MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 18/7: Vàng đảo chiều tăng vượt 1.800 USD, dầu thô mất giá vì Covid-19 tăng nhanh

18-07-2020 - 08:18 AM | Thị trường

Giá một số mặt hàng quan trọng bị tác động mạnh bởi những số liệu đáng lo ngại về Covid-19. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu ngày 17/7 đã vượt 14 triệu, đánh dấu lần đầu tiên có sự gia tăng thêm 1 triệu ca chỉ trong vòng chưa đầy 100 giờ.

 Mỹ thông báo có ít nhất 75.000 trường hợp nhiễm mới trong ngày 16/7, mức cao kỷ lục từ khi xảy ra dịch bệnh; Tây Ban Nha thông báo số ca nhiễm tăng mạnh nhất trong vòng hơn 2 tháng; số ca ở Ấn Độ và Brazil cũng tăng mạnh.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Châu Âu sẽ bàn thảo về khả năng tăng cường kích thích kinh tế trong những ngày tới.

Dầu giảm vì số ca nhiễm Covid-19 tăng

Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần này do lo ngại số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng làm giảm nhu cầu nhiên liệu, giữa bối cảnh nhóm nước sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới sẵn sàng tăng sản lượng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent giảm 23 US cent xuống 43,14 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 16 US cent xuống 40,59 USD/thùng. So với cuối tuần trước, giá dầu hiện nay gần như không thay đổi.

Nhu cầu dầu đã phục hồi rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, sau khi giảm 30% trong tháng 4 khi các quốc gia hạn chế đi lại và các doanh nghiệp đóng cửa. Tuy nhiên, mức tiêu thụ hiện nay vẫn thấp hơn so với trước khi xảy ra đại dịch, trong khi nhu cầu đang có xu hướng giảm trở lại khi mà số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh.

Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên xuống mức thấp kỷ lục trong tuần thứ 11 liên tiếp.

Vàng tăng trở lại

Giá vàng nhanh chóng tăng trở lại trong phiên 17/7 do số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng mạnh khiến các nhà đầu tư trở nên khó đoán về triển vọng hồi phục kinh tế. Đồng USD yếu đi cũng góp phần hỗ trợ giá vàng tăng.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.809,85 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2020 tăng tăng 0,5% lên 1.810 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,6%.

Chỉ số USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt giảm 0,4% trong phiên vừa qua.

Thị trường ngày 18/7: Vàng đảo chiều tăng vượt 1.800 USD, dầu thô mất giá vì Covid-19 tăng nhanh - Ảnh 1.

​Quặng sắt tăng tuần thứ 2 liên tiếp

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần đi lên tuần thứ 2 liên tiếp do nhu cầu mạnh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 0,4% xuống 826 CNY (118,06 USD)/tấn, tuy nhiên tính chung cả tuần vẫn tăng 4,5%.

Nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc vẫn mạnh, trong khi nguồn cung từ Brazil yếu sau vụ vỡ đập năm 2019. Điều này dự báo sẽ giữ cho giá quặng duy trì ở mức cao.

Giá thép cây trên sàn Thượng Hải (kỳ hạn tháng 10) tăng 0,2% lên 3.626 CNY/tấn, tính chung cả tuần tăng 1%; thép cuộn cán nóng tăng 0,03% lên 3.752 CNY/tấn trong phiên này.

Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các lò cao ở 247 nhà máy thép Trung Quốc đến ngày 17/7 là 92,26%, chỉ giảm 0,1% so với tuần trước đó, trong khi tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cà phê tăng mạnh do thời tiết ở Brazil

Giá cà phê arabica phiên vừa qua tăng 3,95 US cent (4%) lên 1,023 USD/lb, mức cao nhất kể từ 6/7. Nguyên nhân do thời tiết ở Brazil dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ giảm trong tuần tới, một số khu vực có khả năng sương giá. Các quỹ hàng hóa tích cực mua mặt hàng này trước khi kết thúc tuần.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 cũng tăng 50 USD (4%) lên 1.293 USD/tấn.

Cao su tăng giá

Giá cao su trên sàn Tokyo tăng trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng tăng nhẹ, chủ yếu do giá ở Thượng Hải tăng và đồng yen yếu đi. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như về số ca nhiễm Covid-19 tăng.

Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn TOCOM tăng 0,7 JPY lên 156,3 JPY (1,46 USD)/kg, tính chung cả tuần giá tăng 0,8%. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao dịch nhiều nhất là tháng 9, có mức giá tăng 15 CNY lên 10,610 CNY (1.517 USD)/tấn.

Nhà phân tích Jiong Gu của Yutaka Shoji Co dự báo giá cao su sẽ vẫn trong khoảng biến độ hẹp vào tuần tới vì thị trường thiếu xu hướng do chưa có các yếu tố cơ bản mới.

Fonterra nâng dự báo về giá sữa năm 2020/21 do kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc

Tập đoàn kinh doanh sữa New Zealand, Fonterra, trong ngày 17/7 đã nâng dự báo về giá sữa tại cổng trại trong mùa vụ tới với lý do nhu cầu từ Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới – sẽ tăng lên.

Cụ thể, Fonterra thu hẹp khoảng giá dự báo xuống 5,90 – 6,9 NZD/kg sữa rắn (milk solids) trong niên vụ 2020/21, từ mức 5,4 – 6,9 NZD dự báo trước đây.

Theo Chủ tịch John Monaghan của Fonterra: "Sau cú sốc Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sữa ở Trung Quốc sẽ hồi phục khi người tiêu dùng sẽ mạnh tay chi tiêu hơn".

Tuy nhiên, ông cho biết thị trường vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, và vì thế ông chỉ nâng ngưỡng giá dưới trong khoảng giá dự báo.

Về triển vọng giá vụ 2019/20, Fonterra cũng thu hẹp mức dự báo xuống 7,10 – 7,20 NZD/kg, từ mức 7,10 – 7,3 NZD dự báo trước đây.

Sản lượng thịt lợn Trung Quốc giảm 19,1% trong 6 tháng

Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đã giảm 19,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, xuống 19,98 triệu tấn, theo số liệu chính thức được công bố ngày 16/7. Nguyên nhân do dịch tả lợn Châu Phi.

Trung Quốc đã giết mổ 251,03 triệu con lợn trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 19,9% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Tính đến cuối tháng 6, số lợn nuôi ở nước này là 339,96 triệu con, thấp hơn 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng so với 321,2 triệu con của cuối tháng 3/2020.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 18/7

Thị trường ngày 18/7: Vàng đảo chiều tăng vượt 1.800 USD, dầu thô mất giá vì Covid-19 tăng nhanh - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên