Thị trường ngày 15/1: Giá dầu, vàng tăng trở lại, đồng cao nhất 8 năm, đường cao nhất hơn 3,5 năm
Chốt phiên giao dịch ngày 14/1, giá dầu và vàng bật tăng trở lại, đồng cao nhất 8 năm, nickel cao nhất hơn 1 năm, đường cao nhất 3,5 năm, gạo tại Việt Nam cao nhất 9 năm, Ấn Độ cao nhất 4 tháng và Thái Lan cao nhất 8 tháng.
- 14-01-2021"Bão" Covid-19 chưa qua, người chăn nuôi Châu Á lại quay cuồng vì dịch cúm gia cầm
- 14-01-2021Giá bưởi da xanh xuống thấp, nông dân kém vui khi Tết cận kề
- 14-01-2021Thị trường ngày 14/1: Giá dầu quay đầu giảm trong khi đồng, đường, cao su và nhiều mặt hàng khác đồng loạt tăng
Giá dầu tăng trở lại
Giá dầu tăng, được thúc đẩy bởi đồng USD suy yếu và số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng, song mức tăng bị hạn chế do lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu bởi số trường hợp nhiễm virus corona tại châu Âu tăng và các hạn chế mới tại Trung Quốc.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/1, dầu thô Brent tăng 36 US cent tương đương 0,6% lên 56,42 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 66 US cent tương đương 1,3% lên 53,57 USD/thùng.
Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi chỉ số đồng USD giảm, sau khi chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không sớm tăng lãi suất. Đồng bạc xanh suy yếu khiến dầu mua bằng đồng USD trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc năm 2020 tăng 7,3%, với mức cao kỷ lục trong quý 2 và quý 3/2020, khi các nhà máy lọc dầu mở rộng hoạt động và giá dầu ở mức thấp đã khuyến khích dự trữ.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu không thay đổi và cho biết việc sử dụng dầu sẽ tăng 5,9 triệu thùng/ngày trong năm nay lên 95,91 triệu thùng/ngày, sau khi giảm kỷ lục 9,75 triệu thùng/ngày vào năm ngoái do đại dịch.
Giá khí tự nhiên thấp nhất 1 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần, do dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới ít hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York giảm 6,1 US cent tương đương 2,2% xuống 2,666 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 4/1/2021.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng sau bình luận của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell, làm gia tăng kỳ vọng môi trường lãi suất thấp hơn, trong khi triển vọng về các biện pháp kích thích của Mỹ đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn và được coi là biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,3% lên 1.848,22 USD/ounce, trong phiên có lúc tăng 0,8%, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York giảm 0,2% xuống 1.851,4 USD/ounce.
Sau bình luận của Powell, chỉ số đồng USD giảm khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Tổng thống đắc cử Mỹ, Joe Biden sẽ công bố gói kích thích đề xuất có thể vượt 1,5 nghìn tỉ USD.
Giá đồng cao nhất 8 năm, nickel cao nhất hơn 1 năm
Giá đồng tăng, do triển vọng về các biện pháp kích thích kinh tế của Mỹ lớn hơn hỗ trợ thị trường chứng khoán phố Wall lên mức cao kỷ lục, song đồng USD tăng và một đợt bùng phát virus corona tại Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất – đã hạn chế đà tăng.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,7% lên 8.065 USD/tấn, chỉ thấp hơn mức cao đỉnh điểm trong tuần trước (8.238 USD/tấn) – cao nhất kể từ tháng 2/2013.
Sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc tăng, các biện pháp kích thích của chính phủ và ngân hàng trung ương và hoạt động mua đầu cơ đã đẩy giá đồng tăng 26% trong năm 2020. Tuy nhiên, đồng USD trong tháng này hồi phục đã khiến giá đồng trở nên đắt hơn đối với các khách hàng ngoài Mỹ, gây áp lực lên giá đồng, nhà phân tích Wenyu Yao thuộc ING cho biết.
Nguồn cung thắt chặt có thể đẩy giá đồng tăng lên mức trung bình 9.500 USD/tấn trong quý 4/2021, các nhà phân tích thuộc Bank of America cho biết.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2020 tăng hơn so với dự kiến. Nhập khẩu đồng và quặng sắt của nước này trong năm 2020 đạt mức cao kỷ lục, trong khi xuất khẩu nhôm giảm.
Giá nickel trên sàn London tăng 3,4% lên 18.275 USD/tấn – mức cao chưa từng có kể từ tháng 9/2019. Việc ngừng hoạt động tại một số mỏ khai thác của Philippines đã hỗ trợ giá nickel. Sản lượng nickel tinh chế của Trung Quốc năm 2020 tăng 1,4%, các nhà nghiên cứu thuộc Antaike cho biết.
Giá quặng sắt tiếp đà tăng, thép tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 2 liên tiếp, được thúc đẩy bởi nhu cầu bổ sung dự trữ của các nhà máy thép.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên tăng 1,6% lên 1.055 CNY (163,09 USD)/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc không thay đổi ở mức 171,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,1% lên 4.294 CNY/tấn và giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 0,1% lên 13.935 CNY/tấn, song giá thép cuộn cán nóng giảm 0,02% xuống 4.429 CNY/tấn.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong năm 2020 đạt mức cao kỷ lục 1,17 tỉ tấn, song nhập khẩu trong tháng 12/2020 giảm khi thị trường nước ngoài dần hồi phục.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, do các trường hợp nhiễm virus corona mới trên toàn cầu gia tăng bao gồm nước mua hàng đầu – Trung Quốc – dấy lên mối lo ngại về việc đóng cửa nhiều hơn và nhu cầu hàng hóa suy giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Osaka giảm 0,8 JPY tương đương 0,3% xuống 238,4 JPY (2,3 USD)/kg.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 35 CNY lên 14.265 CNY (2.206 USD)/tấn.
Giá cà phê tăng tại Việt Nam và New York, giảm tại Indonesia
Hoạt động giao dịch trầm lắng tại các nước sản xuất cà phê châu Á chủ chốt, khi hoạt động giao dịch tại Việt Nam diễn ra chậm chạp do nhu cầu giảm và thiếu container vận chuyển kể từ tháng 12/2020.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 100-110 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn London, tăng so với mức cộng 90-100 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá dao động 31.200-32.000 VND (1,35-1,39 USD)/kg, giảm so với mức giá 32.200-32.600 VND/kg cách đây 1 tuần.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 12/2020 tăng 66,1% so với tháng trước đó lên 139.046 tấn. Việt Nam đã xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê trong năm 2020, giảm 5,6% so với năm 2019.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2021, giảm so với 275 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 2,1 US cent tương đương 1,7% lên 1,2735 USD/lb, trong phiên trước đó tăng 3,2%.
Tại London, giá cà phê robusta thay đổi nhẹ ở mức 1.332 USD/tấn.
Giá đường cao nhất hơn 3,5 năm
Giá đường thô tăng 5,2% lên mức cao nhất hơn 3,5 năm, do nguồn cung thắt chặt.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 5,2% lên 16,67 US cent/lb – cao nhất kể từ ngày 19/4/2017.
Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 4% lên 464,4 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 5/2017.
Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều tăng
Giá đậu tương tại Mỹ tăng 1,7%, được củng cố bởi nhu cầu tăng mạnh.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 24-1/4 US cent lên 14,3-1/2 USD/bushel. Giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 9-3/4 US cent lên 5,34-1/4 USD/bushel. Đồng thời giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 9-1/2 US cent lên 6,7 USD/bushel.
Giá gạo tại Việt Nam cao nhất 9 năm, Ấn Độ cao nhất 4 tháng và Thái Lan cao nhất 8 tháng
Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ cao nhất 4 tháng, trong khi đồng baht tăng mạnh đẩy giá gạo Thái Lan cao nhất 8 tháng.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm không thay đổi ở mức 383-390 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 9/2020.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam không thay đổi so với cách đây 1 tuần, ở mức 500-505 USD/tấn- cao nhất kể từ tháng 12/2011
Việt Nam cũng bắt đầu mua gạo từ Ấn Độ - lần đầu tiên – sau nhiều thập kỷ, trong bối cảnh tỉ giá tăng và nguồn cung trong nước giảm. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 giảm 1,9% xuống 6,26 triệu tấn, song kim ngạch xuất khẩu tăng 11,2%.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng lên 520-525 USD/tấn so với 515-520 USD/tấn tuần trước đó, do đồng baht tăng mạnh, trong khi nhu cầu nước ngoài duy trì ổn định. .
Giá dầu cọ vẫn thấp nhất 2 tuần
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 4 liên tiếp và chạm mức thấp nhất 2 tuần, chịu ảnh hưởng bởi mối lo ngại nhu cầu giảm khi thị trường chủ chốt – Trung Quốc – cam kết nhập khẩu nhiều hơn từ Indonesia, trong khi Malaysia giữ mức thuế cao 8% đối với xuất khẩu dầu cọ trong tháng 2/2021.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 78 ringgit tương đương 2,11% xuống 3.614 ringgit (894,55 USD)/tấn – thấp nhất kể từ ngày 31/12/2020.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/1