Thị trường ngày 13/7: Dầu và vàng cùng tăng trở lại, giá đường thấp nhất 11 tháng
Chốt phiên giao dịch đêm qua 12/7, giá dầu đảo chiều tăng, khí tự nhiên cao nhất 6 tuần, vàng vượt ngưỡng 1.400 USD/ounce, nickel cao nhất 4 tháng, trong khi đường thấp nhất 11 tháng, thép, cao su, cà phê và dầu cọ đều giảm.
- 12-07-2019Thị trường ngày 12/7: Giá dầu, vàng đảo chiều đi xuống, nông sản đồng loạt tăng
- 11-07-2019Thị trường ngày 11/7: Giá dầu tăng vọt 4,5%, vàng cũng tăng giá
- 10-07-2019Thị trường ngày 10/7: Dầu, vàng, thép tăng trở lại, khí tự nhiên cao nhất 5 tuần
Thị trường ngày 13/7: Dầu đảo chiều tăng, vàng vượt ngưỡng 1.400 USD/ounce
Dầu tăng giá trở lại
Giá dầu tăng do sản lượng dầu thô vịnh Mexico giảm hơn 50% gây ra bởi bão nhiệt đới, song lo ngại về dư cung dầu thô toàn cầu trong nhiều tháng tới đã hạn chế đà tăng.
Chốt phiên giao dịch đêm qua 12/7, dầu thô Brent tăng 20 US cent lên 66,72 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1 US cent lên 60,21 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 4% và dầu thô Mỹ tăng 4,7%.
Cơ quan An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ (BSEF) cho biết, gần 59% tương đương 1,1 triệu thùng/ngày sản lượng dầu thô tại khu vực vịnh Mexico bị cắt giảm do bão đã hỗ trợ giá dầu tăng. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) dự báo sản lượng dầu Mỹ sẽ vượt nhu cầu toàn cầu, do đó sẽ xuất hiện một lượng dư cung lớn trên toàn cầu trong 9 tháng tới, đã hạn chế đà tăng giá dầu.
Khí tự nhiên cao nhất 6 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 6 tuần sau khi các nhà sản xuất đóng cửa các cơ sở hoạt động tại vịnh Mexico trước cơn bão nhiệt đới Barry và dự báo nhu cầu trong tuần tới sẽ cao hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn New York tăng 3,7 US cent tương đương 1,5% lên 2,453 USD/mBTU, cao nhất kể từ ngày 31/5/2019. Tính chung cả tuần giá khí tự nhiên tăng 1%, tuần tăng đầu tiên trong 3 tuần kể từ giữa tháng 5/2019.
Vàng tăng vượt ngưỡng 1.400 USD/ounce
Vàng tăng do lo ngại lạm phát tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh hơn so với dự kiến, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.412,88 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.413,41. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay tăng gần 1%. Vàng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn New York tăng 0,4% lên 1.412,2 USD/ounce.
Nickel cao nhất 4 tháng
Giá nickel đạt mức cao nhất 4 tháng do lo ngại nước sản xuất lớn – Indonesia – sẽ tiếp tục lệnh cấm xuất khẩu quặng trong năm 2022.
Giá nickel kỳ hạn trên sàn London tăng 2,6% lên 13.470 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 7/3/2019.
Indonesia nới lỏng lệnh cấm vào năm 2017 và sẽ kéo dài ít nhất 5 năm. Do vậy xuất khẩu sẽ hạn chế trở lại vào năm 2022. Các nhà phân tích dự kiến nhu cầu nickel trong xe điện sẽ tăng dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung nickel trong những năm tới.
Quặng sắt duy trì vững, thép giảm
Giá quặng sắt tại Đại Liên duy trì vững do các hạn chế sản lượng tại một số trung tâm thép Trung Quốc, làm giảm triển vọng nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép. Tuy nhiên, những mối lo ngại về nguồn cung kéo dài đã đẩy giá quặng sắt có tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 6/2019.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên giảm trong đầu phiên giao dịch, song kết thúc phiên không thay đổi ở mức 873 CNY (127,02 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 3,5% - tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Trong khi đó, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 1% xuống 3.965 CNY/tấn và thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 3.837 CNY/tấn.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm theo xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải suy yếu và dự trữ tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn TOCOM giảm 1% xuống 175,3 JPY (1,62 USD)/kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 1/2020 giảm xuống 153 JPY/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 0,8% xuống 10.630 CNY (1.546,29 USD)/tấn, do dự trữ cao su tại kho ngoại quan Thượng Hải tăng 2% so với phiên trước đó.
Giám đốc quản lý hàng hóa Ho Kheng Ann thuộc Phillip Futures cho biết: "Giá cao su sẽ giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu yếu. Do vậy, giá cao su sẽ không hồi phục sớm".
Đường thấp nhất 11 tháng, cà phê giảm trở lại
Giá cà phê giảm do triển vọng năng suất cây trồng tại nước sản xuất lớn nhất – Brazil – tăng mạnh bất chấp sương giá vào cuối tuần trước, trong khi giá đường giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng trước hợp đồng kỳ hạn hết hiệu lực vào tuần tới.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn ICE giảm 0,3 US cent tương đương 0,3% xuống 1,0665 USD/lb. Tính chung cả tuần giá cà phê giảm gần 3,9%. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 3 USD tương đương 0,2% xuống 1.424 USD/tấn.
Đồng thời, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn ICE giảm 0,08 US cent tương đương 0,7% xuống 12,3 US cent/lb. Tính chung cả tuần giá đường giảm 0,5%, do nguồn cung toàn cầu dồi dào gây áp lực giá. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn ICE giảm 10,9 USD tương đương 3,4% xuống 306,8 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 305,7 USD/tấn, thấp nhất 11 tháng.
Ngô cao nhất 3 tuần, đậu tương và lúa mì đều tăng
Giá ngô tại Mỹ tăng cao nhất 3 tuần và đậu tương tăng do dự báo thời tiết nắng nóng làm gia tăng lo ngại về năng suất cây trồng suy giảm.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn Chicago tăng 11-1/4 US cent lên 4,59-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 4,6-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 17/6/2019.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn Chicago tăng 14-1/4 US cent lên 9,31-1/2 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Chicago tăng 1-1/2 US cent lên 5,23 USD/bushel.
Dầu cọ giảm tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm do đồng ringgit tăng mạnh và các loại dầu thực vật trên sàn Chicago và Đại Liên suy yếu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,6% xuống 1.930 ringgit (469,47 USD)/tấn, phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong 5 phiên. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 1,5%, tuần giảm thứ 4 liên tiếp trong 5 tuần.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 13/7