Thị trường ngày 15/6: Giá ngô, lúa mì và đường tăng mạnh, dầu thô cũng tăng tiếp
Chốt phiên giao dịch đêm qua 14/6, giá dầu tăng tiếp, khí tự nhiên rời khỏi mức thấp nhất gần 3 năm, quặng sắt cao nhất 6 năm, ngô cao nhất 5 năm, lúa mì cao nhất 6 tháng và đường thiết lập mức cao mới 1,5 tháng, trong khi vàng và đồng giảm trở lại.
- 14-06-2019Thị trường ngày 14/6: Giá dầu tăng mạnh trở lại, quặng sắt thiết lập mức cao kỷ lục mới
- 13-06-2019Thị trường ngày 13/6: Giá dầu lao dốc xuống thấp nhất 5 tháng
- 12-06-2019Thị trường ngày 12/6: Giá sắt, thép tăng vọt
Dầu tăng tiếp
Giá dầu tăng khoảng 1% sau các cuộc tấn công 2 tàu chở dầu tại vịnh Oman trong tuần này, dấy lên mối lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung, song giá dầu vẫn có tuần giảm do lo ngại tranh chấp thương mại sẽ khiến nhu cầu dầu toàn cầu suy giảm.
Chốt phiên giao dịch đêm qua 14/6, dầu thô Brent tăng 70 US cent tương đương 1,1% lên 62,01 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 23 US cent tương đương 0,4% lên 52,51 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent vẫn có tuần giảm khoảng 2%, tuần giảm thứ 4 liên tiếp, trong khi giá dầu thô Mỹ giảm gần 3%.
Giá dầu có tuần giảm do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2019 thêm 100.000 thùng/ngày (bpd) xuống 1,2 triệu bpd. Thêm vào đó là Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2019 thậm chí thấp hơn so với IEA xuống 1,14 triệu bpd.
Khí tự nhiên rời khỏi mức thấp nhất gần 3 năm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng từ mức thấp nhất gần 3 năm, do dự báo nhiệt độ và nhu cầu tăng khi các nhà máy phát điện đốt nhiều khí hơn để đáp ứng việc sử dụng điều hòa không khí tăng cao và xuất khẩu tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn New York tăng 6,2 US cent tương đương 2,7% lên 2,387 USD/mBTU, ngày tăng mạnh nhất trong 5 tuần. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng khoảng 2% sau khi giảm khoảng 11% trong hơn 3 tuần qua.
Vàng giảm trở lại, palađi tăng
Vàng giảm trở lại sau khi tăng lên mức cao nhất 14 tháng trong đầu phiên giao dịch, do lạc quan về doanh số bán lẻ của Mỹ làm giảm bớt lo ngại nền kinh tế đang chậm lại trong quý 2/2019.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) giảm 0,2% xuống 1.339,49 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch đạt 1.358,04 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 11/4/2018. Vàng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.344,5 USD/ounce.
Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 5/2019 tăng mạnh cho thấy sự gia tăng trong chi tiêu của người tiêu dùng, có thể làm giảm bớt lo ngại nền kinh tế đang chậm lại trong quý 2/2019. Số liệu này làm giảm bớt kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất ngay lập tức.
Trong khi đó, palađi tăng 1,3% lên 1.463,52 USD/ounce, tăng phiên thứ 7 liên tiếp và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2018.
Đồng giảm trở lại
Đồng giảm trở lại sau số liệu sản xuất và đầu tư từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – suy yếu, làm gia tăng tác động đến tăng trưởng và triển vọng nhu cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,6% xuống 5.822 USD/tấn. Trong tháng này, giá đồng đã giảm xuống 5.740 USD/tấn, thấp nhất 5 tháng.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 5/2019 bất ngờ chậm lại xuống mức thấp nhất hơn 17 năm, với đầu tư cũng giảm trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy yếu. Trung Quốc chiếm khoảng 1/2 nhu cầu đồng toàn cầu, ước đạt 24 triệu tấn trong năm nay, trong khi Mỹ chiếm gần 10%.
Quặng sắt cao nhất 6 năm, thép giảm
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng lên mức cao đỉnh điểm và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019, được thúc đẩy bởi dự kiến nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hỗ trợ nền kinh tế chậm lại.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên tăng 2,2% lên 783,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc tăng mạnh 4% lên 797,5 CNY (115,2 USD)/tấn, cao nhất kể từ năm 2013. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 11,4% và tăng 80% trong năm nay.
Giá quặng sắt giao ngay cũng tăng mạnh, với quặng sắt 62% Fe sang Trung Quốc dao động lên mức cao nhất gần 5 năm (107,5 USD/tấn), tăng so với 104,5 USD/tấn trong phiên trước đó.
Giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.755 CNY/tấn, xói mòn mức tăng đầu phiên. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,1% lên 3.628 CNY/tấn.
Cao su giảm tiếp
Giá cao su tại Tokyo giảm theo xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải, do dự trữ tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn TOCOM giảm 2,6 JPY (0,024 USD) xuống 202 JPY/kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn TOCOM giảm 1,2%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 245 CNY (35,39 USD) xuống 11.970 CNY/tấn, do dự trữ cao su tại kho ngoại quan Thượng Hải tăng 0,2% so với mức hôm 31/5/2019.
Đường thiết lập mức cao mới 1,5 tháng, cà phê giảm
Giá đường tưng lên mức cao mới 1,5 tháng, do nhu cầu ethanol tăng mạnh và sản lượng đường tại Ấn Độ suy giảm, trong khi giá cà phê giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn ICE không thay đổi ở mức 12,75 US cent/lb, sau khi đạt mức cao mới 1,5 tháng (12,78 US cent/lb). Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn ICE giảm 70 US cent tương đương 0,2% xuống 335 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn ICE giảm 1,7 US cent tương đương 1,7% xuống 98,05 US cent/lb. Tính chung cả tuần giá cà phê giảm 5,3%, tuần giảm mạnh nhất trong 1,5 năm. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 22 USD tương đương 1,6% xuống 1.392 USD/tấn.
Ngô cao nhất 5 năm, lúa mì cao nhất 6 tháng
Giá ngô tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 5 năm, do dự báo nhiều mưa tại khu vực đông Trung Tây Mỹ trong tuần tới, làm giảm triển vọng diện tích trồng muộn và năng suất cây trồng.
Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 8-1/4 US cent lên 4,5-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 4,57-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 6/2014.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 5 US cent lên 8,93 USD/bushel. Giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông cùng kỳ hạn trên sàn Chicago giảm 1/4 US cent xuống 5,35-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 5,44 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 19/12/2018.
Dầu cọ tiếp tục tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng do dự kiến nhu cầu nhiên liệu sinh học từ nhà sản xuất đối thủ - Indonesia – duy trì vững và thiếu nguồn cung dầu cọ thô đã hỗ trợ giá.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,1% lên 2.030 ringgit (487,16 USD)/tấn, giá dầu cọ tăng trong nửa cuối phiên từ mức thấp nhất 1 tháng trong đầu tuần, theo xu hướng thị trường dầu đậu tương.
Kế hoạch của Indonesia, một quốc gia sản xuất dầu cọ đối thủ sẽ tăng thành phần sinh học trong chương trình dầu diesel sinh học bắt buộc, đã hỗ trợ giá thị trường Malaysia. Nước xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới đặt mục tiêu tất cả dầu diesel sinh học phải chứa hàm lượng sinh học 30%, được gọi là B30 từ năm tới, tăng từ mức 20% hiện nay.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/06