 13.380 nhân dân tệ (2.003,35 USD)/tấn.

Quặng sắt giảm

Giá quặng sắt giảm trong phiên vừa qua do lo thị trường lại dấy lên lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc, nơi các cảnh báo mới về COVID-19 đe dọa làm “trật bánh xe” của nền kinh tế vừa mới mở cửa trở lại và biên lợi nhuận thép chịu áp lực.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc phiên giao dịch ở mức giảm 1,7% xuống 914,50 nhân dân tệ (136,83 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm 1,9% xuống 139 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm 2,6%.

Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã tăng 3% trong tháng 5 so với một năm trước đó, sau khi sự gián đoạn đối với các chuyến hàng của các nhà cung cấp lớn giảm bớt.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 11/6:

Thị trường ngày 11/6: Giá dầu, đường, cao su, quặng sắt lao dốc, nhôm thấp nhất 6 tháng - Ảnh 1.
https://cafef.vn/thi-truong-ngay-11-6-gia-dau-duong-cao-su-quang-sat-lao-doc-nhom-thap-nhat-6-thang-20220611072655952.chn

Minh Quân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên