MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 18/06: Dầu đảo chiều giảm vì lo sợ Covid-19 bùng phát, thép và nhiều hàng hóa khác cũng giảm giá

18-06-2020 - 07:15 AM | Thị trường

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua giá dầu giảm do lo lắng về nhu cầu nhiên liệu bởi sự bùng phát với của virus corona và tồn kho dầu của Mỹ tăng trở lại, lúa mì tại Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng khi vụ thu hoạch thuận lợi.

Dầu giảm do tồn kho tăng và sự bùng phát Covid-19 mới

Giá dầu giảm trong phiên đêm qua do lo lắng về nhu cầu nhiên liệu bởi sự bùng phát mới của Covid-19, và tồn kho dầu thô của Mỹ tăng trở lại, đưa hàng tồn kho thương mại lên mức cao kỷ lục mới.

Chốt phiên ngày 17/6, dầu thô Bent kỳ hạn tháng 8 giảm 25 US cent hay 0,6% xuống 40,71 USD/thùng, dầu WTI kỳ hạn tháng 7 giảm 42 US cent hay 1,1% xuống 37,96 USD/thùng.

Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần trước, đạt hơn 539 triệu thùng. Ngược lại, tồn kho sản phẩm chưng cất giảm sau nhiều tuần tăng đáng kể.

Lo ngại kéo dài về sự lây lan của virus corona tại một số khu vực và nguy cơ làm sóng lây nhiễm thứ hai ở những nơi sự lây truyền bắt đầu chậm lại. Để hạn chế sự lây lan của virus ở Bắc Kinh, nhiều chuyến bay đã bị hủy bỏ và trường học đóng cửa.

Nhu cầu nhiên liệu của Mỹ giảm 20% trong 4 tuần qua so với cùng kỳ một năm trước. Sản lượng dầu thô của Mỹ giảm 600.000 thùng/ngày trong tuần trước xuống 10,5 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 3/2018, một phần do cơn bão Cristobal khiến đóng cửa hơn 1/3 sản xuất ngoài khơi của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ dự kiến khôi phục sản xuất khoảng nửa triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào cuối tháng 6.

Hoạt động kinh tế yếu vẫn đang đè nặng lên nhu cầu dầu thô. Nhập khẩu dầu tại Nhật Bản, nước mua dầu lớn thứ 4 thế giới, đã giảm trong tháng 5 xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.

Vàng ổn định

Giá vàng thay đổi ít trong phiên qua, bởi lo ngại về làn sóng nhiễm virus corona thứ hai và dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ vẫn duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn, trong khi USD mạnh lên đã hạn chế đà tăng.

Vàng giao ngay thay đổi ít tại 1.726,24 USD/ounce và vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm nhẹ xuống xuống 1.735,6 USD/ounce.

Mặc dù ban đầu USD và các thị trường chứng khoán Mỹ mạnh mẽ đã gây sức ép cho vàng, nhưng việc chủ tịch Fed Jerome Powel không dự kiến trước bất kỳ đợt tăng lãi suất nào trong tương lai gần, khiến tốt hơn cho các nhà đầu từ vàng trong dài hạn là mua kim loại này ở bất kỳ đợt giảm nào.

Tuy nhiên, thị trường tổng thể mua nhiều hơn bán, vì các nhà đầu tư đang tận dụng bất kỳ đợt tăng giá nào, giao dịch trong phạm vi 1.730 – 1.735 USD theo chiều tăng và 1.710 – 1.715 USD theo chiều giảm.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sự phát triển ở Bắc Kinh khi họ hủy bỏ các chuyến bay nội địch trong ngày 17/6, tăng cường nỗ lực hạn chế sự bùng phát mới của virus corona.

Đồng tăng sau thử nghiệm tích cực với thuốc chống virus

Đồng tăng trong phiên vừa qua do nhu cầu tài sản rủi ro chiếm ưu thế trên thị trường tài chính sau khi các thử nghiệm đầy hứa hẹn về điều trị Covid-19 và số liệu kinh tế của Mỹ mạnh.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa tăng 0,7% lên 5.769 USD. Đồng LME đã chạm mức cao nhất 4,5 tháng trong tuần trước sau khi phục hồi khoảng 30% từ mức thấp trong tháng 3.

Việc hạn chế đà tăng là tin tức thủ đô Bắc Kinh đã mở rộng việc hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus đã làm dấy lên nỗi sợ hãi về sự lây lan rộng hơn.

Thép Trung Quốc giảm

Giá thép thanh của Trung Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp do các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ dư thừa, với sản lượng thép tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh bất chấp những dấu hiệu nhu cầu trong nước đang suy yếu.

Hợp đồng thép xây dựng kỳ hạn tháng 10 tại Thượng Hải đóng cửa giảm 0,2% xuống 3.585 CNY (505,78 USD)/tấn. Cho tới nay giá thép đã tăng 10% trong quý 2, theo xu hướng có quý tốt nhất trong 4 quý, bởi nhu cầu mạnh từ các chương trình phục hồi kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng của Covid-19.

Hiện nay, sản lượng thép tiếp tục tăng và có những dấu hiệu nhu cầu đang suy yếu có thể dẫn tới dư cung. Tốc độ sụt giảm tồn kho thép thanh hàng tuần của Trung Quốc dần chậm lại trong 3 tuần qua, theo công ty tư vấn SteelHome.

Một phần do mùa mưa bắt đầu tại miền nam Trung Quốc có thể làm chậm lại hoạt động xây dựng, số ca nhiễm virus corona trong nước tăng vọt cũng có thể làm giảm nhu cầu thép.

Thép cuộn cán nóng đã giảm 0,1% trong khi thép không gỉ tăng 0,2%.

Giá quặng sắt cũng bị áp lực giảm, quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,2% sau 2 ngày tăng.

Cao su diễn biến trái chiều

Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm sau một khảo sát của Reuters cho thấy tâm lý kinh doanh trở nên ảm đạm hơn trong bối cảnh bùng phát virus corona và do xuất khẩu giảm mạnh.

Tâm lý sản xuất tại Nhật Bản đã tồi tệ hơn khi đại dịch Covid-19 nâng khả năng suy thoái kéo dài trong nền kinh tế toàn cầu, theo một khảo sát của Reuters.

Xuất khẩu của Nhật Bản giảm trong tháng 5 với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009 do xuất khẩu ô tô sang Mỹ giảm, chỉ ra sự sụt giảm sâu hơn trong quý này tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 11 đóng cửa giảm 0,4 JPY hay 0,3% xuống 157,2 JPY/kg. Hợp đồng cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải tăng 25 CNY lên 10.325 CNY/tấn.

Đường giảm giá

Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,08 US cent hay 0,7% xuống 12,11 US cent/lb do thị trường thoái lui sau khi không phá vỡ được mức kháng cự trong phiên trước đó tại 12,27 US cent, cao nhất 3 tháng đã thiết lập trong tháng này.

Các đại lý cho biết yếu tố giảm giá gồm mùa mưa thuận lợi tại Ấn Độ đã thúc đẩy triển vọng cho cây mía.

Tiếp tục có mối quan tâm về việc chậm trễ vận chuyển tại Brazil với sản lượng tại khu vực trung nam tăng mạnh so với mức năm trước.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 3,8 USD hay 1,0% xuống 386,1 USD/tấn.

Cà phê trái chiều

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 2,55 US cent hay 2,7% xuống 98,15 US cent/lb.

Các đại lý cho biết thị trường vẫn ở thế phòng thủ với nguồn cung dồi dào khi nước sản xuất hàng đầu thế giới Brazil thu hoạch một vụ lớn.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 5 USD hay 0,4% lên 1.182 USD/tấn.

Lúa mì thấp nhất 8 tháng khi vụ thu hoạch tiến triển, đậu tương tăng

Lúa mỳ ở Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng do vụ thu hoạch ở Mỹ tiếp tục và mưa khắp Châu Âu đã xoa dịu những lo lắng về thời tiết gần đây.

Ngô tăng sau khi giảm trong đầu phiên, nhưng bị hạn chế bởi áp lực từ thời tiết thuận lợi khu vực Midwest, trong khi đậu tương tăng bởi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang ấm lên.

Lúa mì trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 7-1/4 US cent xuống 4,88-3/4 USD/bushel sau khi trước đó giảm xuống 4,87-1/4 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 8/10/2019.

Đậu tương tăng 4-1/4 US cent lên 8,71-1/4 USD/bushel, trong khi ngô tăng 1-1/4 US cent lên 3.30-1/4 USD/bushel.

Giá chuối của Trung Quốc tăng nhẹ tại một số khu vực sản xuất

Giá chuối của Trung Quốc không thay đổi trong tuần trước (7-13/6). Thị trường hoàn toàn ổn định hiện nay. Ở một số khu vực sản xuất giá tăng nhẹ, nhưng nhìn chung giá vẫn ổn định. Thời điểm này của năm có nhiều loại trái cây theo mùa tại thị trường Trung Quốc. Các khu vực sản xuất chuối không cung cấp khối lượng lớn và người tiêu dùng không đủ mạnh để kích thích thị trường. Tình trạng chung là hoàn toàn yếu, nhưng hiện nay ổn định. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thương nhân thăm khu vực sản xuất chuối và nguồn cung đang dần tăng nhẹ.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 18/06

Thị trường ngày 18/06: Dầu đảo chiều giảm vì lo sợ Covid-19 bùng phát, thép và nhiều hàng hóa khác cũng giảm giá - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên