Thị trường ngày 17/12: Giá dầu, vàng, kim loại công nghiệp đồng loạt tăng
Phiên giao dịch 16/12 giá dầu, vàng cùng tăng, kẽm tăng vọt hơn 5% do lo ngại về nguồn cung, trong khi gạo Việt Nam thấp nhất 3 tháng.
Giá dầu tăng khoảng 2%
Dầu thô và các tài sản rủi ro khác như chứng khoán tăng sau khi Fed đưa ra triển vọng kinh tế lạc quan.
Chốt phiên 16/12, dầu thô Brent tăng 1,14 USD hay 1,5% lên 75,02 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,51 USD hay 2,1% lên 72,38 USD/thùng.
Đà tăng bị hạn chế do lo lắng về virus Omicron và triển vọng dư thừa nguồn cung trong năm tới như Cơ quan Năng lượng Quốc tế chỉ ra trong báo cáo hàng tháng.
Anh và Nam Phi đã báo cáo số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục trong ngày, trong khi nhiều công ty trên khắp thế giới yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà, điều này có thể hạn chế nhu cầu trong tương lai.
Vàng tăng do USD thoái lui
Giá vàng tăng hơn 1% do USD suy yếu sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ quyết định đẩy nhanh việc rút lại các biện pháp kích thích thời đại dịch.
Vàng giao ngay tăng 1% lên 1.795,41 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2022 đóng cửa tăng 1,9% lên 1.798,2 USD/ounce.
Chỉ số USD tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất một tuần so với rổ tiền tệ, khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng đồng tiền khác.
Fed cho biết họ sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu thời đại dịch trong tháng 3/2022, mở đường cho ba đợt tăng lãi suất vào năm tới. Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng trở lại cứng rắn hơn trong tuần này, với Ngân hàng Anh trở thành nền kinh tế G7 đầu tiên tăng lãi suất sau đại dịch.
Kẽm, đồng tăng
Giá kẽm tăng vọt hơn 5% do lo ngại về nguồn cung sau khi công ty kinh doanh kim loại Nyrstar tại Bỉ cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy ở Pháp từ tháng 1/2022 do giá điện tăng cao.
Chi phí điện tăng cao gây ra bởi cuộc khủng hoảng điện bán buôn trong năm nay đã buộc các ngành công nghiệp từ kẽm tới thép phải cắt giảm sản xuất. Nyrstar có công suất sản xuất 720.000 tấn kẽm tại Châu Âu.
Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 5,7% lên 3.455 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 25/10.
Giá đồng LME tăng 3,2% lên 9.499 USD/tấn do dự báo lạc quan của Cục dự trữ liên bang Mỹ về nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Cao su Nhật Bản không đổi
Giá cao su Nhật Bản không đổi do các nguồn cung cấp bị trì hoãn nhưng nhu cầu yếu.
Hợp đồng cao su giao tháng 5/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa không đổi tại 232,9 JPY (2,04 USD)/kg.
Giá cao su tại sàn Thượng Hải cùng kỳ hạn tăng 20 CNY (3,14 USD)/tấn lên 14.745 CNY/tấn.
Phí vận chuyển tại khu vực Đông Nam Á cao và hàng hóa bị chậm trễ trong khi hàng tồn kho tại Thanh Đảo ở mức thấp đã hỗ trợ giá.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa giảm 0,19% xuống 2,3685 USD/lb.
Các đại lý cho biết chuyến đi thực địa tại Brazil tiếp tục cho kết quả trái chiều với một số ý kiến cho rằng mưa gần đây có thể cải thiện triển vọng vụ tới sau khi hạn hán và sương giá hồi đầu năm nay.
Sản lượng cà phê của Brazil đạt 47,7 triệu bao (60kg/bao) trong năm nay, giảm 24,4% so với sản lượng kỷ lục trong năm 2020, lưu ý rằng sản lượng bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 giảm 0,17% xuống 2.299 USD/tấn.
Tại Việt Nam nguồn cung cà phê tăng từ vụ thu hoạch nhưng giá trong nước vẫn ổn định trong tuần này. Các khu vực trồng cà phê quan trọng có thể đối mặt với mưa bão sắp tới, ảnh hưởng tới quá trình sấy cà phê.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 40.400 – 41.500 đồng (1,76 – 1,81 USD)/kg, không đổi so với tuần trước. Một thương nhân tại vành đai cà phê này cho biết nguồn cung bắt đầu tăng khi nông dân thu hoạch.
Trong tuần này Hiệp hội Cà phê, Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết sản lượng cà phê từ niên vụ 2021/22 có thể giảm do cây già cỗi không được tái canh trong khi một bộ phận nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả khác cho lợi nhuận cao hơn.
Các thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 400 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3, một tuần trước mức trừ lùi 430 – 400 USD/tấn.
Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra được chào bán ở mức trừ lùi 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 trên sàn ICE London, không đổi so với tuần trước.
Giá đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa tăng 0,57% lên 19,40 US cent/lb một phần do thị trường năng lượng tăng.
Các đại lý lưu ý thị trường đường trong nước Ấn Độ suy yếu đã làm giảm giá xuống mức xuất khẩu khả thi và vẫn có khả năng Ấn Độ có thể bán hơn 6 triệu tấn ra thị trường thế giới trong năm nay.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 0,24% lên 504,4 USD/tấn.
Tổ chức Unica cho biết các nhà máy đường ở trung nam Brazil đã sản xuất 160.000 tấn đường trong nửa cuối tháng 11, thấp hơn 62,8% so với một năm trước nhưng cao hơn thị trường dự đoán một chút.
Giá gạo Việt Nam thấp nhất 3 tháng, ổn định tại Ấn Độ, Thái Lan
Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng do nhu cầu yếu, trong khi giá tại các trung tâm Châu Á khác giữ ổn định trong tuần này.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 400 – 410 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 9/9, tuần trước giá từ 410 – 414 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo trong tháng 11 giảm 8,4% so với tháng trước xuống 566.358 tấn. Tổng cộng lượng xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm nay tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,7 triệu tấn.
Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan không đổi tại 385 – 396 USD/tấn. Các thương gia tại Bangkok cho biết thị trường nước ngoài vẫn trầm lắng đến cuối năm như đã dự đoán.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, áp lực bởi đồng rupee giảm giá trong bối cảnh nhu cầu yếu. Gạo đồ 5% tấm được chào Bán ở mức 351 - 356 USD/tấn, không đổi so với tuần trước.
Trong khi đó giá gạo trong nước của Bangladesh (theo truyền thống là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới nhưng đã thành nước nhập khẩu lớn sau lũ lụt) vẫn cao bất chấp lượng nhập khẩu lớn, điều này ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Tuy nhiên sản lượng gạo của nước này có thể giảm xuống 35,5 triệu tấn trong năm thị trường 2021/22, giảm 0,8 triệu tấn so với năm trước đó, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Đậu tương cao nhất 3 tuần, lúa mì, ngô tăng
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago chạm mức cao nhất 3 tuần do dầu đậu tương tăng 2% và đạt cao nhất trong một tuần do những dấu hiệu nguồn cung dầu thực vật và nhu cầu xuất khẩu mới của Mỹ.
Lúa mì tăng gần 2% bởi doanh số xuất khẩu mạnh hàng tuần và tình trạng khô hạn tại đồng bằng của Mỹ sau khi các cơn gió bão hoành hành tại khu vực này.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 1/2022 đóng cửa tăng 14-3/4 US cent hay 1,2% lên 12,77-1/4 USD/bushel, sau khi chạm 12,80-3/4 USD, cao nhất kể từ ngày 24/11.
Lúa mỳ kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 14-1/2 US cent lên 7,7-1/2 USD/bushel và ngô đóng cửa tăng 5-1/2 US cent lên 5,91-1/4 USD/bushel.