MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 18/12: Giá dầu WTI rớt mạnh xuống dưới 50 USD/thùng, cao su lập đỉnh 2 tháng

18-12-2018 - 07:40 AM | Thị trường

Giá palađi trong khi đó lên mức cao kỷ lục mới bởi nhu cầu của ngành ô tô tăng mạnh.

Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu, cà phê arabica và tôm giảm mạnh, trong đó dầu WTI xuống dưới 50 USSD/thùng lần đầu tiên trong vòng hơn 1 năm, arabica dưới 1 USD lần đầu tiên trong vòng 3 tháng còn tôm tại Mỹ chạm đáy 3 năm. Trái lại, giá lúa mì tăng mạnh, cao su cao nhất trong vòng 2 tháng còn quặng sắt cao nhất 4 tuần.

Dầu Mỹ xuống dưới 50 USD/thùng

Giá dầu thô giảm hơn 2% trong phiên vừa qua, trong đó dầu Tây Texas (WTI) xuống dưới 50 USD/thùng bởi những dấu hiệu cho thấy dư cung ở Mỹ và các nhà đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu tăng chậm lại kéo nhu cầu nhiên liệu chậm theo.

Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 67 US cent tương đương 1,11% xuống 59,61 USD/thùng, trong phiên có lúc chỉ 58,33 USD; dầu WTI giảm 1,32 USD (2,58%) xuống 49,88 USD/thùng, trước đó có lúc chỉ 49,09 USD. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2017 dầu WTI phá đáy 50 USD.

Dự trữ dầu thô Mỹ tại trung tâm giao nhận Cushing (Oklahoma) tăng hơn 1 triệu thùng trong giai đoạn 11 đến 14/12/2018. Toàn bộ thị trường, nhất là các thương gia, thường theo dõi sát tình hình cung cấp ở trung tâm này vì đó là điểm giao nhận các hợp đồng kỳ hạn và có ảnh hưởng tới toàn bộ các loại dầu thô ở những khu vực khác.

Sản lượng dầu từ 7 khu vực khai thác đá cát chủ chốt của Mỹ dự kiến vượt 8 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Sản lượng của Nga cũng cao kỷ lục 11,42 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 12/2018 tới nay. Trong khi đó, lọc dầu của Trung Quốc tháng 11/2018 lại giảm so với tháng 10/2018, cho thấy nhu cầu yếu đi, giữa bối cảnh sản xuất công nghiệp của nước này hiện đang thấp nhất trong vòng gần 3 năm vì kinh tế mất đà.

Vàng và các kim loại quý khác tăng, palađi cao nhất mọi thời đại

Giá vàng tăng trong phiên vừa qua khi USD và chứng khoán đồng loạt giảm khiến giới đầu tư lại chuyển hướng vào vàng. Cả 3 chỉ số chính của Mỹ đều mất điểm nặng, trong đó S&P 500 xuống mức thấp nhất 14 tháng.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.246 USD/ounce, từ mức thấp nhất kể từ 4/12/2018 là 1.239 USD ở phiên giao dịch liền trước, vàng giao sau tăng 0,8% lên 1.251,8 USD/ounce.

Đặc biệt, palađi vọt lên mức cao nhất trong lịch sử là 1.269,.50 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch vừa qua do thị trường thiếu cung triền miên trong khi nhu cầu từ lĩnh vực sản xuất ô tô liên tục tăng và giới đầu tư tăng cường mua vào kim loại quý này kể từ khi giá trở nên đắt hơn vàng. Kết thúc phiên, palađi vẫn tăng 1,2% so với cuối phiên trước, lên 1.252,7 USD/ounce, trong khi đó bạc tăng 0,6% lên 14,66 USD/ounce, còn bạch kim tăng 1% lên 795,10 USD/ounce.

Quặng sắt cao nhất 4 tuần

Giá quặng sắt tại Trung Quốc vừa lập đỉnh cao nhất gần 4 tuần do nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh lượng lưu kho tại các cảng thấp và dự báo nhu cầu của các nhà máy thép sẽ hồi phục mạnh trước mùa nghỉ lễ.

Quặng sắt hợp đồng tham chiếu trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua tăng 2,3% lên 592 CNY (71,30 USD)/tấn, mức chưa từng có kể từ 22/11/2018. Tuy nhiên, so với một năm trước đây, giá vẫn thấp hơn 4,5%.

Cao su lập đỉnh 2 tháng

Giá cao su tại Tokyo đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng do hoạt động mua mạnh bởi kỳ vọng các nước sản xuất chủ chốt sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ giá. Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2019 trên sàn Tokyo kết thúc phiên tăng 3 JPY tương đương 1,8% lên 171,6 JPY (1,51 USD)/kg. Trong phiên có lúc giá đạt 172,9 JPY, cao nhất kể từ 11/10/2018.

Đại diện của các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã họp trong hai ngày 12 à 13/12/2018 để thảo luận về giải pháp đẩy giá tăng lên. Ba nước sẽ gặp nhau thêm một lần nữa trước khi kết thúc năm nay để đưa ra giải pháp thực hiện trong năm 2019. Thị trường cũng đang kỳ vọng vào kinh tế Trung Quốc khi Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình sẽ đọc diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm 40 năm cải cách của nước này, diễn ra vào ngày 18/12/2018 .

Cũng trong xu hướng tích cực, giá cao su kỳ hạn giao tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 60 CNY trong phiên vừa qua, lên 11.340 CNY (1.644 USD)/tấn, mặc dù dự trữ cao su trên sàn này đã tăng 4,9% trong vòng một tuần qua.

Thịt lợn Trung Quốc có thể tăng trong năm 2019

Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc, và theo nhận định của Ban Cải cách và phát triển quốc gia nước này thì nguồn cung lợn bị thắt chặt do dịch bệnh có thể khiến giá thịt lợn tại nước này tăng trong năm 2019. Trước mắt, giá có nhiều khả năng tăng ngay trước thềm Tết Nguyên đán, kéo dài sang sau Tết bởi người chăn nuôi không muốn tái đàn. Sau đó, dự báo đến mùa Hè, thậm chí có thể cả nửa cuối năm 2019 giá sẽ tăng mạnh hơn nữa.

EU nhập khẩu ngũ cốc ròng lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm

Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành nhà nhập khẩu ngũ cốc ròng lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ do hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lúa mì, khiến cho thị trường ngô và lúa mì nóng lên, và lúa mì Nga trở nên có sức cạnh tranh đặc biệt.

Tính từ đầu niên vụ 2018/19 tới ngày 16/12/2018, EU đã nhập khẩu 13,15 triệu tấn ngũ cốc, trông khi chỉ xuất khẩu được 12,64 triệu tấn. Lần gần đây nhất khu vực này nhập khẩu ròng là niên vụ 2007/08, khi cũng bị mất mùa bởi hạn hán.

Từ một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, nay EU đang nhập khẩu lúa mì chủ yếu từ các nước quanh Biển Đen và Mỹ. Đối với ngô, EU vẫn thường rơi vào tình trạng nhập khẩu ròng, nhưng giai đoạn này đang nhập khẩu nhiều kỷ lục.

Lúa mì tăng mạnh

Giá lúa mì tại Nga tăng mạnh trong tuần qua sau khi giá lúa mì tại Chicago (Mỹ) lên cao nhất trong vòng gần 2 tháng và nguồn cung trong nước sụt giảm bởi yếu tố mùa vụ. Lúa mì Biển Đen loại 12,5% protein kỳ hạn giao tháng 1 năm sau hiện ở mức 238 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với một tuần trước đó.

Lúa mì tại các thị trường khác cũng đồng loạt tăng theo giá tại Nga. Trên sàn Euronext của châu Âu, lúa mì giao tháng 3 năm sau tăng 0,2% lên 307,25 EUR/tấn vào cuối phiên sau khi có lúc đạt 208,25 EUR; trên sàn Chicago hợp đồng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 5-1/4 US cent lên 5,35-1/4 USD/bushel.

Nga đã giảm xuất khẩu lúa mì trong mấy tuần gần đây. Do đó, tính từ đầu năm marketing (bắt đầu từ 1/7/2018) tới nay, xuất khẩu chỉ tăng 4%, so với mức tăng 40% tính tới thời điểm đầu tháng 9/2018.

Cà phê arabica xuống dưới 1 USD/lb

Giá cà phê arabica giảm mạnh do áp lực dư cung trên toàn cầu. Arabica giao tháng 3/2019 giảm 2,15 USD tương đương 2,1% xuống 1,001 USD/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 99,75 US cent, thấp nhất kể từ 19/9/2018.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa nâng dự báo về nguồn cung trên toàn cầu niên vụ 2018/19 lên kỷ lục cao 175,5 triệu bao (1 bao = 60 kg), từ mức 171,2 triệu bao đưa ra trước đây. USDA cũng là đơn vị đưa ra con số dự báo về mức dư thừa cao nhất trong số các dự báo.

Trái với arabica, robusta giao tháng 3 năm sau tăng 8 USD tương đương 0,5% lên 1.478 USD/tấn. Dự trữ cà phê xanh tại Mỹ trong tháng 11 vừa qua đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp, xuống chỉ 6,08 triệu bao, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016.

Tôm Mỹ rẻ nhất 3 năm

Hãng Urner Barry ((UB) tuần trước báo giá tôm ở mức thấp nhất 52 tuần. Lý do bởi lượng nhập khẩu cao kỷ lục, nhất là từ Trung Quốc, mặc dù tiêu thụ bình quân đã tăng từ 4lb/người năm 2016 lên 4,5lb năm 2017. Thị trường tôm Mỹ có dấu hiệu bão hòa. Trong khi đó, tại Hội nghị nuôi trồng thủy sản toàn cầu, các chuyên gia dự báo sản lượng tôm nuôi trên toàn cầu sẽ tăng 6-7% mỗi năm. Hiện ở các nước sản xuất đều đang thuận lợi, không có dịch bệnh nghiêm trọng nào xảy ra. Tuy nhiên, có nguy cơ giá tôm giảm thấp kéo dài sẽ khiến người nuôi tôm không muốn mở rộng sản xuất.

Xoài Việt Nam và Campuchia được ưa chuộng ở Trung Quốc

Thị trường Trung Quốc tiêu thụ cả xoài nhập khẩu và xoài nội địa, trong đó xoài Việt Nam và Campuchia bán chạy nhất vì hương vị thơm ngon mà giá lại rẻ. Ngoài ra, mùa thu hoạch không trùng với ở Trung Quốc cũng góp phần khiến xoài Việt trở nên đắt khách. Trong khi Việt Nam và Campuchia thu hoạch xoài từ tháng 11 năm này tới tháng 5 năm sau thì xoài Quảng Tây (Trung Quốc) lại có bán từ tháng 5 đến tháng 11. Ngành trồng xoài của Trung Quốc phát triển nhanh trong những năm gần đây nhờ cải tiến công nghệ, nhưng chất lượng trái vẫn kém xa so với xoài nhập khẩu, chẳng hạn như từ Australia (có hương vị ngon, chất lượng cao). Năm nay, Trung Quốc được mùa xoài nên giá xoài nội giảm, kéo giá xoài nhập khẩu giảm theo.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sáng nay 18/12

Thị trường ngày 18/12: Giá dầu WTI rớt mạnh xuống dưới 50 USD/thùng, cao su lập đỉnh 2 tháng - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên