Thị trường ngày 16/2: Giá dầu và vàng tiếp tục tăng mạnh
Giá dầu và vàng đang trên đà khởi sắc khi liên tiếp tăng nhiều phiên. Tuy nhiên, thị trường kim loại cơ bản và ngũ cốc nhìn chung vẫn chịu nhiều sức ép. Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là tâm điểm chú ý của giới đầu tư hàng hóa. Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa giao dịch vào thứ 2 tới (18/2) để nghỉ Lễ Tổng thống.
- 16-02-2019Bị gây khó khi chuyển mạng giữ số
- 15-02-2019Đại lý tư nhân Việt Nam bán chênh 1,5 tỷ đồng cho mẫu ô tô này
- 15-02-2019Xuất khẩu hạt tiêu: Phải đi vào chất lượng
Dầu tăng hơn 2% lên cao nhất trong năm
Giá dầu thô vừa tiếp tục tăng thêm 2% lên mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay sau khi xảy ra một sự cố tại giếng dầu ngoài khơi của Saudi Arabia gây lo ngại thiếu hụt nguồn cung, trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại Mỹ -Trung đang tiến triển khá thuận lợi, đồng nghĩa với khả năng nhu cầu dầu thế giới sẽ mạnh lên.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 1,68 USD tương đương 2,6% lên 66,25 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2018. Dầu chuẩn Tây Texas (Mỹ) cũng tăng 1,18 USD tương đương 2% lên 55,59 USD/thùng, và tiếp tục tăng trên bảng giao dịch điện tử sau giờ giao dịch lên 55,80 USD, cao nhất trong năm nay.
Mỏ dầu ngoài khơi của Saudi Arabia, Safaniya (mỏ ngoài khơi lớn nhất thế giới) dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động trong khoảng 2 tuần do gặp sự cố. Mỏ này có công suất sản xuất hơn 1 triệu thùng dầu/ngày. Hiện chưa rõ sau khi khôi phục thì mỏ này có sản xuất hết công suất hay không.
Tính chung cả tuần, dầu Brent tăng hơn 6%, còn WTI tăng hơn 5%, chủ yếu bởi nguồn cung đang dần thắt chặt kể từ khi OPEC và các đồng minh từ tháng 1/2019 bắt đầu cắt giảm sản lượng theo kế hoạch tự nguyện.
Xăng dư thừa khắp nơi, nhất là Mỹ
Lượng lưu kho các sản phẩm nhẹ chưng cất từ dầu thô ở Singapore hiện đã lên mức cao kỷ lục, khoảng 16,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào 13/2/2019. Số liệu cho thấy có khoảng 30.207 tấn xăng đã được vận chuyển đến Singapore từ Mỹ - thị trường trước đây thường không xuất khẩu nhiên liệu sang Singapore do khoảng cách xa về địa lý.
Không chỉ ở Singapore, lượng dự trữ xăng ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Á tới Mỹ và Châu Âu hiện ở mức cao.
Một dấu hiệu nữa cho thấy nguồn cung xăng Mỹ đang dư thừa, đó là một tàu chở xăng đã rời Bờ Tây nước Mỹ ngày 11/2/2019 để hướng đến Australia. Tàu Justice Victoria này chở theo 60.000 tấn xăng, dự kiến sẽ đến vịnh Botany ở vùng Sydney vào giữa tháng 2 này. Việc tàu Mỹ chở dầu trên tuyến đường hiếm đi (vài lần mỗi năm) cho thấy ngành lọc dầu Mỹ đang phải tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới để giải quyết tình trạng dư thừa trong bối cảnh xuất khẩu xăng Mỹ sang Mexico giảm do chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn (Mexico nhập khẩu 292.000 tấn xăng từ Bờ Tây nước Mỹ trong 13 ngày đầu tháng 1/2019, so với mức 457.000 thùng của tháng 1/2018).
Dự trữ xăng ở Bờ Tây nước Mỹ trong tuần tới 4/1 đạt 80,4 triệu thùng, cao nhất trong lịch sử. Các kho ở Bờ Đông cũng đang trữ lượng xăng nhiều nhất kể từ 2017.
Có nhiều công suất sản xuất mới đi vào hoạt động ở Malaysia và Trung Quốc có thể khiến cho nguồn cung gia tăng thêm nữa.
Vàng cao nhất 2 tuần
Giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao nhất 2 tuần do những số liệu kinh tế yếu mà Mỹ mới công bố khiến giới đầu tư nhận định Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất.
Phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay cuối ngày tăng 0,7% lên 1.321,31 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.321,88 USD, cao nhất kể từ 1/2; vàng giao sau tăng 0,6% lên 1.322,10 USD. Như vậy, giá tăng hầu hết các phiên trong tuần này, và tính chung cả tuần cũng tăng nhẹ, không chỉ bởi đồng USD yếu đi mà còn do chứng khoán Mỹ tăng điểm trong nhiều phiên.
Các số liệu kinh tế từ nhiều khu vực chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu đều gây thất vọng. "Kinh tế thế giới đang chậm lại rất nhanh, do đó các nhà hoạch định chính sách ở khắp nơi sẽ phải nới lỏng chính sách, triển vọng lạm phát có thể sẽ tăng lên", giám đốc nghiên cứu GoldMoney.com, Alasdair Macleod cho biết.
Kim loại cơ bản giảm trong tuần dù tăng ở phiên cuối
Đồng tăng trong phiên vừa qua bởi số liệu về cho vay ở Trung Quốc cao hơn dự kiến (có thể dẫn tới nhu cầu tăng). Đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London tăng 0,8% lên 6.188 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần thì vẫn mất 0,4%, là tuần giảm đầu tiên kể từ đầu năm nay, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và bất đồng thương mại Mỹ - Trung.
Đối với những kim loại cơ bản khác, nhôm tăng 0,5% trong phiên vừa qua lên 1.859 USD/tấn, kẽm tăng 2,4% lên 2.653 USD/tấn, nickel tăng 1,6% lên 12.400 USD/tấn, chì tăng 2% lên 2.078 USD/tấn và thiếc tăng 1,4% lên 21.200 USD/tấn. Và cũng như đồng, tính chung cả tuần thì hầu hết các kim loại này đều giảm giá, ngoại trừ thiếc.
Lúa mì thấp nhất nhiều tháng
Giá lúa mì trên sàn Chicago vừa giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng, trái với xu hướng tăng ở chứng khoán và các mặt hàng khác, do nhiều dấu hiệu cho thấy giá lúa mì toàn cầu sẽ giảm. Giá lúa mì toàn cầu đang rời khỏi mức cao. Pháp và Nga cũng đang giảm giá bán.
Cuối phiên vừa qua, lúa mì giao tháng 3 trên sàn Chicago giảm 2-3/4 US cent xuống 5,04-1/4 USD/bushel vào lúc đóng cửa, trước đó có lúc chỉ 4,99-1/4 USD, thấp nhất trong vòng hơn 1 năm.
Ấn Độ có thể phải miễn thuế nhập khẩu ngô do hạn hán và sâu bệnh
Lượng mưa dưới mức trung bình và sâu bệnh lan rộng đã xảy ra ở các cánh đồng ngô Châu Phi năm 2017, đồng thời làm giảm sản lượng ngô Ấn Độ và đẩy giá lên cao, có thể khiến Chính phủ nước này phải miễn thuế nhập khẩu ngô lần đầu tiên kể từ 2016.
Chính sách nhập khẩu ngô mà Ấn Độ đang áp dụng là thuế 60% và ngô nhập khẩu phải là ngô không biến đổi gien.
Ấn Độ vốn là nước sản xuất ngô lớn thứ 7 thế giới và thường xuất khẩu sang Châu Á, nhưng đang phải chuyển sang nước nhập khẩu mặt hàng này.
Với 2 vụ ngô mỗi năm (vụ 1 từ tháng Ba và vụ 2 từ tháng Chín), sản lượng vụ 2017/18 của Ấn Độ (kết thúc vào tháng 6/2018) đạt 20,24 triệu tấn. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì sản lượng vụ 2018/19 có thể chỉ đạt dưới 16 triệu tấn. Do đó, giá ngô ở bang Maharashtra – tham chiếu cho toàn thị trường ngô Ấn Độ - đã tăng hơn 30% trong 2 tháng qua, hiện cao kỷ lục khoảng 20.000 rupee (280 USD)/tấn. Cùng thời điểm này năm ngoái giá chỉ 13.000 rupee.
Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi gia cầm và nhà sản xuất tinh bột đang đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho ít nhất 500.000 tấn (ngo chiếm 2/3 chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi gia cầm). Tuy nhiên, để nhập đủ lượng ngô không biến đổi gien cần thiết cũng là một khó khăn đối với nước này vì rất ít nước xuất khẩu ngô không biến đổi gien với khối lượng lớn.
Lần gần đây nhất Ấn Độ cho nhập khẩu miễn thuế là năm 2016, với khối lượng nhập 181.000 tấn.
Cacao lập đỉnh 4 tuần
Giá cacao trên sàn New York vừa tăng lên mức cao nhất 1 tháng, với hợp đồng giao tháng 3 tăng 69 USD tương đương 3% lên 2.339 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 2.345 USD/tấn, cao nhất kể từ 18/1. Tính chung cả tuần, giá tăng 4,5% và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Lý do bởi nhu cầu mua mạnh. Trên sàn London, cacao cũng tăng 42 GBP tương đương 2,4% lên 1.760 GBP/tấn; tính chung cả tuần tăng 5,6%.
Giá cacao thế giới năm nay có xu hướng tăng nhẹ mặc dù thị trường toàn cầu vẫn hơi dư thừa. Tổ chức Cacao quốc tế dự báo niên vụ 2018/19 sẽ dư khoảng 30.000 tấn, cao hơn mức thừa 22.000 tấn ở niên vụ trước.
Bông có tuần mất giá nhiều nhất 2 tháng
Phiên vừa qua giá bông gần như không thay đổi so với phiên trước trong bối cảnh các nhà đầu tư đang theo dõi sát tiến triển đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Hợp đồng giao tháng 3 tăng 0,09 US cent tương đương 0,13% lên 70,22 US cent/lb. Tuy nhiên tính chung cả tuần giá giảm 3,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ 21/12/2018. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa kết thúc chính là lý do khiến giá sụt giảm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 16/2