Thị trường ngày 17/1: Giá dầu tăng theo chứng khoán, palađi lại lập đỉnh cao mới
Giá các hàng hóa tăng đồng loạt trong phiên giao dịch đêm qua.
- 16-01-2019Thị trường ngày 16/1: Dầu tăng 3%, đường lên cao nhất 7 tuần
- 15-01-2019Thị trường ngày 15/1: Dầu giảm hơn 2%, thép cao nhất 2 tháng
- 12-01-2019Thị trường ngày 12/1: Dầu giảm 2% sau 9 phiên tăng liên tiếp, cao su và đường vẫn tăng giá
Dầu tăng theo chứng khoán
Giá dầu tiếp tục tăng bởi thị trường chứng khoán Mỹ đi lên và thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+. Dầu Brent tăng 68 US cent lên 61,32 USD/thùng, dầu Tây Texas (WTI) tăng 20 US cent lên 52,31 USD/thùng. Chỉ số chứng khoán phố Wall cao nhất trong vòng 9 tháng.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi số liệu cho thấy dự trữ các sản phẩm dầu lọc và sản lượng dầu thô của Mỹ cao kỷ lục sản lượng dầu thô tuần qua tăng lên kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày, xuất khẩu dầu thô gần sát mức kỷ lục cao 3 triệu thùng/ngày, và dự trữ nhiên liệu nhiều hơn dự báo suốt 4 tuần liên tiếp (dự trữ xăng tăng 7,5 triệu thùng trong khi dự báo là tăng 2,8 triệu thùng; dự trữ sản phẩm chưng cất, gồm diesel và dầu sưởi, tăng 3 triệu thùng trong khi dự báo là tăng 1,6 triệu thùng, dự trữ dầu thô giảm 2,7 triệu thùng, cũng nhiều hơn dự đoán).
Palađi lập kỷ lục cao mới
Giá palađi tăng lên mức cao mới, 1.358,50 USD/ounce (tăng 3%) do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung suy giảm. Palađi đã tăng hơn 60% kể từ giữa tháng 8 năm ngoái, và vượt giá vàng lần đầu tiên trong vòng 16 năm vào tháng 12/2018.
Giá vàng cũng tăng bởi dự báo ngân hàng trung ương Mỹ có thể tạm dừng nâng lãi suất. Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.292,51 USD/ounce, trong khi vàng giao sau tăng 0,4% lên 1.293,80 USD/ounce.
Các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại sau những số liệu công bố từ khắp nơi trên thế giới. Điều này khiến cho vàng – địa chỉ đầu tư tin cậy trong bối cảnh thiếu chắc chắn về kinh tế và chính trị - trở nên hấp dẫn hơn.
Kể cả kinh tế Mỹ cũng có nguy cơ bị tổn thương do việc Chính phủ đóng cửa một phần hoạt động trong nhiều ngày, và điều đó có thể làm thay đổi lộ trình nâng lãi suất của nước này, buộc Fed phải kiên nhẫn hơn nữa trong lần quyết định tiếp theo về lãi suất.
Nickel cao nhất 10 tuần
Giá nickel vừa tăng lên mức cao chưa từng có trong vòng 10 tuần do dự trữ giảm. Nickel giao sau 3 tháng trên sàn London phiên vừa qua có lúc đạt 11.770 USD/tấn (cao nhất kể từ 8/11/2018) trước khi giảm trở lại vào cuối phiên để chốt ở mức 11.630 USD/tấn, thấp hơn 0,4% so với cuối phiên trước. Giá hợp đồng giao ngay tuần này đã tăng mạnh, làm cho khoảng cách giữa hợp đồng giao ngay và hợp đồng giao sau tăng mạnh, từ 9 USD/tấn lên 67 USD/tấn.
Lượng nickel lưu kho trên sàn London hiện khoảng 200.000 tấn, so với 360.000 tấn hồi đầu năm 2018, và là mức thấp nhất kể từ giữa 2013. Tuy nhiên, nhà phân tích Oliver Nugent thuộc Citibank dự báo thị trường nickel chắc chắn sẽ cân bằng trong năm 2019 sau khi thiếu hụt khoảng 40.000 tấn năm 2018, và dự báo giá sẽ khoảng 11.500 USD/tấn vào cuối năm nay.
EU kéo dài thời gian hạn chế nhập khẩu thép tới 2021
Liên minh châu Âu sau cuộc bỏ phiếu ngày 16/1/2019 đã quyết định tiếp tục hạn chế nhập khẩu thép, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mạnh thuế nhập khẩu thép vào thị trường Mỹ khiến cho nguồn cung thép tại EU tăng mạnh (vì xuất khẩu sang Mỹ gặp khó).
Theo kết quả bỏ phiếu, tất cả các nước thành viên EU ủng hộ kế hoạch "áp các biện pháp bảo vệ", sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 2/2019 (tháng 7/2018 khối này đã áp thuế nhập khẩu tạm thời đối với 23 sản phẩm thép trong thời hạn tới 4/2/2019).
Như vậy, tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu mức thuế trần cho đến tháng 7/2019. Cụ thể, thép nhập khẩu sẽ được áp hạn ngạch dựa theo mức nhập khẩu trung bình của 3 năm qua, cộng thêm 5%. Trong trường hợp vượt qua hạn ngạch thì sẽ phải chịu thuế 25%. Ngoài ra cũng có quy định về giới hạn riêng cho các nước xuất khẩu chủ chốt, theo đó hạn ngạch sẽ được áp dụng trong giai đoạn 3 tháng để giới hạn lượng tồn kho, và có thể được điều chỉnh tăng 5% mỗi năm.
Ngô hồi phục từ mức thấp nhất 6 tuần, lúa mì và đậu tương cũng tăng
Giá ngô tăng trở lại do hoạt động mua mạnh sau khi giá giảm thấp. Ngô giao tháng 3 trên sàn Chicago tăng up 2-3/4 US cent lên 3,74 USD/bushel. Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc đã mua khoảng 260.000 tấn ngô trong mấy phiên đấu thầu ngày 16/1/2019, phần lớn xuất xứ Mỹ.
Lúa mì và đậu tương cũng hồi phục từ mức thấp nhất 2 tuần bởi lo ngại thời tiết nóng và khô ở nhiều nơi thuộc Brazil cũng như mưa nhiều ở Argentina có thể còn tiếp diễn trong tháng này. Đậu tương giao tháng 3 giá tăng 1-1/4 US cent lên 8,94-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì cùng kỳ hạn tăng 1-1/2 US cent lên 5,12-1/2 USD/bushel.
Giá lợn giảm, bò tăng
Giá lợn sống (loại siêu nạc) trên sàn Chicago đã giảm 3,7% trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất 2 tháng, do lượng bán ra mạnh.
Lợn kỳ hạn giao tháng 2/2019 giá giảm mạnh nhất kể từ 6/11/2018, giảm 2.100 US cent xuống 60.050 US cent/lb.
Trái với lợn, giá trâu bò tăng mạnh do dự báo thời tiết mùa Đông khắc nghiệt ở Mỹ sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của gia súc cũng như việc vận chuyển các loại động vật (trọng lượng mỗi con giảm sẽ kéo theo sản lượng chung sụt giảm).
Giá bò sống kỳ hạn giao tháng 2 có lúc đạt 127,950 US cent/lb, trước khi kết thúc phiên ở 127,825 US cent, tăng 0,875 US cent so với phiên trước đó.
Đường cao nhất 2 tháng
Giá đường tăng do các quỹ đầu tư mua nhiều. Đường thô giao tháng 3 tới tăng 0,01 US cent tương đương 0,1% lên 13,07 US cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 13,27 US cent, cao nhất kể từ 5/11/2018. Giá dầu tăng góp phần khích lệ nhà đầu tư mua đường vào, và đồng real mạnh lên cũng làm cho đường thô đắt giá hơn. Ngoài ra, thời tiết khô ở vùng Trung Nam Brazil gây lo ngại ảnh hưởng đến nguồn cung.
Trái với đường thô, đường trắng giao tháng 3 giảm nhẹ 1 USD tương đương 0,3% xuống 353,8 USD/tấn.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2019 tăng 1,1 US cent tương đương 1,1% lên 1,024 USD/lb sau khi sụt giảm mạnh ở phiên trước đó. Robusta cũng tăng 12 USD tương đương 0,8% lên 1.539 USD/tấn.
Các nhà khoa học quốc tế vừa đưa ra cảnh báo biến đổi khí hậu và nạn phá rừng đã khiến hơn một nửa các giống cà phê tự nhiên trên toàn cầu có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm cả các loại cà phê thương mại nổi tiếng như Arabica và Robusta.
Cao su tăng bởi hy vọng vào Trung Quốc
Các nhà kinh doanh cao su đang kỳ vọng những chương trình kích thích kinh tế mới của Trung Quốc có thể thúc đẩy kinh tế của thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới. Dầu mỏ tăng cũng góp phần kéo cao su tăng theo.
Cao su kỳ hạn giao tháng 6/2019 trên sàn Chicago tăng 0,8 JPY tương đương 0,4% lên 183,6 JPY (1,69 USD)/kg. Hợp đồng giao tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải cũng tăng 120 CNY lên 11.640 CNY (1.732 USD)/tấn.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bơm kỷ lục 83 tỷ USD vào hệ thống tài chính trong ngày 16/1/2019 để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiền mặt – có thể làm suy yếu thêm nền kinh tế vốn đang gặp khó. Các nhà hoạch định chính sách nước này cam kết sẽ hành động mạnh mẽ hơn để thúc đẩy thị trường việc làm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại ở mức thấp nhất 28 năm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 17/1/2019