Thị trường ngày 16/04: Giá dầu thấp nhất trong 18 năm, vàng đảo chiều giảm
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua dầu thô Mỹ xuống thấp nhất trong hơn 18 năm, dầu Brent giảm hơn 6% khi tồn trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ tăng kỷ lục, vàng đảo chiều giảm sau khi nhà đầu tư chốt lời, đồng giảm do lo lắng về suy thoái kinh tế …
- 14-04-2020Thị trường ngày 14/04: Vàng bật tăng cao nhất 7 năm, dầu diễn biến trái chiều
- 11-04-2020Thị trường ngày 11/4: Giá đồng cao nhất hơn 3 tuần, sắt và thép đều tăng
- 10-04-2020Thị trường ngày 10/4: Giá dầu quay đầu giảm hơn 9%, vàng bật tăng cao nhất 1 tháng
Dầu tiếp đà giảm
Dầu thô Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 18 năm và dầu Brent mất hơn 6%, sau khi Mỹ báo cáo tồn trữ dầu thô hàng tuần tăng mạnh nhất trong lịch sử, trong khi nhu cầu dự kiến giảm xuống thấp nhất trong một phần tư thế kỷ do đại dịch.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu giảm khoảng 29 triệu thùng/ngày trong tháng 4 xuống mức chưa từng thấy trong 25 năm và cho biết không có sự cắt giảm sản lượng nào có thể bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm trong ngắn hạn của thị trường.
Chốt phiên 15/4, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 6 giảm 1,91 USD hay 6,45% xuống 27,69 USD/thùng, từ bỏ giá trị tăng trước đó. Dầu thô WTI kỳ hạn tháng 5 giảm 24 US cent hay 1,19% xuống 19,87 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 2/2002.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ, nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đã tăng vọt 19 triệu thùng trong tuần trước, trong khi các nhà máy lọc dầu cắt giảm công suất hoạt động xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu sụt giảm bởi những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Các quan chức và một số nguồn tin từ các quốc gia OPEC+ cho biết IEA có thể thông báo mua dầu tới hàng triệu thùng để hỗ trợ thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nhưng cho tới ngày 15/4, không có giao dịch mua nào của IEA được thực hiện. Trong báo cáo, cơ quan này cho biết họ vẫn đang chờ thêm chi tiết về việc cắt giảm sản lượng theo kế hoạch và đề xuất sử dụng dự trữ chiến lược. IEA cho biết thêm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đề nghị hay đang xem xét việc mua dự trữ đó.
Một số nhà phân tích cho biết họ dự kiến áp lực giảm giá hơn nữa trên thị trường nếu không có sự phục hồi nhu cầu.
Vàng đảo chiều giảm
Vàng giảm do đồng USD mạnh lên và một số nhà đầu tư chốt lời khi giá tăng vọt trong tháng này, nhưng lo sợ về suy thoái toàn cầu đã hạn chế đà giảm.
Vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.716,79 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 1,6% xuống 1.740,2 USD/ounce.
Chứng khoán toàn cầu giảm khi giá dầu giảm và cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ năm 1930 đã nhấn mạnh thiệt hại kinh tế do virus corona gây ra. Doanh số bán lẻ của Mỹ giảm kỷ lục trong tháng 3.
Vàng có xu hướng được hưởng lợi từ những biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương, vì nó thường được coi như rào cản chống lạm phát và sự giảm giá tiền tệ.
Giá vàng tăng gần 9%, hay hơn 130 USD trong tháng này sau khi nhiều quốc gia mở rộng phong tỏa và các ngân hàng trung ương khắp thế giới tung ra các biện pháp tài chính và tiền tệ để kiềm chế tác động của đại dịch.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do động thái thúc đẩy kinh tế của ngân hàng trung ương Trung Quốc bị lu mờ trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến các thị trường chứng khoán và giá dầu sụt giảm.
Đồng đã giảm từ trên 6.300 USD/tấn hồi giữa tháng 1 xuống mức thấp 4.371 USD trong tháng 3, nhưng gián đoạn nguồn cung và hy vọng sự phục hồi của Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, đã nâng giá trở lại trên 5.000 USD/tấn.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,1% xuống 5.106 USD/tấn.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, giải phóng khoảng 28 tỷ USD.
Dự trữ đồng của sàn LME tăng lên 261.225 tấn, cao nhất trong 6 tháng. Giá đồng giao ngay tiếp tục thấp hơn đồng giao sau 3 tháng tới 30,75 USD, cao nhất kể từ tháng 1, cho thấy nguồn cung đồng dồi dào trong ngắn hạn.
Dự trữ đồng tại sàn giao dịch Thượng Hải đã chạm mức cao nhất trong 4 năm trên 380.000 tấn trong tháng trước, nhưng kể từ đó đã giảm xuống 317.928 tấn.
Phí bảo hiểm nhập khẩu đồng của Trung Quốc đã tăng lên 81,5 USD cao nhất 7 tháng từ 55 USD trong tháng 2, cho thấy nhu cầu tăng. Nhập khẩu đồng trong tháng 3 tăng 13% so với tháng 3 năm trước.
Thép không gỉ ở Thượng Hải cao nhất trong hơn 7 tuần
Thép không gỉ tại Trung Quốc tiếp tục tăng trong phiên thứ 7 liên tiếp do nhu cầu phục hồi, trong khi nguồn cung nguyên liệu thô gián đoạn do các mỏ nickel tại Philippines đóng cửa.
Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 1,4% lên 12.860 CNY (1.822,48 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 25/2.
Một nhà phân tích thuộc Huatai Future cho biết một số nhà máy thép hạn chế bán ra gần đây để hỗ trợ giá thép không gỉ (đã xuống mức thấp nhất kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) kích thích nhu cầu mua thêm của thương nhân, nhưng nhu cầu mạnh mẽ này có thể không bền vững khi xuất khẩu giảm vì đại dịch.
Gián đoạn nguồn cung tại Philippines có thể thúc đẩy giá quặng nickel trong giai đoạn tới.
Giá thép thanh và thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải đều giảm 0,6% xuống lần lượt 3.373 CNY và 3.196 CNY/tấn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 0,3% lên 607 CNY/tấn.
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng sắt 62% giao sang Trung Quốc tăng 85,5 USD/tấn trong ngày 14/4.
Cao su TOCOM tăng
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng do các nhà đầu tư săn giá hời và do lạc quan rằng Mỹ có thể nới lỏng lệnh phong tỏa.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch TOCOM đóng cửa tăng 0,9 JPY lên 152,3 JPY (1,42 USD)/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải tăng 20 CNY lên 10.035 CNY (1.421 USD)/tấn.
Nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng 3,6% trong tháng 3/2020 so với một năm trước.
Đường thô tăng sau khi xuống thấp nhất 1,5 năm
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,11 US cent hay 1,1% lên 10,16 US cent/lb, trong phiên giá đã xuống 9,96 US cent, thấp nhất kể từ tháng 9/2018.
Các nhà máy mía tại Brazil có xu hướng sản xuất thêm đường và ít ethanol hơn khi giá năng lượng thấp.
Ấn Độ, nhà sản xuất đường hàng đầu thế giới có thể nhận lượng mưa trung bình trong năm nay, nâng dự đoán sản lượng nông sản tăng.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 hết hạn trong phiên này, giảm 2,5 USD hay 0,7% xuống 342,7 USD/tấn.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 0,5 USD hay 0,2% lên 331,7 USD/tấn.
Việc đóng cửa 2 nhà máy đường lớn của Phillipines do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus corona có thể dẫn tới thiếu hụt đường trong nước và giá tăng vọt.
Cà phê tăng giá
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 2,85 US cent hay 2,4% lên 1,212 USD/lb.
Arabica đang tìm kiếm chiều hướng, đã có được một diễn biến mạnh trong tháng 3 trong bối cảnh nguồn cung và dự trữ tiêu dùng hạn hẹp, nhưng những lo ngại đang gia tăng khi nhu cầu có thể chậm lại.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 14 USD hay 1,2% lên 1.206 USD/tấn, trước đó đã chạm mức thấp nhất một tháng tại 1.154 USD.
Ngô thấp nhất 3,5 năm, đậu tương, lúa mì cùng giảm
Giá ngô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 3,5 năm do sản lượng ethanol hàng tuần thấp kỷ lục, phản ánh nhu cầu yếu. Đậu tương và lúa mì cũng giảm.
Ngô tại sàn giao dịch Chicago CBOT đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/9/2016. Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 2,1% xuống 3,19-1/4 USD/bushel.
Lúa mì kỳ hạn tháng 5 giảm 1,5% xuống 5,40-1/4 USD/bushel do việc bán ra theo yếu tố kỹ thuật và vụ lúa mì đang cải thiện tại khu vực Biển Đen.
Đậu tương kỳ hạn tháng 5 giảm 0,7% xuống 8,42 USD/bushel, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/3 trong đầu phiên giao dịch.
Lượng container trái cây ở cảng Thâm Quyến, Trung Quốc tăng 46% trong quý 1
Cảng Shekou thuộc thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc đã chứng kiến lượng container trái cây tăng 46% lên gần 17.000 TEU (đơn vị tương đương 20 feet) trong quý 1/2020. Các loại trái cây chủ yếu là thanh long, chuối, dừa, dứa và cam.
Một lượng lớn sầu riêng từ Thái Lan cũng cập cảng trong tháng này. Cảng đã tạo điều kiện giải phóng mặt bằng cho trái cây đắt tiền nhưng dễ hỏng. Sầu riêng có thể được các nhà phân phối bốc dỡ trong 2 giờ trước khi tung trực tiếp ra thị trường.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 16/4