Thị trường ngày 15/12: Giá dầu tăng tiếp, vàng, quặng sắt và thép đồng loạt giảm
Chốt phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/12, giá dầu, khí tự nhiên, các kim loại công nghiệp và cao su đồng loạt tăng, trong khi vàng, quặng sắt và thép đồng loạt giảm.
- 12-12-2020Thị trường ngày 12/12: Giá dầu, đồng, cao su giảm vì Covid-19 lan nhanh, vàng khởi sắc
- 11-12-2020Thị trường ngày 11/12: Giá dầu cao nhất 9 tháng, nickel lập đỉnh 14 tháng; sắt thép, gạo, cà phê cũng đi lên
Giá dầu tăng nhẹ
Giá dầu tăng nhẹ do kỳ vọng vắc xin virus corona sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, làm lu mờ tình trạng dư cung kéo dài trên thị trường.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/12, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 32 US cent tương đương 0,6% lên 50,29 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 42 US cent tương đương 0,9% lên 46,99 USD/thùng. Cả hai loại dầu đã tăng 6 tuần liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 6/2020.
Giá dầu giảm hơn 1% trong đầu phiên giao dịch sau khi OPEC cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 sẽ hồi phục chậm hơn so với dự kiến, do tác động kéo dài của đại dịch virus corona làm cản trở nỗ lực hỗ trợ thị trường của nhóm và các đồng minh.
Giá dầu tăng bất chấp các dấu hiệu nguồn cung gia tăng gây áp lực thị trường, bao gồm sản lượng dầu Libya đạt 1,28 triệu thùng/ngày, tăng so với 1,25 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 11/2020. Tại Mỹ, trong tuần trước các công ty năng lượng đã bổ sung nhiều giàn khoan dầu và khí tự nhiên kể từ tháng 1/2020, khi các nhà sản xuất tiếp tục trở lại quay trở lại giàn khoan. Đồng thời, tồn trữ dầu thô toàn cầu trong tháng 12/2020 vẫn cao hơn nhiều so với mức năm 2019 và 2018, công ty Kpler cho biết.
Giá khí tự nhiên tăng hơn 3%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 3% lên mức cao nhất hơn 1 tuần do xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt mức cao kỷ lục và dự kiến nhu cầu sưởi ấm tăng cao, bởi dự báo thời tiết lạnh hơn.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn New York tăng 9,1 US cent tương đương 3,5% lên 2,682 USD/mmBTU – cao nhất kể từ ngày 2/12/2020.
Giá vàng giảm
Giá vàng giảm khi vắc xin Covid-19 được đưa ra tại Mỹ thúc đẩy lạc quan về thị trường tài chính và kỳ vọng về nền kinh tế toàn cầu hồi phục.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,6% xuống 1.827,55 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm 1% xuống 1.819,35 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York giảm 0,6% xuống 1.832,1 USD/ounce. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá vàng đã tăng hơn 20%.
Kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục và quyết định kéo dài các cuộc đàm phán thương mại giữa Anh và EU cũng hỗ trợ thị trường chứng khoán châu Âu. Các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu từ ngày 15/12/2020 để có những manh mối về chính sách tiền tệ.
Giá các kim loại công nghiệp tăng
Giá các kim loại cơ bản tăng do các nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục, khi triển khai virus corona và tiến triển trong các cuộc đàm phán Brexit.
Giá nickel trên sàn London tăng 1,9% lên 17.600 USD/tấn - cao nhất 14 tháng (17.765 USD/tấn)
Nhà phân tích Ole Hansen thuộc Saxo Bank cho biết, giá các kim loại công nghiệp tăng theo xu hướng thị trường chứng khoán tăng, được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng và đồng USD suy yếu.
Giá quặng sắt và thép đều giảm
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm, rời khỏi mốc 1.000 CNY/tấn trong tuần trước đó, được hậu thuẫn bởi hoạt động đẩy mạnh mua vào.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên giảm 3,2% xuống 966 CNY (147,67 USD)/tấn.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Singapore giảm 3,7% xuống 152 USD/tấn.
Các nhà phân tích thuộc ING dự kiến nguồn cung quặng sắt trong năm tới sẽ tăng lên 100 triệu tấn và việc triển khai vắc xin virus corona có thể củng cố nhu cầu và hỗ trợ giá quặng sắt lên hơn 100 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 2,9%, thép cuộn cán nóng giảm 1,8% song giá thép không gỉ tăng 2,2%.
Giá cao su tăng
Giá cao su trên sàn Osaka tăng theo xu hướng giá cao su kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng, do hoạt động đẩy mạnh mua vào và tiến triển về vắc xin Covid-19, làm gia tăng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Osaka tăng 10 JPY tương đương 4,4% lên 239,9 JPY (2,3 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 230 CNY lên 14.655 CNY (2.241 USD)/tấn, do doanh số bán ô tô tại Trung Quốc tăng mạnh, thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu lốp xe tăng.
Doanh số bán ô tô Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 25,3 triệu chiếc, khi thị trường ô tô lớn nhất thế giới dẫn đầu sự phục hồi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu từ mức thấp trong đại dịch.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê arabica tăng lên mức cao nhất 3 tháng, khi những người nông dân tại Brazil chưa muốn bán ra.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York tăng 3,7% lên 1,2615 USD/lb, cao nhất kể từ ngày 14/9/2020.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn London tăng 1,4% lên 1.376 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam – nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu – trong tháng 11/2020 giảm 8,4% so với tháng 10/2020 xuống 83.730 tấn.
Giá đường giảm
Giá đường thô giảm khi các nhà đầu tư thanh lý các hợp đồng dài hạn, thời tiết tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – được cải thiện và Ấn Độ sẽ công bố trợ cấp xuất khẩu đường.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 2,1% xuống 14,12 US cent và có tuần giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần trước đó.
Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 1,3% xuống 390,3 USD/tấn.
Giá lúa mì giảm, đậu tương và ngô tăng
Giá lúa mì tại Mỹ giảm 2,9% - phiên giảm mạnh nhất trong 2 tuần, khi kế hoạch thuế xuất khẩu của Nga sẽ khiến giá lúa mì giảm trong ngắn hạn.
Trong khi đó, giá đậu tương tăng được hỗ trợ bởi dự báo nhập khẩu bởi nước sản xuất hàng đầu – Brazil – tăng và giá ngô cũng tăng.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 8 US cent xuốn 5,96-1/2 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 9 US cent lên 11,69-1/2 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 1/2 US cent lên 4,24 USD/bushel.
Nước xuất khẩu lúa mì chủ yếu – Nga – có kế hoạch áp đặt thuế xuất khẩu 25 euro (30,4 USD)/tấn đối với xuất khẩu lúa mì giai đoạn 15/2-30/6/2021. Đây là một phần của các biện pháp nhằm bình ổn giá lương thực trong nước.
Brazil sẽ nhập khẩu 800.000 tấn đậu tương trong năm 2021, cao hơn so với 500.000 tấn dự báo trước đó, Hiệp hội các nhà nghiền hạt có dầu Abiove cho biết.
Giá dầu cọ tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 3 liên tiếp, do giá dầu đậu tương và dầu thô tăng bởi dự kiến sản lượng giảm đã hỗ trợ thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 12 ringgit tương đương 0,35% lên 3.442 ringgit (850,3 USD)/tấn.
Thị trường tập trung vào thông tin xuất khẩu dầu cọ thô Malaysia giai đoạn từ 1-15/12/2020 và thông báo thuế xuất khẩu dầu cọ thô của nước này trong tháng 1/2021 sẽ có hiệu lực, chấm dứt 6 tháng miễn giảm thuế.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/12