Thị trường ngày 17/01: Dầu bật tăng trở lại, đồng cao nhất 8 tháng, palađi chinh phục đỉnh cao mới
Chốt phiên giao dịch ngày 16/01, dầu tăng trở lại, palađi đạt mức cao kỷ lục mới, đồng cao nhất 8 tháng, kẽm và chì cao nhất 2 tháng, gạo Thái Lan cao nhất gần 2 năm, trong khi khí tự nhiên thấp nhất 5 tháng, bạch kim thấp nhất 3 năm, đậu tương thấp nhất 1 tháng, cà phê đồng loạt giảm tại thị trường Việt Nam, NewYork và London.
- 15-01-2020Thị trường ngày 15/01: Giá dầu bật tăng sau 5 phiên giảm liên tiếp, palađi đạt mức cao kỷ lục mới
- 14-01-2020Thị trường ngày 14/01: Giá dầu và vàng cùng giảm, đồng cao nhất 8 tháng
- 11-01-2020Thị trường ngày 11/01: Vàng đảo chiều tăng trở lại, giá dầu giảm tiếp xuống dưới 65 USD/thùng
Dầu tăng
Giá dầu tăng khoảng 1% do tiến bộ của Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Mexico – Canada, làm gia tăng lạc quan nhu cầu năng lượng sẽ tăng trong năm 2020.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/01, dầu thô Brent tăng 62 US cent tương đương 1% lên 64,62 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 71 US cent tương đương 1,2% lên 58,52 USD/thùng.
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bản sửa đổi của Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Mexico – Canada, một ngày sau khi ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc, kêu gọi nước nhập khẩu lớn nhất thế giới mua thêm dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và các sản phẩm năng lượng khác có trị giá 50 tỉ USD trong 2 năm. Tuy nhiên các nhà phân tích cảnh báo, Trung Quốc khó có thể đáp ứng mục tiêu và giá dầu có thể biến động cho đến khi có những thông tin chi tiết.
Khí tự nhiên vẫn thấp nhất 5 tháng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng mới do mức dự trữ hàng tuần thấp hơn bình thường và dự báo thời tiết đến cuối tháng 1/2020 ít lạnh hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York giảm 4,3 US cent tương đương 2% xuống 2,077 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ ngày 5/8/2019.
Tính đến nay, giá khí tự nhiên giảm khoảng 29% kể từ mức cao nhất 8 tháng (2,905 USD/mmBTU) trong đầu tháng 11/2019 do thời tiết ôn hòa hơn bình thường.
Vàng giảm, bạch kim thấp nhất 3 năm, palađi đạt mức cao kỷ lục mới
Giá vàng giảm do lạc quan về số liệu kinh tế Mỹ và thị trường chứng khoán tăng do lạc quan về việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1", khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.551,53 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York giảm 0,2% xuống 1.550,5 USD/ounce.
Chứng khoán thế giới tăng lên mức cao kỷ lục mới, trong khi chỉ số đồng USD xói mòn mức giảm trước đó sau số liệu kinh tế tích cực của Mỹ. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 12/2019 tăng tháng thứ 3 liên tiếp và chỉ số hoạt động sản xuất tại Trung Đại Tây Dương Mỹ tăng lên mức cao nhất 8 tháng. Doanh số bán hàng kỳ nghỉ của Mỹ năm 2019 tăng 4,1% so với năm 2018, do mức lương ổn định và tăng trưởng việc làm khuyến khích người mua sắm đến các cửa hàng tạp hóa, đồ uống và đồ nội thất, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia cho biết.
Trong khi đó, giá palađi tăng 1% lên 2.286,43 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao kỷ lục mới 2.395,14 USD/ounce.
Giá bạch kim giảm 1,9% xuống 1.001,12 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 2/2017 (1.041,05 USD/ounce).
Đồng cao nhất 8 tháng, kẽm và chì cao nhất 2 tháng
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 8 tháng sau khi Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" , thúc đẩy triển vọng nhu cầu kim loại.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,2% xuống 6.277 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 6.343 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 1/5/2019.
Đồng thời, giá kẽm tăng 1,6% lên 2.422 USD/tấn và giá chì tăng 0,1% lên 2.001,5 USD/tấn, cả hai đều cao nhất 2 tháng.
Quặng sắt tiếp đà giảm, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm do các hạn chế sản xuất mới của nước này bởi ô nhiễm, trong khi thị trường thận trọng sau khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ký thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên giảm 0,3% xuống 665 CNY/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,03% xuống 3.555 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,06% lên 3.595 CNY/tấn và giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,2% lên 14.145 CNY/tấn.
Cao su tăng tại Tokyo, giảm tại Thượng Hải
Giá cao su tại Tokyo tăng do thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1" đã được ký kết.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn TOCOM tăng 1,3 JPY (0,0118 USD) lên 207 JPY/kg.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 60 CNY (8,72 USD) xuống 13.150 CNY/tấn. Giá cao su TSR20 giảm 55 CNY xuống 10.790 CNY/tấn.
Đường duy trì ổn định
Giá đường duy trì ổn định sau khi tăng lên mức cao nhất 2 năm do nguồn cung thắt chặt và hoạt động đẩy mạnh mua vào.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE duy trì ổn định ở mức 14,52 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 14,58 US cent/lb, cao nhất 2 năm. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 5,3 USD tương đương 1,4% lên 398,7 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 2 năm (400 USD/tấn) trong ngày 14/1/2020.
Cà phê giảm tại Việt Nam, NewYork và London, không thay đổi tại Indonesia
Giá cà phê tại Việt Nam giảm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi hoạt động giao dịch tại Indonesia diễn ra trầm lắng do nguồn cung khan hiếm và dự kiến giá cà phê sẽ không tăng đến tận tháng 3/2020.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen&vỡ) được chào giá cộng 70-80 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London, giảm so với mức cộng 100 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 32.300-32.500 đồng (1,39-1,4 USD)/kg, giảm so với 32.600 đ/kg hồi tuần trước.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 220-250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Các nhà xuất khẩu chờ đợi vụ thu hoạch cà phê robusta tiếp theo tại khu vực phía nam của đảo Sumatra Indonesia, nơi thường bắt đầu vào khoảng tháng 3.
Tại NewYork, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 1,9 US cent tương đương 1,7% xuống 1,1245 USD/lb, thấp nhất kể từ ngày 21/11/2019 (1,1235 USD/lb).
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 12 USD tương đương 0,9% xuống 1.315 USD/tấn.
Đậu tương vẫn thấp nhất 1 tháng, ngô và lúa mì đều giảm
Giá đậu tương tại Mỹ chạm mức thấp nhất 1 tháng, trong khi giá ngô và lúa mì giảm do mối hoài nghi về liệu Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động mua nông sản của Mỹ như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 4-1/2 US cent xuống 9,24-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 9,22 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 13/12/2019. Giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 11-1/2 US cent xuống 3,76 USD/bushel, đồng thời giá lúa mì giảm 8-1/4 US cent xuống 5,65 USD/bushel.
Gạo tại Thái Lan cao nhất gần 2 năm, giảm tại Việt Nam, tăng tại Ấn Độ
Giá xuất khẩu gạo Thái Lan tăng lên mức cao nhất 20 tháng do tình trạng hạn hán kéo dài làm gia tăng mối lo ngại nguồn cung, trong khi nhu cầu từ các nước châu Phi cải thiện thúc đẩy nhu cầu gạo Ấn Độ.
Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam giảm còn 345 USD/tấn so với mức 355 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Thái Lan tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2018 (435-445 USD/tấn) so với mức 425-435 USD/tấn. Gạo Ấn Độ tăng lên 364-368 USD/tấn so với 362-366 USD/tấn tuần trước, do nhu cầu từ các khách hàng châu Phi tăng.
Giá gạo Thái Lan được hỗ trợ do hạn hán kéo dài cùng với đồng baht tăng mạnh. Xuất khẩu gạo từ Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ - dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất 7 năm (7,5 triệu tấn) trong năm 2020.
Dầu cọ giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 4 liên tiếp do xuất khẩu thấp hơn so với dự kiến, với các thương nhân lo ngại Ấn Độ sẽ đưa ra các hạn chế nhập khẩu từ Malaysia.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 6 ringgit tương đương 0,2% xuống 2.903 ringgit (713,79 USD)/tấn. Tính từ đầu tuần đến nay giá dầu cọ giảm hơn 7% sau khi đạt mức cao nhất 4 năm trong ngày 10/1/2020, được thúc đẩy bởi sản lượng thấp và nguồn cung các loại dầu thực vật khác thắt chặt.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 17/01