Thị trường ngày 17/2: Giá dầu và cao su giảm, vàng, đồng, quặng sắt, cà phê tăng
Ảnh minh họa.
Đồng USD tiếp tục mạnh lên gây áp lực giảm giá lên mặt hàng dầu mỏ. Trong khi đó, kỳ vọng vào các biện pháp kích thích mạnh mẽ của Trung Quốc đẩy giá kim loại tăng mạnh, và vấn đề nguồn cung tác động tích cực lên giá nông sản.
- 17-02-2023Vì trò thử thách trên TikTok, hàng triệu xe Hyundai và Kia phải cập nhật phần mềm chống trộm
- 17-02-2023Bị TikToker phản ánh 'thức ăn có ruồi': Chủ quán ốc ở Huế nhận lỗi, tạm đóng cửa
- 17-02-2023Vì sao cam sành rớt giá thảm hại, phải kêu gọi 'giải cứu'?
Dầu giảm nhẹ
Giá dầu giảm nhẹ vào thứ Năm sau khi giao dịch trong biên độ hẹp do thị trường cân nhắc các tín hiệu trái chiều về kinh tế Mỹ và triển vọng phục hồi nhu cầu của Trung Quốc trong bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.
Giá dầu thô Brent kết thúc phiên giảm 24 US cent xuống 85,14 USD/thùng; dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ (WTI) giảm 10 US cent xuống 78,49 USD/thùng.
Trong khi dữ liệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ, chỉ báo sản xuất của nền kinh tế này bất ngờ lao dốc. Trước đó, dữ liệu cho thấy lạm phát giá cả vẫn ở mức cao.
Đồng đô la đã nhanh chóng leo lên mức cao nhất trong 6 tuần so với rổ tiền tệ sau dữ liệu của Mỹ, gây áp lực lên giá dầu, do đồng đô la mạnh khiến hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Cao su giảm phiên thứ 5 liên tiếp
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm vào thứ Năm, kéo dài mức giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, do dữ liệu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của nwoccs này chậm lại trong bối cảnh nhu cầu ô tô của Trung Quốc giảm sút gây áp lực lên tâm lý thị trường, trong khi đồng yên mạnh lên càng làm gia tăng áp lực.
Hợp đồng cao su giao tháng 7 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 0,4 yên, tương đương 0,2%, xuống 218,8 yên (1,63 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 15 CNY lên 12.565 CNY (1.832 USD)/tấn.
Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản trong tháng 1 giảm tốc đáng kể trong bối cảnh nhu cầu ô tô và máy móc sản xuất chip ở Trung Quốc suy yếu, làm dấy lên lo ngại về suy thoái toàn cầu và tạo ra thâm hụt thương mại lớn nhất trong lịch sử của nước này.
Vàng tăng trở lại
Giá vàng bật lên khỏi mức thấp nhất 1 tháng do đồng đô la hạ nhiệt sau khi tăng mạnh lên mức cao nhất 6 tuần và một số nhà đầu tư nắm bắt cơ hội để mua vàng thỏi ở mức tương đối rẻ hơn.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,4% lên 1.842,67 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4
tăng 0,4% lên 1.851,80 USD.
"Lạm phát dường như đang chậm lại, nhưng với tốc độ quá chậm - có thể lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và đó không phải là bối cảnh tích cực đối với vàng", Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, cho biết.
Đồng phục hồi từ mức thấp nhất 5 tuần
Giá đồng phục hồi từ mức thấp nhất 5 tuần bất chấp đồng đô la mạnh lên, khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 2% lên 9.030 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi giảm 1% ở phiên trước đó và chạm mức yếu nhất kể từ ngày 10/1.
Việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt chống COVID-19 ở Trung Quốc đã khiến giá đồng tháng trước tăng lên mức cao nhất 7 tháng. Tuy nhiên, những dấu hiệu hồi phục của thị trường Trung Quốc chưa rõ rệt. Cho đến thứ Năm (16/2), nhà đầu tư đã vui mừng khi dữ liệu cho thấy giá nhà mới của Trung Quốc đã tăng vào tháng 1, lần tăng đầu tiên trong vòng một năm. Lĩnh vực bất động sản chiếm phần đáng kể trong tổng nhu cầu kim loại.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng khi nước sản xuất thép hàng đầu thế giới này nhắc lại quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách kích thích chi tiêu của người tiêu dùng, mặc dù mức tăng bị hạn chế khi các thương nhân tiếp tục đánh giá triển vọng nhu cầu.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc giao dịch ở mức tăng 1,8% lên 880 nhân dân tệ (128,43 USD)/tấn, sau khi trước đó đạt mức cao nhất kể từ ngày 30 tháng 1 là 883 nhân dân tệ.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 3 tăng 1,3% lên 124,90 USD/tấn, tăng ngày thứ 3 liên tiếp.
Chính quyền Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết họ sẽ xây dựng các chính sách nhằm kích thích chi tiêu cho nhà ở và mở khóa các khoản tiết kiệm của người tiêu dùng đã tích lũy trong đại dịch.
Cà phê Arabica tăng vọt
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE tăng gần 2% vào thứ Năm sau dữ liệu về dự trữ giảm tại Mỹ, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 3,25 cent, tương đương 1,8%, lên 1,8025 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất trong hai tuần vào thứ Ba (14/2).
Cà phê robusta giao tháng 5 tăng 23 USD, tương đương 1,1%, lên 2.072 USD/tấn.
Hoạt động giao dịch tại Việt Nam vẫn trầm lắng do nguồn cung nội địa hạn chế, mặc dù người mua đang hướng tới cà phê robusta của Việt Nam do nguồn cung tại Indonesia thấp.
Đậu tương, ngô tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương và ngô Mỹ tăng trong một phiên giao dịch biến động khi các thương nhân cân nhắc triển vọng mùa màng kém ở Argentina và quy mô vụ thu hoạch vụ đậu tương của Brazil.
Trong khi đó, hợp đồng lúa mì kỳ hạn tương lai Ủy ban Thương mại Chicago (CBOT) giảm do hoạt động chốt lời sau khi đạt mức cao nhất trong 6 tuần trong tuần này.
Kết thúc phiên, giá ngô kỳ hạn tháng 3 trên sàn CBOT tăng 1/4 US cent lên 6,76-1/2 USD/bushel; lúa mì kỳ hạn tháng 3 giảm 4-1/2 cent xuống 7,64-3/4 USD/bushel.
Giá đậu tương trên sàn CBOT kỳ hạn giao tháng 3 tăng 1 US cent lên 15,26-3/4 USD/bushel, trong khi hợp đồng giao tháng 11, đại diện cho đậu tương Mỹ sẽ được trồng vào mùa xuân này, tăng 10 US cent lên 13,85 USD.
Dầu cọ tăng mạnh nhất 3 tuần
Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng trở lại vào thứ Năm, đạt mức tăng cao nhất trong gần ba tuần, do giá các loại dầu thực vật khác trên sàn Đại Liên và Chicago mạnh lên và đồng ringgit yếu đi.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 5 tăng 3,19%, kết thúc phiên ở mức 4.070 ringgit (924,58 USD)/tấn, mức tốt nhất kể từ ngày 27/1.
Sản lượng nghiền đậu tương của Mỹ trong tháng 1 thấp hơn dự kiến mặc dù tăng lần đầu tiên sau ba tháng, trong khi dự trữ dầu đậu tương tăng tháng thứ tư liên tiếp.
Hợp đồng dầu đậu tương hoạt động mạnh nhất trên sàn Đại Liên tăng 0,97% trong khi hợp đồng dầu cọ trên sàn này tăng 0,89%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 17/2:
Nhịp sống thị trường