Thị trường ngày 15/7: Giá dầu tăng, vàng duy trì trên 1.800 USD/ounce
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua do nguồn cung thấp; vàng tiếp tục giữ vững trên ngưỡng 1.800 USD/ounce trong khi nhiều mặt hàng khác giảm do tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng có thể khiến cho làn sóng đóng cửa kinh tế tái diễn, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung nóng lên khiến triển vọng nhu cầu hàng hóa càng trở nên mờ mịt.
- 11-07-2020Thị trường ngày 11/07: Dầu bật tăng hơn 2%, vàng tiếp đà giảm
- 10-07-2020Thị trường ngày 10/7: Vàng mất đà tăng trong khi giá sắt, thép, đồng và cao su đồng loạt đi lên nhờ Trung Quốc
- 09-07-2020Thị trường ngày 09/07: Vàng tiếp đà tăng lên mức cao nhất 9 năm
Dầu tăng nhẹ do OPEC+ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên vừa qua sau khi OPEC và các đồng minh (OPEC+) cho biết đã cắt giảm sản lượng nhiều hơn so với cam kết trong tháng 6/2020, mặc dù thị trường tiếp tục lo ngại khi số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tiếp tục tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 18 US cent lên 42,90 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 19 US cent lên 40,29 USD/thùng.
Giá dầu phiên vừa qua cũng được hỗ trợ bởi thông tin từ Viện Dầu khí Mỹ cho biết lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần qua giảm nhiều hơn dự kiến. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ công bố số liệu này trong ngày 15/7. Kết quả thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy các nhà phân tích ước tính sơ bộ rằng tồn trữ xăng ở nước này đã giảm 600.000 thùng, trong khi tồn trữ dầu thô giảm 2,1 triệu thùng trong tuần qua.
Trong khi đó, thông tin từ OPEC cho thấy, OPEC+ trong tháng 6 vừa qua đã tuân thủ 107% thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Báo cáo hàng tháng của OPEC vừa công bố dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 7 triệu thùng/ngày vào năm tới, nhưng vẫn chưa về mức trước Covid-19.
Thị trường đang chờ đợi thông tin về việc OPEC+ sẽ quyết định kéo dài thời gian cắt giảm sâu sản lượng, sau khi Ủy ban Giám sát OPEC kết thúc kỳ họp vào ngày 15/7. Theo thỏa thuận hiện tại, OPEC+ sẽ hạ mức cắt giảm sản lượng từ 9,7 triệu thùng/ngày xuống 7,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8-12/2020.
Tuy nhiên, thị trường vẫn thận trọng trước những lo ngại rằng các bang ở Mỹ có thể gia tăng những biện pháp giãn cách/cách ly để chống lại sự lây lan của Covid-19 như California, và tiếp đến là Florida và Texas đã quyết định vào ngày 14/7. Nhiều nơi ở Châu Á và Australia cũng đã đưa ra những hạn chế mới đối với việc đi lại.
Các nhà phân tích của Citi cho biết, nguồn cung tăng dù không nhiều cũng có thể ảnh hưởng tới giá dầu, vì không chắc chắn về nhu cầu khi chưa khống chế được Covid-19. Morgan Stanley cũng cho rằng nhu cầu sẽ khó có thể về lại mức trước khi xảy ra đại dịch.
Vàng tiếp tục vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce
Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên vừa qua do lo ngại về tình trạng lây nhiễm virus corona trên toàn cầu khiến nhiều khu vực đang nỗ lực tìm thêm giải pháp để ngăn ngừa sự lây lan của virus này.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.809,83 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 8/2020 vững ở 1.813,40 USD/ounce. Đồng USD giảm trong khi EUR tăng ở phiên vừa qua vì sự lạc quan về khả năng EU sẽ tăng cường kích thích kinh tế.
Jeffrey Sica, người sáng lập quỹ Circle Squared Alternative Investments cho biết: "Dự đoán có thể xảy ra tình trạng đóng cửa kinh tế trên diện rộng, khiến mọi người quay trở lại với vàng để phòng ngừa rủi ro", và "Có nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không chỉ tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế mà còn đẩy nhanh một số chương trình – điều sẽ khiến giá vàng tăng đáng kể".
Giá vàng đã tăng hơn 19% trong năm nay do lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu – khiến vàng được ưa chuộng như một rào cản chống lại lạm phát và tranh chấp tiền tệ.
Xung đột gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, mới đây nhất liên quan đến vấn đề Biển Đông và Bắc Kinh thông báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Lockheed Martin vì liên quan đến vụ bán vũ khí cho Đài Loan cũng góp phần khiến cho nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng.
Sự quan tâm của nhà đầu tư tới kim loại quý này thể hiện ở việc, lượng vàng mà quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust GLD, nắm giữ đã tăng 0,3% lên 1.203,97 tấn trong ngày 13/7/2020.
Khí gas ổn định, nhu cầu và thanh khoản thấp
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á trong tuần qua tiếp tục ổn định tuần thứ 4 liên tiếp giữa bối cảnh nhu cầu tiếp tục yếu trên toàn cầu và hoạt động giao dịch không sôi động.
Giá trung bình mặt hàng LNG kỳ hạn tháng 8/2020 giao tới thị trường Bắc Á ngày 10/7 ở mức 2,2 USD/mmBtu, tương tự như tuần trước đó.
Mặc dù giá thấp nhưng nhu cầu đối với mặt hàng này không nhiều vì nhà đầu tư biết rằng nguồn cung trên thế giới đang dồi dào. Do đó, mức tồn trữ ở Châu Á hiện còn rất ít, và các hợp đồng kỳ hạn xa có khối lượng chủ yếu cũng chỉ ở mức đủ đáp ứng nhu cầu.
Đồng giảm khỏi mức cao nhất 2 năm do lo ngại về virus corona, các kim loại khác nhất loạt đi xuống
Giá đồng quay đầu giảm trong phiên vừa qua sau khi lập kỷ lục cao nhất trong vòng 2 năm ở phiên trước đó do lo ngại về tình trạng dịch Covid-19 gia tăng và căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch ở sàn London (LME), đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 1% xuống 6.506 USD/tấn. Các kim loại cơ bản khác cũng đồng loạt giảm, theo đó nhôm mất 0,3% xuống 1.684,50 USD/tấn, kẽm giảm 3,1% xuống 2.191,5 USD/tấn, nickel giảm 0,9% xuống 13.590, chì trượt 1,7% xuống 1.849, chỉ riêng thiếc tăng 0,9% lên 17.285 USD/tấn.
Mặc dù vậy, kim loại đỏ đã tăng giá khoảng 50% từ mức thấp nhất 45 tháng hồi tháng 3/2020, đạt mức cao nhất 2 năm vào ngày 13/7/2020, chủ yếu do lo ngại về nguồn cung của nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới – Chile.
Giá quay đầu giảm trong phiên vừa qua, cùng xu hướng với thị trường chứng khoán và dầu mỏ, sau khi tiểu bang đông dân nhất ở Mỹ, California áp đặt các hạn chế mới để chống Covid-19, và Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố có thể xử phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Quặng sắt tăng vì kỳ vọng nhu cầu mạnh lên
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng phiên thứ 2 liên tiếp do kỳ vọng nhu cầu sẽ mạnh lên khi kinh tế hồi phục sau mùa mưa lũ trong khi nguồn cung chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trên sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 có thời điểm tăng 3,2% lên 845 CNY (120,53 USD)/tấn; lúc đóng cửa tăng 2,4% lên 839 CNY/tấn. Trong phiên liền trước (13/7), quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc giá tăng 2,5% lên 109,5 CNY/tấn.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu quặng sắt vào nước này trong tháng 6/2020 đạt mức cao nhất 33 tháng, là 101,68 triệu tấn.
Thép tăng
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây và thép cuộn cán nóng (kỳ hạn tháng 10) tăng lần lượt 0,2% và 0,4% trong phiên vừa qua, từ các mức 3.739 CNY/tấn và 3.734 CNY/tấn của phiên liền trước. Thép không gỉ kỳ hạn tháng 9 cũng tăng 0,1% lên 13.590 CNY/tấn.
Than giảm
Giá than trên thị trường Trung Quốc giảm, theo đó trong phiên vừa qua, than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 0,6% xuống 1.198 CNY/tấn, còn than cốc giảm 0,5% xuống 1.898 CNY/tấn
Nhập khẩu than của Trung Quốc tháng 6/2020 giảm 6,7% so với cùng tháng năm ngoái, xuống 25,29 triệu tấn, do những hạn chế về nhập khẩu ở các cảng biển. Trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 173,99 triệu tấn than, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đường thấp nhất 6 tuần
Giá đường giảm trong phiên vừa qua do không chắc chắn về việc mở cửa trở lại của các nhà máy trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng.
Kết thúc phiên vừa qua, đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,26 US cent (2,2%) xuống 11,32 US cent/lb, trong phiên có thời điểm giá xuống mức thấp nhất 6 tuần – 11,27 US cent. Đường trắng kỳ hạn tháng 8 cùng phiên cũng giảm 20 US cent (0,1%) xuống 334,9 USD/tấn.
Thị trường năng lượng yếu đi có thể thúc đẩy các nhà máy ở khu vực đông nam Brazil tăng sản xuất đường thay vì sản xuất ethanol.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 0,7 US cent, tương đương 0,7%, xuống 97,95 US cent/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 9 USD (0,7%) xuống 1.215 USD/tấn.
Nhà phân tích kỹ thuật Axel Rudolph của Commerzbank cho biết, việc giá cà phê giảm xuống dưới ngưỡng kháng cự hồi đầu tháng cho thấy áp lực giảm giá sẽ còn tiếp diễn.
Cao su giảm do căng thẳng Mỹ - Trung và số ca nhiễm virus tăng
Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) giảm trong phiên giao dịch vừa qua do lo ngại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và những hạn chế mới liên quan đến việc số ca nhiễm virus corona tăng ở nhiều nơi trên thế giới có thể làm chậm tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,5 JPY xuống 156,3 JPY (1,46 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 10 CNY xuống 10.600 CNY (1.511 USD)/tấn.
Trong khi đó, các bang ở Australia ngày 14/7 siết chặt kiểm soát biên giới và hạn chế người dân lui tới các quán rượu, còn Disney chuẩn bị đóng cửa các công viên giải trí ở Hongkong và Nhật Bản nhằm hạn chế sự lây nhiễm virus corona.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 15/7