Thị trường ngày 18/1: Giá cao su tăng tiếp, palađi vượt 1.400 USD/ounce
Giá palađi lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 1.400 USD/ounce, do nhu cầu trong ngành ô tô vượt quá nguồn cung trên thị trường.
- 17-01-2019Thị trường ngày 17/1: Giá dầu tăng theo chứng khoán, palađi lại lập đỉnh cao mới
- 16-01-2019Thị trường ngày 16/1: Dầu tăng 3%, đường lên cao nhất 7 tuần
- 15-01-2019Thị trường ngày 15/1: Dầu giảm hơn 2%, thép cao nhất 2 tháng
Giá dầu hạ nhẹ
Giá dầu tương đối vững trong phiên vừa qua khi chứng khoán Mỹ hồi phục và có tin OPEC đã khiểm soát chặt sản lượng từ tháng 12 năm ngoái, sớm hơn so với kế hoạch là tháng 1 năm nay, do lo ngại sản lượng dầu Mỹ tăng mạnh và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Kết thúc phiên, dầu Brent chỉ giảm nhẹ 14 US cent xuống 61,18 USD/thùng, còn dầu thô Mỹ giảm 24 US cent xuống 52,07 USD/thùng.
OPEC trong báo cáo công bố hàng tháng đã hạ dự báo về nhu cầu dầu hàng ngày trung bình năm 2019 xuống 30,83 triệu thùng, từ mức 910.000 thùng của năm 2018. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết họ đã giảm 751.000 thùng/ngày sản lượng vào tháng 12/2018, trước khi thực hiện thỏa thuận mới về giảm sản lượng, cho thấy nhóm đã chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch đảo ngược tình trạng dư cung vào năm 2019.
Mặc dù một số phiên giảm, giá dầu hiện vẫn cao hơn 20% so với hồi cuối tháng 12/2018. Các nhà phân tích cho biết, giá dầu Brent hiện khoảng 60 USD, còn dầu thô Mỹ khoảng 50 USD, và để dầu Brent tăng lên 70 USD thì thị trường cần được nghe những thông tin tích cực về cuộc đàm phán Mỹ - Trung.
Palađi vượt 1.400 USD/ounce
Giá palađi lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 1.400 USD/ounce, do nhu cầu trong ngành ô tô vượt quá nguồn cung trên thị trường. Phiên vừa qua, palađi giao ngay có lúc đạt 1.434,50 USD/ounce, và chỉ giảm nhẹ vào lúc đóng cửa, xuống 1.390 USD, nhưng mức đó vẫn cao hơn 2,3% so với đống cửa phiên trước. Như vậy, từ đầu tháng 1/2019 tới nay, giá kim loại quý này đã tăng hơn 10%. So với giữa tháng 8 năm ngoái, giá tăng trên 70%. Những chính sách kích thích kinh tế sắp tới của Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ đẩy tăng tiêu thụ ô tô trên thị trường này.
Vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua do USD mạnh lên và số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự đoán. Cuối phiên, vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.292,13 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn giao sau giảm 0,1% xuống 1.293,3 USD/ounce.
Đồng bạc xanh đi lên sau những số liệu kinh tế của Mỹ vừa được công bố tốt hơn dự đoán. Trong khi đó, đồng bảng Anh cũng ổn định vì các nhà hoạch định chính sách nước Anh có vẻ đồng thuận về việc nước này sẽ rời EU như thế nào.
Sắt thép tăng
Giá sắt và thép trên thị trường đều tăng trong phiên vừa qua. Thép cây kỳ hạn giao tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 0,7% lên 3.551 CNY (524,90 USD)/tấn, đảo ngược xu hướng giảm ở 2 phiên trước đó. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thấp nhất 2 tuần, chỉ 2,26 triệu tấn, vì Tết đang đến gần.
Quặng sắt giao cùng kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 0,2% lên 513,5 CNY/tấn, sau khi đã tăng 0,9% trong 3 phiên trước, do nguồn cung từ một mỏ của Rio Tinto ở Australia bị gián đoạn.
Các nhà phân tích dự đoán giá sẽ duy trì ở mức hiện nay trong thời gian tới vì mặc dù không có nhu cầu mới cho tới sau Tết nhưng nguồn cung cũng không dư thừa. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho hay, từ 2016 tới nay, nước này đã xóa bỏ gần 300 triệu tấn công suất sản xuất thép chất lượng thấp, nhưng sản lượng vẫn còn khoảng 908 triệu tấn, trong khi tiêu thụ thép của nước này có thể giảm xuống 800 triệu tấn vào 2019, từ mức 820 triệu tấn năm 2018.
Khí đốt giảm
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á giảm dù đang giữa mùa Đông. Lý do bởi nhiệt độ mùa Đông năm nay cao hơn mọi năm khiến nhu cầu khí sụt giảm. LNG giao ngay trong tuần kết thúc vào ngày 11/1/2019 giá 8,5 USD/triệu mBtu. Như vậy, so với mức đỉnh cao của mùa Đông này (10,90 USD trong tuần tới 16/11/2018), giá đã giảm khá nhiều, và thậm chí còn thấp hơn cả mức 11,60 USD hồi mùa Hè (tuần tới 15/6/2018).
Tuy nhiên, thực tế thì lượng khí nhập khẩu vào khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc)– thị trường tiêu thụ chính trên thế giới – trong tháng 12/2018 đạt mức cao kỷ lục, 20,25 triệu tấn, tăng 12,4% so với tháng 11/2018 và cũng là mức cao nhất trong năm vừa qua. Nhập khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh 27% so với cùng kỳ năm 2017, lên 6,42 triệu tấn trong tháng 12 vừa qua.
Tôm Trung Quốc tăng giá mạnh
Giá tôm bán buôn ở Trung Quốc tăng khoảng 15% trong khoảng 2-3 tuần qua bởi chính sách thắt chặt kiểm soát nhập khẩu trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao mà Tết đang đến gần. Vào các tháng cuối năm, lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc thường tăng gấp đôi so với các bình thường. Tuy nhiên, dù tăng mạnh gần đây nhưng giá tôm tại thị trường này hiện vẫn thấp hơn 4-5% so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều khả năng giá tôm tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới.
Cao su đạt đỉnh 1 tuần
Giá cao su trên thị trường Tokyo – tham chiếu cho thị trường châu Á – vừa tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần sau khi Trung Quốc bơm lượng tiền kỷ lục vào hệ thống tài chính đem lại hy vọng kinh tế nước này sẽ khởi sắc trở lại.
Cao su giao tháng 6/2019 trên sàn Tokyo tăng 1,2 JPY tương đương 0,7% lên 184,8 JPY (1,7 USD)/kg.
Gạo giảm do nhu cầu yếu và sắp thu hoạch
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường Châu Á đồng loạt đi xuống. Loại 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống 379 – 384 USD/tấn, từ mức 382 -387 USD/tấn cách đây một tuần, do nhu cầu thấp và đồng rupee yếu đi so với USD; của Việt Nam giảm xuống 355 – 360 USD/tấn, từ mức 370 – 375 USD/tấn vì chỉ 2 tuần nữa đến vụ thu hoạch; của Thái Lan giảm nhẹ từ 390 – 400 USD/tấn xuống 385 – 400 USD/tấn cũng do biến động tỷ giá và sắp vào vụ thu hoạch.
Tin vui cho các nhà xuất khẩu gạo là Chính phủ Bangladesh có thể hạ thuế nhập khẩu gạo bởi giá mặt hàng này trên thị trường nội địa tăng lên.
Dầu cọ năm 2019 sẽ khoảng 2.500 ringgit/tấn
Ủy ban Dầu cọ Malaysia dự báo giá trung bình của mặt hàng này trong năm 2019 sẽ ở mức 2.500 ringgit (609 USD)/tấn, so với mức khoảng 2.200 ringgit ở thời điểm hiện tại. Xuất khẩu dầu cọ Malaysia dự báo sẽ tăng lên 17,2 triệu tấn trong năm 2019, cao hơn 4,3% so với năm trước, trong khi sản lượng sẽ tăng 4% lên 20,3 triệu tấn.
Cà phê vững giá
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2019 trên sàn New York vững ở mức 1,024 USD/ounce, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm nhẹ 4 USD tương đương 0,3% xuống 1.535 USD/tấn. Lo ngại về thời tiết khô hạn ở Brazil có thể ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng đang hỗ trợ giá arabica.
Tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô hiện khoảng 32.900 – 33.600 đồng (1,42 – 1,45 USD)/kg, giảm so với 33.500 – 34.000 đồng cách đây một tuần. Cà phê xuất khẩu loại 2 (5% đen vỡ) trừ lùi 20 – 30 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 3 trên sàn London, thấp hơn mức trừ lùi 40 USD/tấn cách đây một tuần.
Tại Indonesia, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) mức cộng tăng lên 50-60 USD/tấn, so với 20 – 30 USD/tấn suốt 4 tuần qua.
Conab (cơ quan chính phủ của Brazil) dự báo sản lượng cà phê nước này năm 2019 sẽ khoảng 50,48 – 54,48 triệu bao, thấp hơn mức 61,05 triệu bao năm 2018.
Lúa mì vững nhờ hoạt động mua vào và hy vọng xuất khẩu tốt
Giá lúa mì tăng phiên thứ 2 liên tiếp nhờ hoạt động mua vào sau đợt giảm giá hồi đầu tuần. Lúa mì giao tháng 3/2019 tăng 5-1/4 US cents lên 5,17-3/4 USD/bushel.
Tuy nhiên, thông tin dự trữ ngũ cốc của Liên minh châu Âu tăng có thể sẽ đưa giá lúa mì tăng trở lại. Các nhà phân tích thuộc Strategie Grains dự báo dự trữ ngũ cốc EU sẽ tăng mạnh trong năm tới vì sản lượng hồi phục sau đợt hạn hán, khiến nguồn cung vượt cầu. Theo đó, sản lượng lúa mì của khối sẽ tăng 15% so với năm 2018, lên 146,4 triệu tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 18/1