Thị trường ngày 15/12: Dầu, kim loại giảm giá bởi kinh tế Trung Quốc suy yếu
Trung Quốc vừa công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tháng 11 tăng yếu nhất kể từ năm 2003 còn sản lượng công nghiệp tăng thấp nhất 3 năm.
- 13-12-2018Thị trường ngày 13/12: Giá dầu giảm, thép phục hồi, đậu tương cao nhất 4,5 tháng khi Trung Quốc quay trở lại mua hàng Mỹ
- 11-12-2018Thị trường ngày 11/12: Giá dầu quay đầu sụt mạnh theo đà lao dốc của thị trường chứng khoán
- 08-12-2018Thị trường ngày 08/12: Giá dầu đảo chiều tăng mạnh sau khi OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng
Dầu giảm 2%
Giá dầu giảm khoảng 2% trong phiên 14/12 bởi các thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm và số liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Dầu thô Brent giao sau kết thúc phiên giảm 1,17 USD/thùng tương đương 1,9% xuống 60,28 USD/thùng. Dầu Tây Texas WTI giảm 1,38 USD hay 2,62% xuống 51,2 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu Brent đã mất gần 2,3% giá trị, trong khi dầu WTI giảm gần 2,7%.
Các thị trường chứng khoán Mỹ giảm do doanh số bán lẻ tháng 11 của Trung Quốc tăng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2003 và sản lượng công nghiệp tăng thấp nhất 3 năm. Báo cáo cũng bổ sung lo lắng về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Lượng tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc trong tháng 11 giảm so với tháng 10, cho thấy nhu cầu dầu đang giảm, mặc dù hoạt động lọc dầu tăng 2,9% so với mức năm trước.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm 4 giàn khoan trong tuần tính tới ngày 14/12. Số liệu này được xem như một chỉ số sớm của sản lượng tương lai.
Barclay cho biết họ dự kiến giá dầu phục hồi trong nửa đầu năm 2019 khi dự trữ đang giảm, Saudi Arabia cắt giảm xuất khẩu và kết thúc sự miễm trừ các lệnh trừng phạt với Iran.
Giá khí LNG châu Á có tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần sụt giảm
Giá khí tự nhiên hóa lỏng LNG giao ngay ở châu Á kết thúc một tuần tăng giá sau khi sụt giảm kéo dài 3 tuần, với sự khởi đầu mùa đông dự kiến thúc đẩy nhu cầu khí tự nhiên để sưởi ấm.
Nhưng giá tăng bị hạn chế trong bối cảnh các dự báo thời tiết ấm hơn bình thường trong tuần tới tại Tokyo, Bắc Kinh và Seoul, trung tâm nhu cầu hàng đầu về khí tự nhiên tại châu Á và có thêm các nguồn cung từ Mỹ, Nga.
Giá giao ngay tháng 1/2019 kết thúc phiên tăng 10 cent lên 8,9 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu).
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới tăng cường cả sản lượng khí đốt trong nước và nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi chính phủ chuyển nhiều hộ gia đình đang sưởi ấm bằng khí đốt trong mùa đông.
Vàng giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần
Giá vàng giảm phiên thứ 2 liên tiếp xuống mức thấp nhất 1 tuần do đồng USD tăng bởi số liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ, đẩy kim loại này có tuần mất giá lớn nhất trong hơn 1 tháng.
Vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.237,60 USD/ounce, trong phiên có lúc giá đã xuống 1.232,39 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 4/12. Kim loại này đã giảm khoảng 0,8% trong tuần qua. Vàng kỳ hạn kết thúc phiên giảm 0,5% xuống 1.241,4 USD/ounce.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 19 tháng sau khi số liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ theo đà tăng còn sản xuất công nghiệp phục hồi trong tháng 11/2018. Các thị trường đang chờ đợi cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang vào ngày 18 – 19/12, khi Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay.
Vàng đã giảm khoảng 9% kể từ tháng 4/2018 bởi lãi suất của Mỹ ngày một tăng và nhà đầu tư chọn đồng USD để trú ẩn an toàn thay cho vàng trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra. Tuy nhiên các nhà phân tích lạc quan hơn về tương lai của vàng trong năm 2019.
Đồng giảm giá do số liệu công nghiệp của Trung Quốc yếu
Giá đồng thiết lập tuần giảm thứ 3 liên tiếp sau khi số liệu công nghiệp của Trung Quốc thấp hơn dự kiến.
Sản lượng công nghiệp tháng 11/2018 của Trung Quốc tăng thấp nhất trong gần 3 năm. Trong khi số liệu khu vực eurozone chỉ ra tăng trưởng tại Châu Âu đang chậm lại.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên giảm 0,4% xuống 6.131,5 USD/tấn.
Đồng đã giảm 16% trong năm nay bởi những lo sợ rằng nền kinh tế Trung Quốc đang nguội lạnh đi và xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể sớm đẩy nhanh tăng trưởng chậm lại.
Nhà phân tích Daniel Briesemann thuộc ngân hàng Commerzbank cho biết số liệu không khả quan của Trung Quốc và một đồng USD mạnh hơn đang gây ra sức ép lên các kim loại. Nhưng ông cũng cho biết bấp chấp tăng trưởng của Trung Quốc yếu hơn, các yếu tố cơ bản vẫn biện minh cho việc giá đồng biến động trong phạm vi 6.500 tới 7.000 USD/tấn.
Dự trữ đồng trong kho LME tăng 1.250 tấn lên 121.255 tấn nhưng vẫn gần mức thấp nhất trong 10 năm, dấu hiệu của nguồn cung hạn hẹp.
Thép Thượng Hải tiếp tục tăng
Giá thép Thượng Hải tăng ngày thứ 3 liên tiếp, sau khi các thành phố sản xuất thép lớn của Trung Quốc là Đường Sơn và Từ Châu yêu cầu các nhà máy thép hạn chế sản xuất trong bối cảnh lo ngại mục tiêu giảm ô nhiễm trong năm nay sẽ không đạt được.
Chính quyền thành phố Đường Sơn đã yêu cầu các nhà máy tuân thủ các biện pháp cắt giảm sản lượng theo cảnh báo khói bụi mức 1. Chỉ thị này có nghĩa là sản lượng sẽ bị cắt giảm 40% từ mức cắt giảm chỉ 30% của mức 2 hiện nay. Từ Châu thuộc tỉnh sản xuất thép lớn thứ 2 Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động trong suốt tháng 12/2018.
Hợp đồng thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kết thúc phiên tăng 1,7% lên 3.446 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,1% lên 3.444 CNY/tấn.
Số liệu của chính phủ cũng hỗ trợ giá khi cho thấy sản lượng thép thô tháng 11/2018 của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng do lợi nhuận giảm và các biện pháp hạn chế ô nhiễm khiến các nhà sản xuất phải giảm sản lượng.
Cao su TOCOM giảm sau khi đạt mức cao nhất trong 8 tuần
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đóng cửa phiên giảm, sau khi đạt mức cao nhất gần 8 tuần do các nhà đầu tư điều chỉnh lại các hợp đồng trước khi kết thúc tuần và trong bối cảnh lo lắng về kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.
Báo cáo ngày 14/12 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp chậm nhất trong nhiều năm, nhấn mạnh đến những nguy cơ trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 5/2019 kết thúc phiên giảm 0,3 JPY xuống 168,6 JPY/kg, sau khi tăng lên 170,0 JPY, cao nhất kể từ ngày 22/10. Tính chung cả tuần, hợp đồng cao su TOCOM đã tăng 2,6%, đánh dấu tuần thứ 3 tăng giá liên tiếp.
Đại diện của các nhà sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan, Malaysia và Indonesia (gồm Hội đồng cao su 3 bên quốc tế ITRC) đã nhóm họp trong ngày 12 – 13/12 để bàn về giá cao su thấp. Các bên sẽ họp một lần nữa trước khi kết thúc năm để đưa ra các biện pháp cải thiện thị trường được thực hiện vào đầu năm 2019.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,1 US cent hay 0,8% xuống 12,65 US cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường này hiện nay thiếu một xu hướng chung rõ ràng khi giá tăng mạnh trong ngày 13/12 sau khi giảm xuống 12,43 US cent/lb, mức thấp nhất 2 tuần. Họ cũng cho biết tác động tổng thể của hiện tượng thời tiết El Nino có thể không nhiều.
Thời tiết khô hơn khắp khu vực nam Phi, Đông Nam Châu Á và Nam Á thường liên quan tới hiện tượng El Nino. Đây là một yếu tố rủi ro cho sản xuất đường ở những khu vực này. Mặc dù thời tiết El Nino thường mang ẩm ướt hơn bình thường tại khu vực trung nam Brazil, nhưng sẽ có lợi cho vụ mía 2019/2020 của Brazil.
Một cơ quan dự báo thời tiết của Mỹ cho biết có tới 90% khả năng thời tiết El Nino xuất hiện tại bắc bán cầu trong mùa đông 2018 -19.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2019 chốt phiên giảm 2,2 USD hay 0,6% xuống 343 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/12