MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 13/3: Giá dầu tiếp tục lao dốc 7%, vàng mất hơn 4%

13-03-2020 - 08:50 AM | Thị trường

Thị trường hàng hóa nguyên liệu vừa trải qua một phiên mất mát thảm hại sau khi Mỹ tuyên bố ngừng hoạt động đi lại từ Châu Âu tới nước này để tránh sự lây lan của virus corona.

Dầu giảm 7% sau khi ông Trump bất ngờ cấm đi lại

Dầu thô Brent đã giảm 7% trong phiên vừa qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh ngừng toàn bộ các hoạt động đi lại từ Châu Âu tới Mỹ trong vòng 30 ngày (ngoại trừ đối với Vương quốc Anh) bắt đầu có hiệu lực từ đêm 13/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Việc hạn chế này không áp dụng với cư dân định cư hợp pháp (có thẻ Xanh) của Mỹ cũng như các thành viên gia đình của công dân Mỹ. Động thái này được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố SARS-CoV-2 là Đại dịch, giữa bối cảnh nguồn cung dầu từ Saudi Arabia và UAE tràn ngập thị trường cộng hưởng gây áp lực lớn lên giá dầu.

Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 2,27 USD (7,2%) xuống 33,22 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 1,48 USD (4,5%) xuống 31,5 USD/thùng.

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2020 dự báo sẽ giảm lần đầu tiên trong vòng hơn 1 thập kỷ. Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của OANDA ở New York dự báo giá dầu sẽ còn giảm thêm nữa, theo đó Brent có thể sẽ giảm thêm 10%.

Palađi giảm 28%, vàng mất hơn 4%, bạch kim và bạc cũng đi xuống

Giá palađi giảm mạnh trong phiên vừa qua do hoạt động bán tháo bởi lo ngại dịch bệnh do virus corona lây lan rộng rãi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhóm kim loại quý, buộc nhà đầu tư phải bán gấp ngay lúc này để vớt vát chút lợi nhuận. Vàng theo đó giảm hơn 4%, bạch kim giảm gần 13% và bạc giảm hơn 7% lúc đầu phiên giao dịch.

Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 3,2% xuống 1.582.35 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 3,2% xuống 1.590,30 USD/ounce; trong khi đó, palađi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2019 là 1.653,51 USD/ounce. Kim loại này đã mất hơn 35% so với mức đỉnh cao 2.875,5 USD/ounce đạt được vào hôm 27/2.

Bạc cũng mất 5,6% xuống 15,79 USD/ounce vào cuối phiên sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7, bạch kim giảm 11% xuống 768 USD/ounce – là phiên mất mát nhiều nhất kể từ tháng 9/1986.

Thị trường ngày 13/3: Giá dầu tiếp tục lao dốc 7%, vàng mất hơn 4% - Ảnh 1.

Đồng thấp nhất hơn 3 năm

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm sau lệnh giới hạn đi lại của Mỹ đối với hành khách đến từ Châu Âu.

Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME (tham chiếu cho toàn thị trường đồng thế giới) giảm 1,6% xuống 5.440 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có thời điểm chỉ còn 5.376,5 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Các kim loại cơ bản khác cũng đồng loạt đi xuống, cụ thể: Nickel giảm 4,8% xuống 11.830 USD/tấn (thấp nhất kể từ tháng 6/2019); nhôm giảm 1,1% xuống 1.656 USD/tấn, kẽm giảm 2,5% xuống 1.938 USD/tấn, thiếc giảm 3,6% xuống 16.100 USD/tấn. Chỉ riêng chì tăng 0,5% lên 1.774 USD/tấn.

Quặng sắt tăng

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua do số ca mới nhiễm virus tại nước này sụt giảm đáng kể, mặc dù số ca nhiễm ở các nước khác vẫn tăng.

Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt tăng 0,2% lên 663 CNY (94,96 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc giảm 2,3% trong cùng phiên; trên sàn Thượng Hải giá cũng tăng 0,5% vào buổi chiều hôm qua.

Phiên trước đó (11/3), giá quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc giá tăng lên 91,5 USD/tấn, so với 90.80 USD/tấn ở phiên 10/3.

Ngô, đậu tương chạm đáy 6 tháng

Giá ngô và đậu tương trên sàn Chicago đều giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng nửa năm do chứng khoán Mỹ mất điểm mạnh. Lúa mì cũng theo xu hướng này.

Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tháng 5 giảm 8-3/4 US cent xuống 3,65-3/4 USD/bushel, sau khi có thời điểm xuống chỉ 3,65 USD, thấp nhất kể từ 12/9/2019; đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 13-3/4 US cent xuống 8,59-1/2 USD/bushel sau khi có thời điểm xuống chỉ 8,52-1/4 USD/ounce (thấp nhất kể từ 9/9/2019) và lúa mì giảm 7-1/4 US cent xuống 5,05-1/2 USD/bushel, trước đó có lúc cũng xuống mức 4,97-1/4 USD, thấp nhất kể từ 30/9/2019.

Cà phê mất 3,2%

Giá cà phê cũng giảm trong phiên vừa qua, theo đó arabica kỳ hạn giao tháng 5 trên sàn New York giảm 3,2% xuống 1,0885 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 22 USD xuống 1.249 USD/tấn.

Tại Châu Á, giá cà phê Việt Nam tuần này giảm do gia tăng lo ngại về dịch Covid-19, trong khi giao dịch ở Indonesia cũng diễn ra chậm chạp bởi các thương gia chờ đợi nguồn cung vụ mới.

Cà phê nhân xô tại Tây Nguyên có giá bán 31.100 đồng (1,34 USD)/kg, so với 31.500 đồng cách đây một tuần; cà phê robusta loại 2 (5% đen & vỡ) giá cộng 160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 giao dịch ngày 11/3 trên sàn London, so với mức cộng 145 – 155 USD/tấn của tuần trước. Việt Nam đã xuất khẩu 173.789 tấn cà phê (tương đương 2.986 bao loại 60kg/bao), tăng 19,8% so với tháng 1/2020.

Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra (tỉnh Lampung) giá chào cộng 300 – 350 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn London. Indonesia sẽ thu hoạch cà phê cao điểm vào tháng 4 và 5 tới.

Cao su giảm do lo ngại về dịch bệnh

Giá cao su trên sàn Tokyo giảm trong phiên vừa qua do gia tăng lo ngại về dịch bệnh Covid-19 khi Tổng thống Mỹ tạm dừng chuyến công du tới Châu Âu và WHO công bố Đại dịch.

Trên sàn TOCOM, cao su kỳ hạn tháng 8/2020 giá giảm 4,2 JPY (2,6%) xuống 160,1 JPY (1,6 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 giảm 175 CNY xuống 10,460 CNY (1.499 USD)/tấn.

Các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc đang đề nghị Chính phủ giúp đỡ trong bố cảnh doanh số bán ô tô giảm 79% trong tháng 2/2020 xuống mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, số ca nhiễm virus corona tại Nhật Bản tiếp tục tăng. Không kể 700 người bị lây nhiễm trên con tàu Diamond Princess, đến ngày 11/3, quốc gia này đã ghi nhận 567 ca mắc Covid-19, với 12 người tử vong.

Bông thấp nhất 5 tháng

Giá bông trên sàn New York đã chạm mức thấp nhất 5 tháng trong phiên vừa qua do hoạt động bán tháo giống như các mặt hàng khác. Kỳ hạn giao tháng 5 của mặt hàng này đã mất 1,19 US cent (1,9%) xuống 60,36 US cent/lb vào cuối phiên, trong ngày giao dịch ở khoảng 59,35 – 61,6 US cent/lb. Đầu phiên, có lúc giá giảm 3,6% xuống 59,35 US cent/lb, thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Gạo Thái Lan cao nhất 6,5 năm, Việt Nam cao nhất hơn 1 năm

Khô hạn ở Thái Lan gây lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá gạo xuất khẩu của nước này tăng lên mức cao nhất trong vòng 6,5 năm trong tuần này, trong khi nhu cầu mạnh trên thị trường nội địa giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng đẩy giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm. Riêng gạo Ấn Độ tiếp tục giảm do đồng rupee trượt giá so với USD, mặc dù nhu cầu từ các nước Châu Phi khá mạnh.

Tuần này, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 470 – 495 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2013, so với mức 460 – 467 USD/tấn của tuần trước; gạo cùng loại của Việt Nam giá tăng lên 400 – 405 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 11/2018, so với 390 – 400 USD/tấn cách đây một tuần; còn gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống 363-367 USD/tấn, so với 367-371 USD/tấn của tuần trước.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng

Thị trường ngày 13/3: Giá dầu tiếp tục lao dốc 7%, vàng mất hơn 4% - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên