Thị trường ngày 14/1: Giá dầu, vàng giảm, khí gas mất 12%, cao su và cacao tăng vọt
Giá hàng hóa quay đầu đi xuống lúc kết thúc phiên giao dịch 13/1 sau một phiên nhiều biến động, trong đó dầu, vàng, đồng, ngũ cốc... đều giảm. Duy nhất có 2 mặt hàng tăng trong phiên này là cao su và cacao.
Giá dầu hạ nhiệt
Giá dầu quay đầu giảm do các nhà đầu tư bán chốt lời sau 2 phiên tăng trước đó giữa bối cảnh lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất nhanh chóng. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu, trong khi nguồn cung trên thị trường bị thắt chặt.
Kết thúc phiên 13/1, giá dầu Tây Texas (Mỹ) (WTI) kỳ giảm 52 US cent, tương đương 0,6%, xuống 82,12 USD/thùng, sau khi tăng 5,6% trong hai ngày qua. Tương tự, dầu Brent cũng giảm 20 cent, tương đương 0,2% xuống 84,47 USD/thùng. Loại dầu này đã tăng 4,7% so với thứ Ba và thứ Tư.
Chủ tịch Cục Dự trữ bang Chicago, Charles Evans, ngày 13/1 cho biết có thể cần phải tăng lãi suất bốn lần vào năm 2022 nếu lạm phát không được cải thiện đủ nhanh chóng, đồng thời cho biết thêm rằng vì lạm phát đã ở mức cao kéo dài nên Fed phải hành động nhanh hơn dự kiến.
Khí gas giảm 12%
Giá khí tự nhiên Mỹ giảm 12% trong phiên vừa qua, mất đi gần như toàn bộ mức tăng 14% của phiên liền trước đó, do dự báo thời tiết sẽ bớt lạnh và nhu cầu sưởi ấm trong tuần này và tuần tới đều giảm so với dự kiến.
Cụ thể giá khí đốt kỳ hạn tháng 2 tại Mỹ ngày thứ Năm (13/1) giảm 58,7 cent, tương đương 12,1%, xuống còn 4,270 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Vào thứ Tư (12/1), hợp đồng này đã tăng vọt lên mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26 tháng 11, mức tăng mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 9 năm 2020, sau khi cơ quan khí tượng dự báo thời tiết cuối tháng 1 sẽ rất lạnh.
Giá vàng giảm
Giá vàng giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.820,71 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,3% xuống 1.821,4 USD.
Những kỳ vọng xung quanh việc Fed tăng lãi suất đã nâng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên, có khả năng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng – kim loại không sinh lợi bằng lãi suất.
Trong khi đó, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần đầu tiên của tháng 1 tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 tuần.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA, cho biết phản ứng tổng thể của thị trường vàng đối với dữ liệu lạm phát giá sản xuất mà Mỹ vừa công bố là khá ‘im lặng’ vì diều đó không thay đổi câu chuyện về những gì Fed có thể sẽ làm vào tháng Ba. Lãi suất tăng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Đồng giữ ở mức gần 10.000 USD/tấn
Giá đồng giảm trở lại trong phiên vừa qua, nhưng vẫn sát mức cao nhất trong vòng 3 tháng, một ngày sau phiên tăng mạnh liền trước đó do đồng USD yếu và lo ngại về tình trạng thiếu cung.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên này giảm 1,3% xuống 9,932 USD/tấn. Trong phiên liền trước, 12/1, giá đã tăng 3,5%.
Được sử dụng trong các lĩnh vực năng lượng và xây dựng, giá đồng đã tăng 25% vào năm 2021 và 26% vào năm 2020. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa sẽ thúc đẩy nhu cầu kim loại đỏ này.
Ngô, đậu tương giảm vì dự báo thời tiết cải thiện
Giá ngô và đậu tương Mỹ giảm do dự báo các khu vực trồng trọt đang bị khô hạn ở Nam Mỹ (Argentina và Brazil) sắp có mưa, sẽ giúp hạn chế những thiệt hại cho mùa màng.
Giá ngô giao dịch tại Hội đồng Thương mại Chicago kết thúc phiên giảm 11-1/2 cent ở mức 5,87-1/2 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ 3/1; đậu tương cũng giảm 22 cent xuống 13,77-1/4 USD/bushel.
Cà phê giảm
Giá cà phê giảm mạnh trong phiên vừa qua, trong đó loại robusta chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1 tháng 12, do có dấu hiệu tình trạng thắt chặt nguồn cung đã giảm bớt.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 phiên này giảm 45 USD, tương đương 2,0%, xuống 2.237 USD/tấn vào cuối phiên, trước đó có lúc giá chạm mức thấp nhất trong 1-1/2 tháng là 2.231 USD.
Các đại lý cho biết cà phê robusta từ Việt Nam, nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, cuối cùng cũng được chuyển đến các kho hàng được ICE chứng nhận.
Cà phê arabica giao tháng 3 phiên này cũng giảm 3,85 cent, tương đương 1,6% xuống 2,37 USD/lb.
Cacao đạt đỉnh 2,5 tháng
Giá ca cao tại London kỳ hạn giao tháng 3 tăng 26 bảng Anh, tương đương 1,5%, lên1.733 lb/tấn vào lúc kết thúc phiên, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất trong 2-1/2 tháng là 1.742. Trên sàn New York, gia cacao giao cùng kỳ hạn giao tháng 3 kết thúc phiên 1,6% lên 2.597 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.629 USD/tấn.
Kỳ vọng nhu cầu nguyên liệu sản xuất sôcôla sẽ hồi phục nhanh, trong khi nguồn cung vụ này dự báo sẽ giảm.
Sắt thép biến động mạnh
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm vào cuối phiên, sau khi tăng mạnh ở giữa phiên, do thông tin xuất khẩu từ các công ty khai thác lớn giảm và còn đó lo ngai về nhu cầu ngắn hạn đối với nguyên liệu sản xuất thép.
Xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil trong tuần kết thúc vào ngày 9/1ở mức 22,35 triệu tấn, giảm 5,61 triệu tấn so với tuần trước đó, theo dữ liệu từ Mysteel.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giao tháng 5, giữa phiên tăng 2,4% lên 749 nhân dân tệ (117,74 USD)/tấn, nhng cuối phiên giảm 0,7% xuống 726 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc, hàm lượng 62% sắt, giao ngay tại cảng biển nước này tăng 3 USD lên 132 USD/tấn vào thứ Tư (12/1), theo công ty tư vấn SteelHome.
Thép cũng biến động mạnh trong phiên này, với hợp đồng tham chiếu trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 0,7% lên 4.633 nhân dân tệ/tấn. Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, nhích 0,2% lên 4.739 nhân dân tệ/tấn.
Riêng thép không gỉ giao tháng 2 tại Thượng Hải giảm 1,9% xuống 17.650 nhân dân tệ/tấn.
Than giảm
Giá than tại Trung Quốc cũng tăng vào đầu phiên giao dịch nhưng giảm về cuối phiên, với than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 0,9% xuống 2.305 nhân dân tệ/tấn, trong khi than cốc cửa giảm 1,9% xuống 3.106 nhân dân tệ/tấn.
Indonesia, nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, vừa cho phép 37 tàu chở than khởi hành sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, theo Bộ Điều phối Các vấn đề Đầu tư và Hàng hải thông báo ngày 13/1.
Cao su đạt đỉnh 6 tuần
Giá cao su kỳ hạn giao dịch tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng sáu tuần do dữ liệu lạm phát mạnh của Mỹ không đủ gây lo ngại ngân hàng trung ương nước này sẽ thay đổi triển vọng về lãi suất- vốn đã rất ‘diều hâu’, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc yếu.
Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 6 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 1,1 yên, tương đương 0,5%, lên 244,4 yên (2,1 USD)/kg, sau khi có thời điểm trong phiên chạm mức cao nhất kể từ ngày 2 tháng 12, là 247,4 yên.
Trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, cao su kỳ hạn giao tháng 5 giảm 100 nhân dân tệ xuống 14,925 nhân dân tệ (2,346 USD)/tấn vào cuối phiên, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất nhất kể từ ngày 2 tháng 12, là 15.240 nhân dân tệ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 14/1: