Thị trường ngày 12/4: Giá dầu giảm dưới ngưỡng 100 USD/thùng, khí tự nhiên cao nhất 13 năm
Ảnh minh họa.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/4, giá dầu giảm dưới ngưỡng 100 USD/thùng, nhôm thấp nhất hơn 3 tuần, sắt thép, than luyện cốc, than cốc, … đồng loạt giảm, trong khi khí tự nhiên cao nhất 13 năm, vàng, cao su, lúa mì và ngô đều tăng.
- 08-04-2022Thị trường ngày 8/4: Giá khí đốt cao nhất 14 năm, than đá tăng vọt trong khi dầu giảm
- 07-04-2022Thị trường ngày 7/4: Giá dầu thấp nhất 3 tuần, vàng đi ngang, quặng sắt cao nhất 8 tháng
- 06-04-2022Thêm 1 doanh nghiệp vi phạm, thị trường trái phiếu ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Giá dầu giảm dưới ngưỡng 100 USD/thùng
Giá dầu giảm khoảng 4%, với dầu thô Brent giảm dưới ngưỡng 100 USD/thùng, do lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu tại Trung Quốc giảm và các nước thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có kế hoạch giải phóng một khối lượng dầu kỷ lục từ kho dự trữ chiến lược.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/4, dầu thô Brent giảm 4,3 USD tương đương 4,2% xuống 98,48 USD/thùng – thấp nhất kể từ ngày 16/3/2022 và dầu thô Tây Texas WTI giảm 3,97 USD tương đương 4% xuống 94,29 USD/thùng – thấp nhất kể từ ngày 25/2/2022.
Tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – giảm, do Covid-19 đã đóng cửa Thượng Hải. Việc đóng cửa Thượng Hải, có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc lên tới 1,3 triệu thùng/ngày (bpd). Trong khi đó, để bù đắp sự thiếu hụt dầu thô của Nga sau khi Moscow bị trừng phạt, các quốc gia thành viên IEA bao gồm Mỹ sẽ giải phóng 240 triệu thùng dầu trong 6 tháng tới. Các nhà phân tích thuộc JP Morgan cho biết, việc giải phóng Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) tương đương 1,3 triệu bpd trong 6 tháng tới, đủ bù đắp sự thiếu hụt 1 triệu bpd nguồn cung dầu Nga.
Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm do đồng USD tăng mạnh, tăng phiên thứ 8 liên tiếp so với giỏ các đồng tiền chủ chốt. Đồng USD tăng, khiến dầu trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá khí tự nhiên cao nhất 13 năm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 6% lên mức cao nhất 13 năm, do dự báo nhu cầu sưởi ấm tăng cao hơn so với dự kiến và giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh đẩy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ đạt gần mức cao kỷ lục.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn New York tăng 36,5 US cent tương đương 5,8% lên 6,643 USD/mmBTU – cao nhất kể từ tháng 11/2008.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng ngay cả khi giá dầu thô toàn cầu giảm 4% và giá khí đốt tại châu Âu duy trì vững.
Giá vàng tăng, palađi duy trì vững
Giá palađi duy trì vững sau khi tăng mạnh 5%, do lo ngại nguồn cung sau hoạt động tạm ngừng giao dịch kim loại có nguồn cung từ Nga tại trung tâm London, trong khi vàng được thúc đẩy bởi mối lo ngại lạm phát.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,1% lên 1.947,8 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 14/3/2022 (1.968,91 USD/ounce) và vàng kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.948,2 USD/ounce.
Giá palađi duy trì vững ở mức 2.425,04 USD/ounce, sau khi đạt mức cao đỉnh điểm (2.550,58 USD/ounce) kể từ ngày 24/3/2022 trong đầu phiên giao dịch.
Giá nhôm thấp nhất hơn 3 tuần
Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tuần, do đóng cửa Covid-19 tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – làm dấy lên mối lo ngại nhu cầu kim loại công nghiệp giảm.
Giá nhôm trên sàn London giảm 4,1% xuống 3.235 USD/tấn, trước đó trong phiên chạm 3.221 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 17/3/2022.
Trung Quốc – nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới – chiếm gần 58% nguồn cung toàn cầu, tương đương gần 68 triệu tấn trong năm 2021.
Giá thép, quặng sắt, than luyện cốc và than cốc đồng loạt giảm
Giá thép tại Trung Quốc giảm, do các biện pháp nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19 ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và gia tăng mối lo ngại về sự phục hồi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 giảm 3,1% xuống 4.867 CNY (763,76 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm phiên thứ 4 liên tiếp, giảm 3,1% xuống 5.038 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 4,3% xuống 19.330 CNY/tấn, sau khi giảm mạnh 5,3% trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên giảm 4,6% xuống 869 CNY/tấn, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/3/2022. Giá than luyện cốc giảm 3,6% xuống 3.106 CNY/tấn và giá than cốc giảm 3,2% xuống 3.930 CNY/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 1,5 USD xuống 155,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteeHome cho biết.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi đồng JPY suy yếu và nguồn cung thắt chặt, làm lu mờ lo ngại về nền kinh tế Nhật Bản.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Osaka tăng 0,2 JPY tương đương 0,1% lên 263,2 JPY (2,1 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 13.540 CNY (2.126,69 USD)/tấn.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 1,5% lên 2,35 USD/lb, sau khi tăng lên mức cao nhất 1 tháng (2,357 USD/lb).
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London tăng 0,4% lên 2.105 USD/tấn.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 0,6% xuống 20,28 US cent/lb, trong phiên trước đó đạt 20,45 US cent/lb – cao nhất 4,5 tháng.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 0,5% xuống 557,4 USD/tấn.
Giá lúa mì và ngô tăng, đậu tương giảm
Giá lúa mì tại Chicago đạt mức cao nhất 2 tuần, do lo ngại xung đột tại Ukraine sẽ tiếp tục làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của khu vực Biển Đen.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì tăng 1,6% lên 10,76 USD/bushel, trước đó trong phiên đạt 10,86 - 1/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 28/3/2022. Giá đậu tương giảm 0,3% xuống 16,83 USD/bushel, trong khi giá ngô tăng 0,4% lên 7,72-1/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ cao nhất gần 2 tuần
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần, do tồn trữ tính đến cuối tháng 3/2022 giảm, song mức tăng bị hạn chế bởi sản lượng tăng cao hơn so với dự kiến và xuất khẩu giai đoạn đầu tháng 4/2022 giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 85 ringgit tương đương 1,44% xuống 6.006 ringgit (1.420,19 USD)/tấn. Trong tuần trước, giá dầu cọ tăng 6,4%.
Tồn trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 3/2022 giảm tháng thứ 5 liên tiếp, giảm 2,99% so với tháng trước đó xuống 1,47 triệu tấn, do xuất khẩu tăng xói mòn mức tăng sản lượng, Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/4