MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 15/1: Dầu giảm hơn 2%, thép cao nhất 2 tháng

15-01-2019 - 07:42 AM | Thị trường

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tháng 12/2018 giảm mạnh gây lo ngại kinh tế Trung Quốc xấu đi, kéo kinh tế toàn cầu đi xuống, gây áp lực giảm giá tới dầu thô và kim loại công nghiệp.

Dầu giảm do lo ngại về kinh tế

Giá dầu tiếp tục giảm hơn 2% do những số liệu cho thấy xuất nhập khẩu của Trung Quốc yếu đi làm gia tăng lo ngại về khả năng kinh tế thế giới suy giảm – sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu dầu thô.

Dầu Brent kết thúc phiên vừa qua giảm 1,49 USD tương đương 2,5% xuống 58,99 USD/thùng, dầu Tây Texas (WTI) giảm 1,08 USD tương đương 2,1% xuống 50,51 USD/thùng.

Số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tháng 12/2018 giảm mạnh nhất trong vòng gần 2 năm, trong khi nhập khẩu cũng giảm. Chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm sau những thông tin này.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu yếu đi có nhiều khả năng cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, còn nhu cầu dầu của nước này chưa bị tác động nhiều. Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc tháng 12/2018 tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia ngày 14/1/2019 cho rằng không cần lo lắng về việc kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu dầu vì "kinh tế thế giới vẫn đủ mạnh".

Vàng tăng cũng do số liệu từ Trung Quốc

Vàng tăng giá trong phiên vừa qua do chứng khoán toàn cầu giảm điểm bởi dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tiếp tục yếu đi nữa sau khi nước này thông tin xuất khẩu giảm mạnh. Điều này khiến các nhà đầu tư lại tìm tới những tài sản an toàn như kim loại quý. Giá vàng giao ngay tăng tăng hơn 11% kể từ khi xuống mức thấp nhất 1,5 năm vào giữa tháng 8/2018.

Vàng giao ngay giá tăng 0,4% lên 1.291,99 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn giao sau tăng 0,1% lên 1.291,3 USD/ounce.

Một số nhà phân tích nhận định tình trạng thị trường chứng khoán biến động thất thường và số liệu kém lạc quan của Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp diễn.

Thép cao nhất 2 tháng

Giá thép trên thị trường Trung Quốc đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng khi các thương gia tăng cường mua tích trữ. Thép cây kỳ hạn tham chiếu trên sàn Thượng Hải cuối phiên tăng 1,6% lên 3.575 CNY (528,44 USD)/tấn, mức cao nhất trong vòng 6 tuần, trong phiên có lúc đạt 3.576 CNY, cao nhất 2 tháng. Thép cuộn cán nóng tăng 1,1% lên 3.459 CNY/tấn.

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tăng sau khi Chính phủ Trung Quốc mới đây thông báo về một số dự án hạ tầng cơ sở.

Sắt tăng

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng sau khi hãng Rio Tino thông báo bất khả kháng nên không thể thực hiện được một số hợp đồng giao hàng sau khi xảy ra cháy tại cơ sở xuất khẩu hàng của họ tại Australia. Thông tin nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc năm 2018 giảm 1% so với năm trước đó (lần giảm đầu tiên kể từ 2010) cũng góp phần làm tăng giá quặng sắt (mặc dù vậy khối lượng nhập khẩu vẫn vượt 1 tỷ tấn năm thứ 3 liên tiếp).

Quặng sắt hợp đồng kỳ hạn giao dịch nhiều nhất trên sàn Địa Liên tăng gần 1% lên 513 CNY/tấn.

Than tăng

Giá than đá tăng do thi trường tiếp tục lo ngại về nguồn cung. Than luyện cốc đạt mức cao nhất 4 tuần do vụ sập hầm lò ở mỏ than thuộc tỉnh Thiểm Tây (miền Bắc Trung Quốc). Trong phiên vừa qua có lúc tăng 3,7% trước khi kết thúc phiên ở mức tăng 2,8% so với đóng cửa phiên liền trước, lên 1.245 CNY/tấn trên sàn Đại Liên; than cốc tăng 3,1% lên 2.015 CNY/tấn. Cơ quan phụ trách an toàn mỏ than quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu một số mỏ than ở các trung tâm sản xuất than lớn thuộc Sơn Đông, Hà Namvaf các tỉnh khác thuộc phía Đông Bắc Trung Quốc, phải tạm dừng hoạt động để tiến hành đợt kiểm tra kéo dài tới tháng 6 tới.

Đồng và nhôm giảm

Giá đồng và nhôm đều giảm sau thông tin về xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,8% xuống 5.897 USD/tấn, trong khi nhôm giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 0,4% xuống 1.828 USD/tấn; nhôm giao dịch tại Thượng Hải trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016 nhưng hồi phục vào cuối phiên để đạt 13.285 CNY/tấn (tăng 0,7% so với phiên giao dịch trước).

Tương tự như với mặt hàng dầu, trên thực tế nhập khẩu đồng vào Trung Quốc vẫn đang tăng, nhưng lo ngại kinh tế nước này yếu đi sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu đồng trong tương lai đã gây áp lực giảm giá trong phiên vừa qua.

Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu 5,3 triệu tấn đồng thô, tăng 12,9% so với năm trước đó. Lượng nhôm lưu kho trên sàn LME tăng 9.300 tấn lên 1,1 triệu tấn, và so với giữa tháng 12/2018 đã tăng 73%.

Tuần trước Reuters đưa tin Bắc Kinh dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ ở mức 6-6,5%, sau khi đạt 6,6% trong năm 2018 – thấp nhất trong vòng 28 năm. Các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc dự báo sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn trong năm nay sau khi đã chật vật trong năm 2018. Thị trường ô tô lớn nhất thế giới năm qua đã bị suy giảm lần đầu tiên trong vòng hơn 2 thập kỷ.

Phân hóa học tăng tuần thứ 4 liên tiếp

Giá bán lẻ phân bón tại Mỹ tiếp tục tăng tuần thứ 4 liên tiếp. Trong số 8 loại phân hóa học chủ yếu thì có tới 7 loại tăng giá, trong đó 2 loại tăng mạnh (DTN tăng hơn 5% trong tuần qua).

Giá anhydrous đã tăng hơn 9% so với cách đây một tháng, lên trung bình 571 USD/tấn (tăng 47 USD/tấn); giá UAN28 tăng 7% trong cùng kỳ (tăng 18 USD/tấn) lên trung bình 267 USD/tấn.

5 loại phân bón khác cũng tăng giá. Cụ thể DAP trung bình 508 USD/tấn (tăng 7 USD), MAP 533 USD/tấn (tăng 4 USD), potash 381 USD/tấn (tăng 12 USD), 10-34-0 giá 460 USD/tấn (tăng 34 USD) và UAN32 giá 304 USD/tấn (tăng 11 USD).

Chỉ một loại duy nhất có giá giảm trong vòng một tháng qua, đó là urea, giá trung bình giảm 3 USD xuống 407 USD/tấn.

Đậu tương giảm vì Trung Quốc

Giá đậu tương trên sàn Chicago giảm xuống mức thấp nhất 1,5 tuần do hoạt động bán ra mạnh bởi lo ngại nhu cầu của Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới – vẫn yếu do dịch tả lợn Châu Phi, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn dai dẳng.

Số liệu từ Trung Quốc cho thấy nhập khẩu đậu tương trong tháng 12/2018 giảm 40% so với cùng tháng năm trước, là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011. Tính chung cả năm 2018, nhập khẩu giảm lần đầu tiên kể từ 2011 do Mỹ tăng thuế (giảm 7,9% xuống 88,03 triệu tấn).

Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Mỹ, thường dành tỷ lệ nhập khẩu từ Mỹ nhiều nhất năm vào quý 4 hàng năm, là khi Mỹ hoàn thành việc thu hoạch vụ mùa. Nhưng tháng 11/2018 Trung Quốc không nhập chút đậu tương Mỹ nào.

Cà phê, đường và cacao giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2019 trên sàn New York giảm 1,1 US cent tương đương 1,1% xuống 1,0275 USD/lb sau khi hãng xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil là Comexim nâng dự đoán về sản lượng của nước này niên vụ 2018/19 lên 63,05 triệu bao, từ mức 60,7 triệu bao đưa ra trước đây, khiến nông dân nước này phải trữ hàng lại vì giá hiện quá tháp. Robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 15 USD tương đương 1% xuống 1.528 USD/tấn.

Đường thô giao tháng 3 giảm 0,03 US cent tương đương 0,2% xuống 12,75 US cent/lb, trong khi đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 1,4 USD tương đương 0,4% xuống 343,50 USD/tấn.

Cacao giao tháng 5 trên sàn London giảm 19 GBP tương đương 1,1% xuống 1.709 GBP/tấn, trong khi cacao giao tháng 3 trên sàn New York giảm 15 USD tương đương 0,6% xuống 2.341 USD/tấn. Lượng cacao lưu tại các cảng biển ở Bờ Biển Ngà từ 1/10/2018 đến 13/1/2019 đã tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước, lên 1,195 triệu tấn. Thị trường đang chờ đợi số liệu về lượng xay nghiền cacao trong quý 4/2018 để biết xu hướng nhu cầu.

Lúa mì tăng

Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 1/2019 do tác động cùng lúc từ 3 yếu tố: nhu cầu mạnh từ Ai Cập –một khách hàng lớn, giá lúa mì thế giới tăng và đồng rouble mạnh lên. Lúa mì Biển Đen của Nga (loại 12,5% protein) kỳ hạn giao tháng 1/2019 kết thúc tuần vừa qua đạt 238 USD/tấn, FOB, tăng 1 USD so với cuối tháng 12/2018. Ai Cập hôm 9/1/2019 đã mua 415.000 tấn lúa mì Nga. Tuy nhiên, lúa mì loại 3 tiêu thụ trên thị trường nội địa giảm 50 rouble xuống 11.400 rouble (170 USD)/tấn.

Bộ Nông nghiệp Nga dự báo xuất khẩu lúa mì năm 2018/19 sẽ đạt 42 triệu tấn.

Nguồn cung đậu tương thế giới sắp tới có thể bị ảnh hưởng bởi mưa quá nhiều tại Argentina – nước xuất khẩu lúa mì lớn đồng thời là nước cung cấp khô đậu tương số 1 thế giới.

Dự báo từ tháng 1 tới tháng 3 năm nay Argentina sẽ mưa nhiều và kéo dài, khiến các cánh đồng đậu tương bị ngập trong nước.

Trái bơ Trung Quốc tự trồng có thể thay thế bơ nhập từ Mỹ Latinh

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc khiến nhu cầu quả bơ tăng nhanh. Đó là động lực để nông dân nước này nỗ lực sản xuất mặt hàng này kể từ 2017, nhằm tận dụng cơ hội – hiện đang chủ yếu rơi vào tay Mỹ Latinh.

Thị trường tiêu thụ bơ ở Trung Quốc đang bùng nổ, đã tăng nhanh hiện đạt hơn 30.000 tấn, trong đó chủ yếu là bơ nhập khẩu.

Thịt lợn giá thấp nhất 1 tuần

Giá lợn siêu nạc tại Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 1 tuần, vì các nhà chăn nuôi tăng cường bán lợn ra do thiếu thông tin. Lợn sống trên sàn Chicago kỳ hạn giao tháng 2/2019 giảm 0,8 US cent xuống 61,85 US cent/lb.

Ngày 10/1/2019 giá lợn đã tăng lên mức cao nhất nhiều tuần bởi các nhà chăn nuôi Mỹ nhận định dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc khiến các nhà chăn nuôi Trung Quốc phải bán tháo lợn đi gây thiếu cung thịt lợn. Nhưng Chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa một phần do thiếu ngân sách nên không công bố các thông tin mới xoay quanh vấn đề này, khiến nhà chăn nuôi và các nhà kinh doanh thịt lợn Mỹ mất phương hướng nên đang bán ra quá nhiều.

Tuy nhiên, bão tuyết ở Mỹ đang hoành hành, có thể kéo giá thịt lợn tăng trở lại.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 15/1

Thị trường ngày 15/1: Dầu giảm hơn 2%, thép cao nhất 2 tháng - Ảnh 1.


Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên